Chấn chỉnh và tăng cường quản lý thị trường thuốc Tây
Thời gian qua, nhiều quầy thuốc, nhà thuốc bán thuốc cho người bệnh không cần toa của bác sĩ; thậm chí cả những tiệm tạp hóa cũng có thể bán thuốc cho người bệnh. Tình trạng này dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường.
Để chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý của ngành, cùng lộ trình thực hiện nhà thuốc theo tiêu chuẩn GPP (mô hình nhà thuốc tốt - Good Pharmacy Practices), ông Phan Văn Khinh (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết:
Qua khảo sát và từ phản ánh của người dân là có các điểm tạp hóa bán thuốc Tây trị bệnh cho người, nhưng qua các đợt thanh tra, kiểm tra ngành Y tế chưa phát hiện việc này. Thuốc Tây trị bệnh cho người là loại hàng hóa đặc biệt vì có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người, là con dao hai lưỡi trong quá trình sử dụng, phải đảm bảo hợp lý, an toàn và hiệu quả.
Do vậy đòi hỏi việc sử dụng thuốc Tây phải hết sức chính xác, hợp lý và thận trọng. Trách nhiệm của ngành Dược là tạo nguồn thuốc, tổ chức cung ứng, hướng dẫn sử dụng hợp lý và an toàn. Đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, có hiệu quả là một trong hai mục tiêu cơ bản của Chính sách Quốc gia về thuốc của Việt Nam.
Thị trường dược phẩm hiện nay tại Việt Nam khá phức tạp, thành phẩm được lưu thông trên thị trường được tạo ra bằng nhiều con đường khác nhau: sản xuất trong nước hay từ nguồn nhập khẩu hoặc từ nguồn phi mậu dịch, xách tay của thân nhân nước ngoài...
Giá thành của sản phẩm chưa thể kiểm soát hết được, nhiều nhà nhập khẩu, sản xuất nâng giá thành lên cao rồi đưa vào khuyến mãi... Quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn hiện chưa thực hiện một cách nghiêm minh. Bác sĩ vừa khám bệnh vừa bán thuốc và người bán thuốc đôi khi trực tiếp chỉ định thuốc cho người bệnh.
Công tác quản lý ngành Y tế ít nhiều có những khó khăn nhất định. Trước hết, về nhân sự cho công tác quản lý còn quá mỏng, hiện Thanh tra Sở Y tế có 4 người và chỉ có 1 người phụ trách về dược; trong khi số lượng cơ sở hành nghề y, dược tư nhân tăng nhanh.
Thời gian qua ngành đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất trong phạm vi hành nghề y dược tư nhân nhằm tạo sự công bằng cho xã hội, trong đó có người dân và các thành phần kinh tế tham gia hoạt động hành nghề y dược tư nhân. Đảm bảo sự nhất quán và thống nhất trên nguyên tắc bác sĩ khám bệnh và kê đơn, dược sĩ bán thuốc và tư vấn sử dụng thuốc.
PV: Theo Thông tư 43 của Bộ Y tế, đến ngày 1-1- 2013 toàn bộ các quầy thuốc phải đạt chuẩn GPP. Xin ông cho biết việc triển khai thực hiện Thông tư này trên địa bàn Tiền Giang đến nay như thế nào?
Ông Phan Văn Khinh: Ngày 14-2-2011, Sở Y tế đã ban hành Công văn 192/SYT-NVD gửi Phòng Y tế các huyện (thị, thành), doanh nghiệp đăng ký kinh doanh thuốc về việc thông báo địa bàn được mở mới quầy thuốc, đại lý thuốc. Thông báo này được công khai tại bộ phận “Một cửa” của Sở Y tế. Ngày 17-2-2012, Sở Y tế ban hành Công văn 358/SYT-NVD chỉ đạo các đơn vị trực thuộc về việc xây dựng nhà thuốc, quầy thuốc đạt GPP.
