Giá trị cốt lõi của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9
Tháng 8, đất nước vào thu với những hoài niệm vừa hào hùng vừa lãng mạn của những ngày mùa thu lịch sử cách nay 67 năm. Phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Sử học Nguyễn Phúc Nghiệp, Phó trưởng Khoa Lý luận chính trị, trường Đại học Tiền Giang, về Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2-9.
* Phóng viên (PV): Xin Tiến sĩ nói về bối cảnh lịch sử ở nước ta vào đầu thế kỷ XX?
* Tiến sĩ Nguyễn Phúc Nghiệp (TS N.P.N): Ở nước ta, vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, các phong trào yêu nước diễn ra rất sôi nổi và mạnh mẽ, với nhiều màu sắc khác nhau. Mục tiêu chung đều hướng tới giành độc lập cho dân tộc, nhưng trên nhiều lập trường khác nhau, nhằm khôi phục chế độ phong kiến, hoặc thiết lập chế độ quân chủ lập hiến, hoặc cao hơn là chế độ cộng hòa tư sản.
Tuy nhiên, cuối cùng các phong trào đó đều thất bại. Đó là do hạn chế về giai cấp, đường lối chính trị, hệ thống tổ chức không chặt chẽ, chưa tập hợp được rộng rãi lực lượng của dân tộc, nhất là 2 giai cấp cơ bản là công nhân và nông dân.
Điều đó phản ánh sự bất lực của giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản trước những nhiệm vụ đặt ra của lịch sử, dẫn đến con đường cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản đã thực sự bế tắc.
Mặc dù thất bại, nhưng phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX có ý nghĩa rất quan trọng. Nó là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do của dân tộc. Sự phát triển của phong trào đã tạo cơ sở xã hội thuận lợi cho nhân dân ta tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, quan điểm cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Như vậy, nhiệm vụ lịch sử đặt ra vào đầu thế kỷ XX là phải tìm một con đường cách mạng mới, với một giai cấp có đủ tư cách đại biểu cho quyền lợi của dân tộc, có đủ uy tín và năng lực lãnh đạo để đưa cách mạng dân tộc, dân chủ đi đến thắng lợi.
* PV: Và con đường cách mạng mới được hình thành như thế nào?
* TS N.P.N: Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành (Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc sang phương Tây tìm đường cứu nước. Qua cuộc sống thực tiễn, nghiên cứu các cuộc cách mạng trên thế giới, nhất là các cuộc cách mạng tư sản Pháp và Mỹ, Người đánh giá cao các cuộc cách mạng này, nhưng khẳng định: Đây là “cuộc cách mạng chưa tới nơi”. Cách mạng Việt Nam không thể đi theo con đường này.
Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công. Nguyễn Tất Thành đã nhìn thấy và rút ra kết luận: “Trong thế giới bây giờ chỉ có Cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc, tự do, bình đẳng thật”.
Năm 1919, với tên mới là Nguyễn Ái Quốc, Người đã gửi tới Hội nghị Versailles bản “yêu sách” đòi quyền tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam.
Tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Người đã tìm thấy trong luận cương của Lênin lời giải đáp về con đường giải phóng cho nhân dân Việt Nam, về vấn đề thuộc địa trong mối quan hệ với cách mạng thế giới… Từ đây, Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Tháng 12-1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp được tổ chức ở thành phố Tours, Nguyễn Ái Quốc tham gia bỏ phiếu tán thành việc gia nhập Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt to lớn trên con đường hoạt động cách mạng của Người: Từ chiến sĩ yêu nước trở thành chiến sĩ cộng sản.
Đồng thời, Người đã tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam, đó là con đường cách mạng vô sản. Người nói: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”. Đó là con đường duy nhất đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan của lịch sử, đáp ứng được nhiệm vụ mà thực tiễn của đất nước đặt ra vào đầu thế kỷ XX.
* PV: Nghệ thuật chớp lấy thời cơ là một trong những bài học lớn trong Cách mạng Tháng Tám, TS có thể khái quát về bài học này?
