Độc đáo nghề khảm xà cừ tủ thờ Gò Công
Chúng tôi đến xã Tân Trung, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang vào những ngày cuối năm, nơi có Làng nghề truyền thống Tủ thờ Gò Công vang danh. Tủ thờ Gò Công nổi tiếng bởi chất lượng gỗ, tinh xảo từng công đoạn… Trong đó, có công đoạn không thể thiếu để làm nên tủ thờ Gò Công, chính là công đoạn khảm xà cừ (hay còn gọi là cẩn xà cừ). Công đoạn này tạo nét độc đáo, tôn vinh giá trị của chiếc tủ thờ Gò Công.
Từng công đoạn khảm xà cừ luôn đòi hỏi người thợ sự tỉ mỉ, khéo léo. |
Xã Tân Trung có 440 hộ làm nghề đóng tủ thờ, nhưng chỉ có hơn 10 hộ vừa đóng tủ vừa khảm xà cừ. Bởi nghề khảm xà cừ đòi hỏi sự khéo léo, kiên trì và phải có năng khiếu thì mới có thể làm được.
TỈ MỈ TỪNG CÔNG ĐOẠN
Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Công Đạt, chủ cơ sở mộc - tủ thờ truyền thống Gò Công Nguyễn Đạt tại ấp Ông Non, xã Tân Trung. Từ ngoài ngõ đã nghe rõ âm thanh đục, đẻo gỗ, cưa, tách xà cừ… xen lẫn với tiếng cười nói của những người thợ tạo nên không khí làm việc khẩn trương. Anh Đạt cho biết, khảm xà cừ có 5 công đoạn và người thợ luôn phải khéo léo, tỉ mỉ cho từng công đoạn. “Nhiều người nghĩ rằng khảm xà cừ thật dễ, chỉ cần đục, đẽo, mài, lắp ráp theo khuôn mẫu là được, nhưng không phải vậy, khảm xà cừ là một nghệ thuật, đòi hỏi người thợ nhiều yếu tố từ sự kỳ công cho đến tỉ mỉ, khéo léo… Thời gian làm việc của người thợ khảm xà cừ có thể kéo dài đến tận khuya hoặc sang ngày hôm sau làm tiếp, chứ không thể nóng vội đẩy nhanh tiến độ trong từng thao tác, bởi chỉ một sơ suất nhỏ là phải bỏ đi toàn bộ tác phẩm, thậm chí hư mặt gỗ” - anh Đạt chia sẻ.
Từ những miếng xà cừ thô ráp, để làm ra một sản phẩm có hồn là cả một quá trình sáng tạo tỉ mỉ, khéo léo của người thợ. Không giống các sản phẩm mỹ nghệ khác, xà cừ có đặc tính cứng và giòn, nếu làm hư, gãy thì phải bỏ luôn cả miếng. Công đoạn đầu của khảm xà cừ là vẽ tạo hình trên xà cừ và cưa xà cừ theo hình đã vẽ. Anh Nguyễn Nhật Thắng, người thợ khảm xà cừ vừa dùng bút vẽ lên miếng xà cừ vừa chia sẻ: “Trước khi vẽ và cưa xà cừ phải ngâm xà cừ vào nước để xà cừ không cứng và giòn. Người thợ làm nghề này không thể lơ là mà làm việc bằng cả tâm huyết để thổi hồn vào hình xà cừ đang vẽ tạo ra sản phẩm hài hòa, có độ thẩm mỹ cao”. Sau khi vẽ xong miếng xà cừ, anh Thắng sử dụng một chiếc cưa nhỏ có lưỡi là sợi thép mảnh, bén để cưa cắt miếng xà cừ thành những hình dáng mềm mại, tinh xảo chính xác đến từng chi tiết.
Ông Nguyễn Công Thành giới thiệu những nét độc đáo của việc khảm xà cừ trên chiếc tủ thờ Gò Công. |
Công đoạn thứ 2 là dán hình xà cừ lên thân gỗ. Công đoạn này khá dễ nhưng cũng đòi hỏi độ chính xác cao. Sau khi dán, dùng bút vẽ hình xà cừ lên thân gỗ thì tới công đoạn thứ 3 là tạo hình hay còn gọi là đục hình lên thân gỗ. Anh Nguyễn Viết Hiến có gần 20 năm làm nghề khảm xà cừ chia sẻ: “Hiện tại, đối với hàng tủ thờ cao cấp, người thợ dùng tay điều khiển máy đục nhưng áp lực của công việc này rất lớn, bởi chỉ cần sơ suất nhỏ sẽ làm hư mặt gỗ. Người thợ đục phải bảo đảm xà cừ sau khi được tạo hình sẽ khảm xuống mặt gỗ, mài nhẵn đến khi miếng ốc xà cừ nổi lên sáng bóng”.
Công đoạn thứ 4 là vô keo và dán xà cừ vào mặt gỗ đã được đục hình. Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: “Công đoạn này tuy nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi sự tinh tường. Người thợ phải thật sự tinh mắt để dán những chi tiết nhỏ nhất mà không bị sót. Sau khi dán xà cừ vào mặt gỗ, đợi khô keo, người thợ sẽ mài xà cừ cho sáng bóng”.
