Thứ Tư, 25/04/2012, 09:09 (GMT+7)
.
Ông NGUYỄN THANH CẨN, Phó trưởng Ban chỉ đạo tỉnh Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới:

Tập trung tháo gỡ khó khăn, nỗ lực xây dựng nông thôn mới

 Sau hơn 1 năm khởi động, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XD NTM) đã đạt được những kết quả bước đầu. Tuy nhiên, thực tế đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Xoay quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Ban Chỉ đạo tỉnh về XD NTM, cho biết:

Trong năm 2011, hệ thống tổ chức về XD NTM được hình thành, kiện toàn từ tỉnh đến xã. Cụ thể, cấp tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) tỉnh, phân công chức năng, nhiệm vụ các thành viên; cấp huyện và xã cũng thành lập BCĐ, Ban Giám sát…

Công tác tuyên truyền được quan tâm để nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, công chức và quần chúng nhân dân. Đến nay, đã tiến hành được 1.250 cuộc tuyên truyền với khoảng 26.000 người dự. BCĐ tỉnh còn đào tạo, tập huấn các thành viên BCĐ huyện, xã về XD NTM.

Các xã chỉ đạo XD NTM đã và đang xúc tiến xây dựng đề án, thuê tư vấn lập đồ án quy hoạch. Đến nay, 18/40 xã XD NTM có đề án đã được phê duyệt, trong số đó có 5/10 xã điểm đã được phê duyệt đồ án quy hoạch.

Đề án, đồ án quy hoạch của 30 xã XD NTM còn lại đang trong quá trình hoàn thiện, phấn đấu chậm nhất trong tháng 5 sẽ được phê duyệt. Ngoài ra, tỉnh cũng đang xúc tiến triển khai xây dựng đề án, lập đồ án quy hoạch cho 60 xã mới và kế hoạch được phê duyệt trong năm 2012 này.

Trong năm 2011, BCĐ tỉnh đã phối hợp với Sở Tài Chính cấp cho 10 xã điểm XD NTM 37 tỷ đồng (mỗi xã 3,7 tỷ đồng). Các xã cũng đã giải ngân hết số vốn này và đã triển khai xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, bước đầu góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. 

Phóng viên (PV): Có nhận định cho rằng, tiến độ XD NTM chậm, nhất là giai đoạn xây dựng đề án, lập đồ án quy hoạch. Đâu là nguyên nhân, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Cẩn (N.T.C): Bắt đầu triển khai từ năm 2010 nhưng đến năm 2011, chương trình mới được khởi động do văn bản hướng dẫn từ Trung ương chậm ban hành nên địa phương lúng túng trong triển khai; nhất là đối với việc xây dựng đề án, lập đồ án quy hoạch.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2011, 40 xã được chọn XD NTM hoàn thành xong đề án, đồ án quy hoạch. Nhưng đến hết quý I-2012, nhiều xã vẫn chưa hoàn thành. Mặt khác, nhận thức XD NTM của cán bộ, nhân dân còn hạn chế, lúng túng, chưa tìm được hướng đi.

Việc lập đồ án quy hoạch phụ thuộc vào đơn vị tư vấn, thiếu đơn vị tư vấn thực hiện, kinh phí lập đồ án thấp (150 triệu đồng) không hấp dẫn đơn vị thực hiện. Có những đồ án lập ra không sát với thực tế phải chỉnh sửa nhiều lần. Chính quyền cấp huyện chưa đôn đốc, chưa quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đồng bộ.

PV: Địa phương phản ánh vốn cấp từ Trung ương, tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi đó việc huy động vốn rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện chương trình?

Ông N.T.C: Đây là một thực tế. Tuy nhiên cũng cần thấy rõ 2 vấn đề: Trong XD NTM có quy định vốn từ ngân sách đầu tư vào những công trình nào, công trình nào thì địa phương phải huy động vốn để thực hiện.

Nhưng đa số khi XD NTM, các xã có tâm lý trông chờ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước. Thậm chí có địa phương còn đề nghị đưa vào xã XD NTM để được đầu tư từ ngân sách. Cũng có xã được giao vốn nhưng lại không biết giải ngân hết. Có huyện khi nhận vốn XD NTM không chuyển cho xã, mà giữ lại trực tiếp làm chủ đầu tư.

X
Không nên quá cứng nhắc trong việc huy động xây dựng hạ tầng NTM. Ảnh: Q.VIỆT

Dù vậy, cũng nhìn nhận rằng vốn ngân sách cấp thời gian qua chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư các công trình thuộc diện này. Trong chương trình XD NTM của các xã, chỉ có Bình Nghị (Gò Công Đông) có các công trình sử dụng vốn ngân sách thấp nhất khoảng 90 tỷ đồng, còn lại các xã khác khoảng 150 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2011 mỗi xã chỉ được cấp khoảng 3,7 tỷ đồng. Năm 2012, nguồn vốn chương trình này dự kiến chi cho xã sẽ còn thấp hơn do phải phân bổ cho 29 xã.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là với nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, các xã không thể làm được. Chúng ta không nên quá trông chờ vào nguồn vốn phân cấp của cấp trên, xã cần tranh thủ thực hiện những tiêu chí thông qua nguồn lực tại chỗ bằng cách đa dạng hóa kênh huy động.