* TS N.P.N: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả tổng hợp của 15 năm đấu tranh gian khổ của toàn dân (từ năm 1930 đến năm 1945) dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Quần chúng cách mạng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đã được rèn luyện qua 3 cao trào cách mạng rộng lớn: Cao trào cách mạng 1930 - 1931, cao trào dân chủ 1936 - 1939 và cao trào giải phóng dân tộc 1939 -1945, đỉnh cao là cao trào kháng Nhật, cứu nước từ tháng 3 đến tháng 8-1945. Quần chúng cách mạng được Đảng tổ chức, lãnh đạo và rèn luyện đã trở thành lực lượng chính trị hùng hậu, có lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã nắm vững nghệ thuật khởi nghĩa và nghệ thuật chọn đúng thời cơ. Đảng coi khởi nghĩa là một nghệ thuật, vừa vận dụng nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin và kinh nghiệm của cách mạng thế giới, vừa tổng kết kinh nghiệm của các cuộc khởi nghĩa trong nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi chứng tỏ Đảng ta đã chọn đúng thời cơ. Đó là lúc bọn phát xít ở Việt Nam dao động, hoang mang cực độ khi Chính phủ Nhật đầu hàng; nhân dân không thể tiếp tục cuộc đời đói khổ, nô lệ như trước.
Đảng đã chuẩn bị sẵn sàng các mặt về chủ trương, tổ chức lực lượng, đề ra phương pháp đấu tranh phù hợp, kiên quyết lãnh đạo toàn dân tiến hành tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trên cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhân dân Hà Nội mít tinh mừng độc lập. Ảnh: Sách ảnh 80 năm Đảng Cộng sản Việt Nam. |
* PV: Theo TS, đâu là giá trị cốt lõi của những sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945?
* TS N.P.N: Với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nói như lời thơ của nhà thơ Tố Hữu, dân tộc ta đã “giũ bùn đen nô lệ, đứng lên sáng lòa”. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ nước nhà và vận mệnh của mình. Đó là niềm tự hào bất diệt của cả dân tộc, sống mãi ngàn đời cùng với hồn thiêng sông núi.
Theo tôi, giá trị cốt lõi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thể hiện tập trung trong bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trịnh trọng tuyên đọc tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội) ngày 2-9-1945. Đó là giá trị về tự do, độc lập và nhân quyền.
Bản Tuyên ngôn bất hủ ấy là một áng hùng ca, là một văn kiện pháp lý chính thống công bố trước toàn thể quốc dân và thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập như tất cả các nước khác. Đó là quy luật bất biến của lịch sử và loài người tiến bộ trên thế giới.
Đồng thời, Tuyên ngôn cũng khẳng định ý chí và quyết tâm sắt đá của cả dân tộc là sẵn sàng hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc mình: “… Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”, “… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Bên cạnh đó, Tuyên ngôn độc lập cũng nhấn mạnh: Độc lập, tự do phải gắn liền với nhân quyền, nhân bản và nhân sinh; bởi vì, nếu giành được độc lập, tự do mà không mang lại những giá trị nhân quyền cho nhân dân thì độc lập, tự do ấy cũng không có ý nghĩa gì.
Trong bản Tuyên ngôn độc lập, khi đề cập đến nhân quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Từ đó, Tuyên ngôn độc lập của Bác khẳng định: Giá trị về nhân quyền là chân lý bất di bất dịch mà dân tộc ta phải được hưởng: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do… Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
67 năm đã trôi qua kể từ mùa thu năm ấy, bản Tuyên ngôn độc lập của Bác có giá trị về nhiều mặt, mà đỉnh cao là giá trị pháp lý tuyên bố về độc lập, tự do và nhân quyền đã đi vào lịch sử văn hóa nhân loại, trở thành niềm tự hào vô hạn của dân tộc ta, của các tầng lớp nhân dân trên mọi miền Tổ quốc. Cho đến hôm nay và mãi mãi về sau, bản Tuyên ngôn độc lập của Bác vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại sâu sắc.
* PV: Xin cảm ơn TS!
SONG LAN (thực hiện)