Công đoạn cuối cùng là tách hay còn gọi là tạo đường nét trên xà cừ. Với những sản phẩm tủ thờ cao cấp thì người thợ càng phải tỉ mỉ, dùng mũi dao nhọn hoặc chiếc “bút” bằng sắt kỳ công tách từng chi tiết. Đây là công đoạn khó đòi hỏi tài năng và khả năng sáng tạo của người chế tác để thổi hồn vào sản phẩm. Ngày nay, đối với các sản phẩm tủ thờ phổ thông thì đã có máy đục và máy tách hỗ trợ, nhưng người điều khiểu máy cũng cần phải theo sát, bởi chỉ cần sơ suất nhỏ là hư cả 4 sản phẩm (vì máy đục và khảm có 4 mũi kim).
TINH HOA CỦA CHIẾC TỦ THỜ GÒ CÔNG
Trước đây, ở Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công chủ yếu là đóng tủ thờ, còn khảm xà cừ phải mang xuống tận xã Tân Tây (huyện Gò Công Đông) để khảm. Ông Nguyễn Công Thành, chủ cơ sở mộc - tủ thờ truyền thống Gò Công Ba Thành cho biết: “Trước đây, làng nghề không có thợ khảm xà cừ mà chủ yếu là thợ mộc. Trước năm 1975, có ông Ba Khuê là người thợ khảm xà cừ từ ngoài Bắc vào xã Tân Tây làm nghề khảm xà cừ. Sau đó, ông Ba Khuê mới truyền nghề lại cho ông Sáu Cẩn; rồi ông Sáu Cẩn lại tiếp tục truyền nghề khảm xà cừ cho thế hệ sau này”.
Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công được công nhận là làng nghề vào năm 2003. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp, các ngành làng nghề phát triển ổn định. Hằng năm, có hàng ngàn chiếc tủ thờ được bán ra thị trường. Trong năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên sức tiêu thụ của làng nghề có phần chậm đi so với những năm trước. Để giữ vững và phát triển, làng nghề rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ các cấp, các ngành tạo điều kiện cho làng nghề có nguồn nguyên liệu ổn định từ gỗ đến xà cừ…
PHÓ CHỦ TỊCH UBND XÃ TÂN TRUNG NGÔ HOÀNG PHI |
Nếu ngày trước người thợ đóng tủ thờ Gò Công chủ yếu cẩn bông dâu ở cửa tiền, thì nay họa tiết rất phong phú. Người thợ khảm xà cừ có thể khảm nhiều hình ảnh, điển tích, điển cổ xưa theo yêu cầu của khách hàng như “Phúc - Lộc - Thọ” hay tùng, cúc, trúc, mai… Tuy nhiên, do người Việt từ đời xưa đến nay luôn lấy chữ “Hiếu” làm đầu nên chiếc tủ thờ - nơi bày tỏ tình cảm của người sống với những người đã khuất, truyền dạy con cháu sống đạo hiếu, lễ nghĩa, thì hình ảnh phổ biến nhất được khảm vẫn là “Nhị thập tứ hiếu” - 24 câu chuyển kể về đạo hiếu mà con cháu muốn dâng kính lên tổ tiên.
Với đôi tay tài hoa của người thợ khảm xà cừ đã biến miếng vỏ ốc xà cừ vô tri trở thành những bức tranh sống động mang giá trị văn hóa có tính nghệ thuật cao khi kể về những tích tuồng, triết lý sống của người Việt Nam trên chiếc tủ thờ Gò Công như: Mai hóa rồng, tích “Ngư tiều canh mục”… “Thật vậy, việc khảm xà cừ đã làm cho chiếc tủ thờ Gò Công trở nên có giá trị, với nét thẩm mỹ, tinh hoa độc đáo tạo tính tôn nghiêm nơi thờ cúng ông bà” - ông Nguyễn Công Thành chia sẻ.
ĐÁP ỨNG NHU CẦU THỊ TRƯỜNG
Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu thị trường, người chủ và người thợ đóng tủ thờ Gò Công đã khảm nhiều xà cừ hơn trên chiếc tủ thờ. Ông Nguyễn Công Thành cho biết: “Hiện nay, với sự chăm chút, sáng tạo và cải tiến của những thế hệ kế thừa đã làm cho chiếc tủ thờ Gò Công không chỉ là vật dụng cần thiết để thờ cúng ông bà trong gia đình, mà còn là tác phẩm nghệ thuật thực sự. Trang trí chiếc tủ thờ thêm đẹp không chỉ dừng lại ở khung cửa tiền mà còn được mở rộng đến cả chân quỳ, cánh cửa. Tủ thờ được người dân mua về thờ phụng ông bà nên phải thật trang nghiêm. Do đời sống kinh tế ngày càng phát triển và nhu cầu, thị hiếu của người dân cũng cao hơn nên đã có không ít người thích khảm nhiều xà cừ lên tủ thờ để tỏ lòng tôn kính đối với ông bà, tổ tiên”.
Sản phẩm Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công phát triển ngày càng đa dạng, phong phú về mẫu mã và khảm xà cừ không chỉ là nét đẹp của chiếc tủ thờ, mà còn được người thợ ở làng nghề khảm lên rất nhiều các sản phẩm khác như: Cây chò, lư hương (các vật dụng thường được đặt trên tủ thờ), bàn, ghế, đồ trang trí nội thất… đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Mẫu mã càng phức tạp thì thời gian khảm xà cừ càng lâu và giá thành các sản phẩm càng cao.
Bằng bàn tay, khối óc và sự tỉ mỉ của mình, những người thợ khảm xà cừ tại Làng nghề truyền thống tủ thờ Gò Công đang thổi hồn vào những chiếc tủ thờ thô mộc, đơn giản trở thành tác phẩm nghệ thuật đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
PHƯƠNG MAI