Quy định về mức đóng và quyền lợi khi HS-SV tham gia BHYT
Nhằm giúp học sinh, sinh viên (HS-SV) hiểu rõ để tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), bà Trịnh Thị Bích Vân, bác sĩ chuyên khoa I, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho biết:
Vấn đề phụ huynh HS-SV quan tâm là mức đóng BHYT hiện nay. Căn cứ các văn bản hiện hành, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 70% đối với HS-SV thuộc hộ cận nghèo và 30% đối với HS-SV không thuộc hộ cận nghèo. Riêng đối với HS-SV hộ nghèo đều được tham gia BHYT mà không phải đóng phí.
Theo đó, mức đóng BHYT HS-SV năm học 2012-2013 thuộc hộ cận nghèo là 113.400 đồng, không thuộc hộ cận nghèo là 264.600 đồng và thuộc hộ nghèo được miễn đóng phí.
Ảnh: Hạnh Nga |
PV: Về thời hạn phát hành thẻ được thực hiện lúc nào?
Bà Trịnh Thị Bích Vân (T.T.B.V): Thời hạn phát hành thẻ BHYT HS-SV là 12 tháng và gíá trị sử dụng thẻ BHYT thống nhất từ ngày 1-10-2012 đến 30-9-2013.
Để đảm bảo quyền lợi cho HS-SV khi tham gia BHYT, ngay khi nhập học, nhà trường tiến hành thu BHYT HS-SV, nộp phí và cung cấp danh sách về cơ quan BHXH trước ngày 20-9-2012 để thẻ BHYT được in kịp thời và phát đến tay HS-SV trước khi thẻ có giá trị sử dụng.
PV: HS-SV tham gia BHYT được hưởng những quyền lợi gì, thưa bà?
Bà T.T.B.V: Khi tham gia BHYT, HS-SV được hưởng các quyền lợi:
- Được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học.
- Khi đi khám chữa bệnh (KCB) đúng tuyến, được hưởng 100% chi phí KCB khi tổng chi phí một lần KCB thấp hơn 15% mức lương tối thiểu hiện hành (tương đương 157.500 đồng) hoặc KCB tại tuyến xã. 80% chi phí thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT, cùng chi trả 20% trường hợp sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn được thanh toán 80% chi phí nhưng không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó.
Tham gia BHYT liên tục từ 36 tháng trở lên (kể cả thời gian trước đó đã tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác) được hưởng quyền lợi khi điều trị bệnh ung thư, thuốc chống thải ghép ngoài danh mục quy định của Bộ Y tế nhưng đã được phép lưu hành tại Việt Nam, mức hưởng bằng 80% của mức 50% chi phí thuốc này. Trường hợp tai nạn giao thông cũng được quỹ BHYT chi trả nếu không vi phạm Luật Giao thông.
- Khi đi KCB không đúng tuyến (KCB không đúng nơi đăng ký ban đầu không phải trong trường hợp cấp cứu mà không có giấy chuyển viện BHYT) nhưng có trình thẻ BHYT thì được quỹ BHYT chi trả theo các mức: Mức 70% đối với bệnh viện hạng III trở xuống, mức 50% đối với bệnh viện hạng II, mức 30% đối với bệnh viện hạng I và hạng đặc biệt.
Khi KCB không trình thẻ hoặc KCB tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT thì người bệnh tự thanh toán viện phí với cơ sở khám, chữa bệnh, sau đó đem chứng từ đến thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH theo chi phí thực tế thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT nhưng tối đa không vượt khung quy định sau đây:
Đối với KCB ngoại trú, nếu KCB tại bệnh viện từ hạng III trở xuống, mức chi trả tối đa là 55.000 đồng/lượt KCB; nếu KCB tại bệnh viện hạng II, mức chi trả tối đa là 120.000 đồng/lượt KCB; nếu KCB tại bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt, mức chi trả tối đa là 340.000 đồng/lượt KCB.
Đối với KCB nội trú, nếu KCB tại bệnh viện từ hạng III trở xuống, mức chi trả tối đa là 450.000 đồng/lượt KCB; nếu KCB tại bệnh viện hạng II, mức chi trả tối đa là 1.200.000 đồng/lượt KCB; nếu KCB tại bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt, mức chi trả tối đa là 3.600.000 đồng/lượt KCB.
Nếu KCB ở nước ngoài thì mức chi trả tối đa 4.500.000 đồng/lượt KCB.
PV: Xin cảm ơn bà!.
NGUYỄN VĂN TÂM (thực hiện)