Thực hiện Luật Lao động và Luật Công đoàn, phát huy vai trò Công đoàn
Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua được xem là điều kiện để phát huy hơn nữa vai trò của Công đoàn (CĐ).
Theo đó, những vấn đề quan trọng mang tính quyết định đến sự phát triển của tổ chức CĐ đã được thông qua như: Thu phí CĐ 2% tiền lương đóng BHXH; có cơ chế đặc thù cho cán bộ CĐ… Quốc hội cũng đã thông qua phương án: Không quy định quyền gia nhập và hoạt động CĐ Việt Nam của lao động là người nước ngoài… Ông Trương Văn Hiền (T.V.H, ảnh), Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết:
Bộ Luật Lao động và Luật CĐ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là cơ sở pháp lý quan trọng để thiết lập mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng thời CĐ Việt Nam tổ chức thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của mình, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị đất nước.
Việc sửa đổi Bộ Luật Lao động và Luật CĐ nhằm khắc phục những hạn chế của các luật hiện hành, đáp ứng quá trình phát triển của đất nước thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ngoài ra, Bộ Luật Lao động và Luật CĐ (sửa đổi) đã kịp thời thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về hoàn thiện, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 28-1-2008 của Ban chấp hành trung ương Đảng, khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.
Qua đó, cũng nhằm thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW ngày 5-6-2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Xác định rõ vị trí, chức năng, quyền và cơ chế bảo đảm để CĐ thực hiện tốt chức năng trong thời kỳ mới; phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của CĐ trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần phát triển quan hệ lao động lành mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Phóng viên (PV): Ông có thể nêu những nét mới của Luật Công đoàn sửa đổi?
Ông T.V.H: Luật CĐ năm 1990 ra đời trong bối cảnh nước ta bắt đầu đổi mới về kinh tế. Do đó, phạm vi điều chỉnh còn hạn hẹp, địa vị pháp lý và cơ chế bảo đảm cho CĐ hoạt động còn thiếu và chưa chặt chẽ, một số quy định không còn phù hợp trong nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN của nước ta hiện nay. Với luật CĐ (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, có thể thấy những điểm mới cơ bản như sau:
+ Mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật, trong đó bổ sung thêm quyền, trách nhiệm của đoàn viên CĐ; vấn đề giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm Luật CĐ.
+ Tăng thêm vai trò trách nhiệm của CĐ cấp trên cơ sở trong việc hỗ trợ hoạt động của CĐ cơ sở và đại diện, bảo vệ quyền lợi cho người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức CĐ.
+ Xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong lĩnh vực thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm Luật CĐ; trách nhiệm của đơn vị, doanh nghiệp trong hợp tác, tạo điều kiện cho CĐ hoạt động theo quy định của pháp luật.
+ Bổ sung các quy định về bảo đảm điều kiện hoạt động CĐ và bảo vệ cán bộ CĐ không chuyên trách tại cơ sở. Quy định cụ thể và luật hóa vấn đề tài chính CĐ.
PV: Luật CĐ vừa được Quốc hội thông qua có thể ví như “luồng gió” mới cho hoạt động CĐ?
Ông T.V.H: Hiện nay, hoạt động CĐ nói chung còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là CĐ trong các doanh nghiệp ở khu vực ngoài Nhà nước.
Hầu hết là cán bộ CĐ không chuyên trách, họ cũng là người làm công ăn lương theo hợp đồng lao động với người sử dụng lao động nên thiếu bản lĩnh, còn ngần ngại trong đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động khi bị xâm hại, không có thời gian để hoạt động CĐ.
Một nguyên nhân quan trọng khác là kinh phí CĐ rất eo hẹp không đủ chi cho các hoạt động phong trào và tổ chức thăm hỏi đoàn viên...
Để bảo đảm cho cán bộ CĐ yên tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, Luật CĐ (sửa đổi) đã quy định những bảo đảm và bảo vệ cán bộ CĐ. Theo đó, cán bộ CĐ không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong 1 tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch CĐ cơ sở; 12 giờ làm việc trong 1 tháng đối với các Ủy viên Ban chấp hành CĐ cơ sở, tổ trưởng CĐ, tổ phó CĐ để làm công tác CĐ và được đơn vị sử dụng lao động trả lương…
Ông Trương Văn Hiền, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thăm và tặng quà cho Tổ công nhân tự quản. |
Đồng thời, để bảo vệ cán bộ CĐ không chuyên trách, luật đã quy định người sử dụng lao động không được chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là cán bộ CĐ đang trong nhiệm kỳ… Đơn vị sử dụng lao động cũng không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, sa thải, buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác đối với cán bộ CĐ không chuyên trách nếu không có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Ban Chấp hành CĐ cơ sở hoặc Ban Chấp hành CĐ cấp trên trực tiếp...
Trường hợp người lao động là cán bộ CĐ không chuyên trách bị cơ quan, tổ chức doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, buộc thôi việc hoặc sa thải trái pháp luật thì CĐ có trách nhiệm yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền can thiệp; nếu được ủy quyền thì CĐ đại diện khởi kiện tại tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cán bộ CĐ…
Ngoài ra, vấn đề kinh phí CĐ cũng được luật quy định đối với mọi cơ quan, tổ chức doanh nghiệp dù đã hoặc chưa thành lập tổ chức CĐ đều phải đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động…
Đây là quy định nhằm tạo điều kiện cho CĐ chủ động về kinh phí, tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp; đồng thời, góp phần khắc phục tình trạng cản trở thành lập CĐ cơ sở trong doanh nghiệp.
PV: Để thực thi Bộ Luật Lao động và Luật CĐ (sửa đổi) theo ông những ngày tới các cấp CĐ sẽ phải làm gì ?
Ông T.V.H: Bộ Luật Lao động và Luật CĐ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua. Luật CĐ có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 và Bộ Luật Lao động có hiệu lực từ ngày 1-5-2013. Đây là 2 bộ luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng để xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; đồng thời, để CĐ thể hiện tốt hơn vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, để Bộ Luật Lao động và Luật CĐ (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao đòi hỏi các cấp, các ngành phải cộng đồng trách nhiệm. Trong đó, đặc biệt là vai trò của chính quyền các cấp và cơ quan quản lý Nhà nước về lao động. Đối với tổ chức CĐ cần thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
- Tổ chức tuyên truyền nội dung Bộ Luật Lao động và Luật CĐ (sửa đổi) bằng nhiều hình thức thích hợp và sâu rộng trong công nhân, viên chức, lao động và người sử dụng lao động.
- Tiếp tục tuyên truyền điều lệ để phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở theo phương châm “ở đâu có công nhân, ở đó có công đoàn” nâng cao chất lượng hoạt động CĐ, xây dựng CĐ cơ sở vững mạnh.
- Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động CĐ nhằm đáp ứng nguyện vọng và quyền lợi của đoàn viên. Lấy chức năng đại diện bảo vệ lợi ích của người lao động làm trọng tâm, hàng đầu. Song song đó, tổ chức CĐ cần nâng cao năng lực cán bộ CĐ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật lao động, luật CĐ và các chế độ, chính sách của người lao động. Qua đó, kịp thời đề xuất biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích và kiến nghị xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật lao động và pháp luật CĐ.
PV: Xin cám ơn ông!
PHƯƠNG NGHI (thực hiện)