82,75% người dân khai bệnh và mua thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc Năm 2011, Sở Y tế đã có Đề tài nghiên cứu khoa học “Khảo sát tình hình sử dụng thuốc của người dân và khảo sát hệ thống bán lẻ thuốc tại Tiền Giang” để đề xuất giải pháp thực hiện “Thực hành tốt nhà thuốc” theo lộ trình. Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong những năm qua, mạng lưới bán lẻ thuốc trong tỉnh tăng nhanh về số lượng cơ sở, cụ thể: Năm 2007: 394 cơ sở, năm 2008: 469 cơ sở, năm 2009: 945 cơ sở, năm 2010: 926 cơ sở và năm 2011 là 1.259 cơ sở. Sự phân bổ chưa đều giữa các huyện (thị, thành), tập trung ở Cai Lậy (218 cơ sở), Mỹ Tho (184), Cái Bè (175), Châu Thành (167), Chợ Gạo (105 cơ sở)... Cách thức người dân chọn nơi để điều trị bệnh rất đa dạng: Đến bệnh viện, trạm y tế để khám và nhận thuốc bảo hiểm y tế là 76,5%; đến bác sĩ tư khám bệnh để lấy đơn mua thuốc là 21%; bác sĩ khám và bán thuốc là 64,25%; đến nhà thuốc/quầy thuốc khai bệnh để mua thuốc là 82,75%; sử dụng đơn cũ để mua thuốc là 7,5% và đến tiệm tạp hóa mua thuốc là 3%. |
Hiện tại, trên địa bàn Tiền Giang có 149 nhà thuốc thì 100% đều đạt GPP, chiếm 11,8%/ tổng cơ sở bán lẻ; 50 quầy thuốc đạt GPP, chiếm 38,76%/ tổng số quầy thuốc và chiếm 3,97%/tổng cơ sở bán lẻ.
Đầu tháng 9-2012, Sở Y tế phối hợp Hội Dược học tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho các cơ sở hành nghề dược và tất cả nhân viên tham gia hoạt động kinh doanh để nắm bắt kịp thời các văn bản pháp luật về dược mới ban hành cũng như các văn bản cũ còn hiệu lực bằng hình thức đào tạo trực tiếp có cấp chứng chỉ.
Sở Y tế phấn đấu đến cuối năm 2012 sẽ thực hiện đúng Thông tư 43/2010/TT-BYT ngày 15-12-2010 của Bộ Y tế.
PV: Với thực tế hiện nay (chỉ mới có 38,7% quầy thuốc đạt GPP), liệu tỉnh ta có đảm bảo đúng thời hạn của Bộ Y tế quy định?
Ông Phan Văn Khinh: Để thực hiện theo lộ trình GPP do Bộ Y tế quy định là không đơn giản, đòi hỏi phải làm sao thay đổi được nhận thức và thói quen dùng thuốc không đúng nguyên tắc, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân.
Người bán thuốc phải lấy tiêu chuẩn GPP để thực hiện. Bác sĩ phải thực hiện theo đúng nhiệm vụ chuyên môn của mình, không được vừa kê đơn vừa bán thuốc. Phải sắp xếp lại mạng lưới bán lẻ thuốc trên các địa bàn cấp huyện và cấp xã theo từng loại hình, với trình độ chuyên môn phù hợp, đúng theo Luật Dược.
Đề xuất các ngành chức năng hỗ trợ giảm thuế đối với các cơ sở thực hiện GPP trước lộ trình. Quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng các nhà thuốc đạt chuẩn GPP. Xây dựng các chương trình lồng ghép sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả cùng các kiến thức về GPP phổ biến trên các phương tiện truyền thông đại chúng để góp phần thay đổi hành vi về sử dụng thuốc của người dân... Chúng tôi cố gắng thực hiện đúng lộ trình của Bộ Y tế.
PV: Xin cảm ơn ông!
DUY SƠN (thực hiện)
Mô hình nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP - thực hành nhà thuốc tốt (Good Pharmacy Practices) là kiểu mẫu các nước tiên tiến áp dụng lâu nay, đã được triển khai từ quý IV-2007. Theo quy định, đến hết năm 2013 tất cả các nhà thuốc, quầy thuốc bán lẻ phải đạt chuẩn GPP. Việc áp dụng nhà thuốc đạt chuẩn GPP là tiến tới xóa bỏ thực trạng mua bán, sử dụng thuốc trị bệnh một cách bừa bãi lâu nay; bỏ tình trạng “bác sĩ làm dược sĩ”, “dược sĩ làm bác sĩ “, dẫn đến hậu quả người bệnh bị nhờn thuốc. Nhà thuốc GPP phải đạt chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, nhiệt độ lạnh, diện tích đảm bảo, dược sĩ phải có mặt khi nhà thuốc hoạt động, chỉ bán thuốc theo toa (trừ một số loại) và có nơi để dược sĩ tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh. |