Theo tôi, việc này sẽ không quá khó nếu tạo được sự đồng thuận, tham gia của người dân trong XD NTM. Và các xã cũng không quá cứng nhắc trong việc huy động là phải góp tiền mới xây dựng công trình được, mà có thể đóng góp công sức, hiến đất, hoa màu…

PV: Qua thực tế triển khai, hầu hết các xã chỉ chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa đề cập đến phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân. Theo ông, hướng tháo gỡ vấn đề này như thế nào?

Đời sống người nông dân sẽ nâng lên khi xây dựng NTM.
Đời sống người nông dân sẽ nâng lên khi xây dựng NTM. Ảnh: LÊ NAM

Ông N.T.C: Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang cố gắng lồng ghép các chương trình, dự án sản xuất như: xây dựng cánh đồng mẫu, ứng dụng công nghệ sinh thái trong sản xuất nông nghiệp, “3 giảm 3 tăng”, mô hình ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm; quy hoạch lại vùng sản xuất… gắn với địa bàn các xã XD NTM.

Qua những mô hình triển khai, địa phương thấy hiệu quả nhân rộng ra, từ đó cơ cấu sản xuất, quan hệ sản xuất thay đổi theo và tập quán nông dân cũng chuyển đổi theo hướng cộng đồng. Khi đó, thu nhập của người dân nông thôn sẽ được nâng lên.

PV: Có một số tiêu chí được cho là không phù hợp với ĐBSCL nói chung và Tiền Giang nói riêng. Vậy, chúng ta phải làm như thế nào, thưa ông?

Ông N.T.C: Khi rà soát yêu cầu các tiêu chí với thực tế từng vùng, miền cho thấy một số yêu cầu của tiêu chí không phù hợp. Cụ thể, việc kiên cố hóa kinh mương chỉ phù hợp với miền Bắc, không phù hợp với điều kiện ĐBSCL sông ngòi chằng chịt. Chúng tôi đề nghị chỉ kiên cố hóa các cống đập, còn hệ thống kinh mương chỉ cần đáp ứng nhu cầu sản xuất là đạt yêu cầu.

Cũng không nhất thiết mỗi xã phải có một nghĩa trang, xã nào cũng có chợ. Có thể một số xã có chung nghĩa trang, chợ liên xã. Tiêu chí mỗi xã phải có công trình văn hóa thể thao trong điều kiện hiện nay xã không có đất để đáp ứng hoặc nếu có thì cũng không chắc thu hút người dân đến sinh hoạt.

Chúng tôi cho rằng mỗi xã chỉ cần có điểm cho người dân đến sinh hoạt là đủ. Trung ương cũng đã thấy được điều này và đã có hướng gỡ là trên cơ sở bộ tiêu chí chung, từng tỉnh sẽ ban hành bộ tiêu chí riêng cho phù hợp để thực hiện cho địa phương mình.

PV: Trước những khó khăn trên, BCĐ tỉnh có những giải pháp tháo gỡ nào để đạt kế hoạch đề ra đến năm 2015 và những năm tiếp theo, thưa ông?

Ông N.T.C: Trước hết, cần làm tốt công tác xây dựng đề án, đồ án quy hoạch. Phải làm chặt chẽ, chất lượng và phù hợp, tạo tiền đề đầu tư các chương trình, dự án, phát triển sản xuất sau này. Phân rõ trách nhiệm các ngành, các cấp; trong đó cơ bản, UBND huyện là cấp quyết định đầu tư các chương trình, dự án…; các sở, ngành tỉnh hướng dẫn thực hiện. Các xã căn cứ đề án để có lộ trình, bước đi thích hợp trên cơ sở tiềm lực của mình.

Công khai hóa các nguồn lực từ Trung ương đến địa phương, đầu tư ngân sách tỉnh phải đảm bảo cân đối phù hợp với nhu cầu; xác định các nguồn lực đầu tư để xã chủ động cân đối, huy động đưa vào kế hoạch thực hiện.

Bên cạnh đó, cần tăng mức đầu tư cho các xã XD NTM lên từ 1,5 - 2 lần so với hiện nay; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân, viên chức, trong đó nông dân là chủ thể cùng tham gia thực hiện.

Với những giải pháp cơ bản trên, chúng tôi phấn đấu đến năm 2015, 10 xã điểm sẽ đạt các tiêu chí XD NTM; các xã chỉ đạo XD NTM còn lại đạt phần lớn các tiêu chí, những tiêu chí chưa hoàn thành đạt thấp nhất 80% so với yêu cầu.

Muốn làm được như thế, chúng tôi phân công các thành viên BCĐ rà soát từng tiêu chí. Rút kinh nghiệm từ những vướng mắc trong thời gian qua, trong điều kiện kinh phí lập đồ án hạn hẹp, tỉnh đang có hướng chọn đơn vị tư vấn có uy tín lập đồ án quy hoạch cho các xã còn lại.

PV: Xin cảm ơn ông!

NGÔ VĂN (thực hiện)

.
.
.