Thứ Năm, 02/08/2012, 06:54 (GMT+7)
.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông:

Thực trạng và giải pháp triển khai các dự án đầu tư vào KCN

Trong thời gian qua, tiến độ triển khai các dự án đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn huyện Gò Công Đông diễn ra rất chậm chạp. Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết:

Sau 4 năm từ ngày có Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng công nghiệp khu vực Gò Công của tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông đã thu hút rất nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, nghiên cứu và được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho nghiên cứu lập dự án đầu tư.

Tuy nhiên, do quá thời hạn cho phép nên một số dự án đã bị tỉnh thu hồi. Đến nay, trên địa bàn huyện còn lại 1 Khu công nghiệp dịch vụ Dầu khí Soài Rạp và 5 dự án: Dự án Tổng kho dầu khí của Công ty cổ phần Thương mại Hiệp Phước; dự án Tổng kho xăng dầu của Công ty Lọc hóa dầu Nam Việt; dự án Cảng biển tổng hợp của Công ty cổ phần Năng lượng Tiền Giang; Kho cảng của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh; Cảng quốc tế Nam Sài Gòn của Công ty cổ phần Cảng quốc tế Nam Sài Gòn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu và thực hiện các bước thủ tục.

P.V: Vậy tiến độ triển khai khu công nghiệp và các dự án còn lại đến đâu, thưa ông?

Ông Nguyễn Chí Trung: Đến nay, tổng vốn đầu tư vào KCN Dầu khí Soài Rạp là 332.791.780.421 đồng; trong đó, công nợ nhận từ Vinashin là 180.149.336.636 đồng, chi phí tư vấn xây dựng là 8.700.785.000 đồng, chi phí xây dựng là 143.873.000.000 đồng (bao gồm các hạng mục: san lấp từ cao độ 1,7 đến 2,5 được 121ha/280ha; xây dựng hệ thống đường tạm, đường điện tạm vào Khu công nghiệp; xây dựng trạm biến áp 560 KVA phục vụ thi công Nhà máy sản xuất ống thép Dầu khí của Công ty cổ phần sản xuất ống thép Dầu khí (PV- PIPE).

Như vậy theo tiến độ cam kết tại giấy Chứng nhận đầu tư thì Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) chưa thực hiện hoàn thành theo tiến độ giai đoạn 1. Riêng dự án Nhà máy sản xuất ống thép Dầu khí có diện tích 22ha đã cơ bản hoàn chỉnh; hiện nhà máy đã chuẩn bị đi vào hoạt động chính thức khi hoàn tất các thủ tục theo quy định và dự kiến cuối năm 2012 sẽ hoạt động.

Dự án Tổng kho xăng dầu của Công ty Lọc hóa dầu Nam Việt gồm: Khu tái định cư có diện tích 3,6ha cơ bản đã hoàn thành 90% khối lượng công việc; chỉ còn công đoạn trải nhựa đường giao thông và gắn trạm để đấu nối hệ thống điện toàn khu. Hiện chủ đầu tư đang bổ sung thiết kế chi tiết theo điều chỉnh đã được UBND huyện cho phép. Đã bố trí tái định cư tại chỗ cho 20 hộ dân.

Dự án Tổng kho xăng dầu của Công ty Hóa lọc dầu Nam Việt có diện tích 42 ha, phương án đền bù cơ bản đã xong, đã thông báo ra dân và vận động được trên 90% hộ dân đồng thuận. Tuy nhiên đến nay chủ đầu tư chưa xây dựng xong quy hoạch chi tiết 1/500 nên chưa tiến hành đền bù và hoàn thiện khu dân cư.

Dự án Tổng Kho dầu khí Hiệp Phước có diện tích 8 ha cũng cơ bản hoàn tất 4 bồn chứa, cầu cảng và đang trong giai đoạn hoàn thiện hạ tầng trong khu dự án; xây dựng kho bãi. Tổng vốn đầu tư đến nay là 120 tỷ đồng.  

Dự án Cảng biển Năng lượng tổng hợp của Công ty Cổ phần Năng lượng Tiền Giang đã hoàn thành phần đo đạc và lập bản đồ hiện trạng. Huyện đã nhiều lần liên hệ để cùng phối hợp đưa ra dân thông qua chủ trương này nhưng nhà đầu tư dây dưa, trong khi thời hạn cho phép nghiên cứu lập hồ sơ đến tháng 10-2012 là hết hạn cho phép.

Các Dự án Kho cảng của Công ty TNHH một thành viên dầu khí TP. Hồ Chí Minh; Cảng Quốc tế Nam Sài Gòn của Công ty Cổ phần quốc tế Nam Sài Gòn được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho nghiên cứu và thực hiện các bước thủ tục. Đến nay chưa có nhà đầu tư nào liên hệ với huyện để phối hợp triển khai; trong khi đến ngày 29-5-2012 là hết hạn thời gian cho phép.

Nhìn chung, tiến độ triển khai các dự án, khu công nghiệp trên địa bàn huyện rất chậm. Hiện nay chỉ mới có 3 dự án được triển khai xây dựng (hầu hết là những dự án thuộc quy mô nhỏ). Đối với các dự án lớn, nhất là Khu công nghiệp dịch vụ Dầu khí Soài Rạp, mặc dù mặt bằng đã hoàn chỉnh nhưng vẫn chưa triển khai đầu tư hạ tầng; chỉ mới lấp đầy khoảng 10% diện tích (22/280ha).

P.V: Ông có thể cho biết nguyên nhân nào dẫn đến tiến độ triển khai các dự án, đầu tư vào khu công nghiệp chậm như vậy?

Ông Nguyễn Chí Trung: Nguyên nhân thì rất nhiều nhưng qua theo dõi có thể tựu trung ở một số nguyên nhân chính như: Nguyên nhân chủ quan từ phía nhà đầu tư là chính, chủ yếu là khả năng huy động vốn của nhà đầu tư (vốn tín dụng và vốn góp cổ phần) là rất thấp, nhất là bối cảnh nền kinh tế trong nước và ngoài nước đang gặp nhiều khó khăn.

Từ việc không vốn nên nhà đầu tư viện dẫn nhiều lý do để kéo dài thời gian triển khai dự án. Trong bối cảnh suy thoái của nền kinh tế thế giới cùng với những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước nên việc mời gọi đầu tư các dự án thứ cấp vào khu công nghiệp hầu như không được sự hưởng ứng của nhà đầu tư.

Việc thực hiện chính sách ưu đãi chưa được đồng bộ, tỉnh Tiền Giang chưa đầu tư các hạ tầng kỹ thuật trọng điểm đến chân hàng rào khu, cụm công nghiệp như: Các tuyến đường trục chính vào khu công nghiệp, chuyển tải nước sạch, hệ thống điện 100 KV... 

Bên cạnh đó, một số công trình hạ tầng quan trọng có ảnh hưởng lớn đến việc thu hút đầu tư của huyện chưa được triển khai thực hiện như quốc lộ 50, cầu Mỹ Lợi… Đây là lý do để nhà đầu tư viện dẫn khó khăn trong việc thu hút kêu gọi đầu tư thứ cấp, chưa thật sự hấp dẫn cho nhà đầu tư mới.

Trong quá trình thương thảo giá đền bù, một số ít người dân yêu cầu giá rất cao. Do đó để đảm bảo quyền lợi giữa các bên thì đòi hỏi công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục cũng mất rất nhiều thời gian.

P.V: Thời gian tới, huyện Gò Công Đông sẽ có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn?

Ông Nguyễn Chí Trung: Việc đẩy nhanh tiến độ các dự án, đầu tư vào khu công nghiệp trên địa bàn đòi hỏi phải có sự phấn đấu của tất cả các ban, ngành từ tỉnh đến huyện, nhất là vai trò chính của các nhà đầu tư. Vì muốn đẩy nhanh tiến độ thì phải từng bước giải quyết những khó khăn, bất cập còn tồn tại (về phía địa phương cũng như nhà đầu tư).

Riêng với trách nhiệm của địa phương, chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án, khu công nghiệp; đồng thời tích cực hoàn thành các phần việc thuộc trách nhiệm của huyện như chọn và thẩm định các khu tái định cư, công khai hóa chủ trương kê biên, áp giá hoàn chỉnh phương án đền bù, giải phóng mặt bằng và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề thuộc  thẩm quyền của địa phương.

Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng để vừa tạo điều kiện thu hút đầu tư, vừa tạo điều kiện cho các dự án đi vào hoạt động, với các giải pháp: Kiến nghị tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng đến chân hàng rào khu công nghiệp, các công trình tác động trực tiếp đến phát triển khu công nghiệp trên địa bàn như: Quốc lộ 50, cầu Mỹ Lợi, hệ thống chuyển tải cấp nước cho các huyện phía Đông của tỉnh; đường dẫn vào khu-cụm công nghiệp, hệ thống truyền tải điện phục vụ nhu cầu các khu công nghiệp, các dự án đầu tư.

Phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư thường xuyên nắm bắt thông tin và đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ theo cam kết và có chương trình làm việc với các nhà đầu tư theo định kỳ hàng quý nhằm mục đích tháo gỡ khó khăn để đảm bảo tiến độ. Kịp thời theo dõi, báo cáo và kiến nghị tỉnh thu hồi các dự án quá thời hạn cho phép để kêu gọi các nhà đầu tư khác. Tránh tình trạng dự án treo tạo ra dư luận xã hội không tốt.

P.V: Xin cảm ơn ông!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.