Thứ Bảy, 06/10/2012, 18:55 (GMT+7)
.

Thường xuyên diệt muỗi, lăng quăng để phòng, chống sốt xuất huyết

Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, BS Trần Thanh Thảo (ảnh), Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang đã có cuộc trao đổi với PV Báo Ấp Bắc:

P.V: BS có đánh giá gì đối với tình hình dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh hiện nay? Và tình hình điều trị bệnh SXH của ngành Y tế tỉnh nhà đến nay ra sao?

BS Trần Thanh Thảo: Tính đến ngày 23-9, tổng số ca mắc bệnh SXH trên địa bàn tỉnh là 3.248, tăng 53,94% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó có 1 ca tử vong (tại TP. Mỹ Tho). Những địa phương có số ca mắc bệnh cao là huyện Cai Lậy, Châu Thành, TP. Mỹ Tho và Chợ Gạo.

Vài tuần gần đây, số ca mắc có chiều hướng giảm, tuy nhiên hiện đang là mùa mưa nên tình hình bệnh SXH vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là lúc này bệnh tay - chân - miệng cũng đang có chiều hướng gia tăng, khiến cho công tác phòng chống dịch bệnh vốn khá nặng nề lại càng thêm vất vả.

Về tình hình điều trị bệnh SXH, tại Bệnh viện ĐKTT tỉnh, tổng số ca nhập viện do bệnh SXH trong tháng 9 năm nay là 109, bình quân 3-4 ca/ngày, cao nhất là 7 ca/ngày vào thời điểm 12 đến 16-9.

Hiện nay chưa có vaccine phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh SXH, cho nên phải tập trung theo dõi sát để xử lý tốt các triệu chứng và các biến chứng (nếu có). Trình độ và năng lực đội ngũ thầy thuốc của ngành Y tế tỉnh trong việc điều trị bệnh SXH là khá cao thông qua nhiều năm kinh nghiệm, lại  thường xuyên được cập nhật và tập huấn các phác đồ điều trị mỗi năm. Từ đó, chúng ta có thể an tâm trong các hoạt động khám, chẩn đoán phát hiện và điều trị bệnh SXH tại tỉnh.

Vấn đề cần quan tâm là làm sao để người dân có thể biết, cảnh giác mà đưa các cháu nghi ngờ bị bệnh SXH đến sớm tại các cơ sở y tế để được theo dõi xử trí kịp thời. Ngoài ra, các cơ sở y tế (nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh) cũng cần được UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan tiếp tục quan tâm hỗ trợ để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thêm các trang thiết bị y tế chuyên khoa cần thiết (như máy giúp thở, bơm tiêm tự động, monitor theo dõi…), đủ sức cho việc phục vụ số lượng lớn bệnh nhân tại thời điểm đỉnh dịch nhằm đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân nói chung và cho bệnh nhân SXH nói riêng.

P.V: Để đối phó với tình hình dịch bệnh đang ở đỉnh điểm hiện nay, Sở Y tế đã có những chỉ đạo gì đối với ngành y tế trong công tác điều trị và dự phòng?

BS Trần Thanh Thảo: Để đối phó với tình hình dịch bệnh, Sở Y tế đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vi trực thuộc chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và người dân để tích cực phòng, chống dịch bệnh với mục tiêu là làm sao giảm mắc và giảm tử vong, không để dịch lớn xảy ra hoặc kéo dài. Cụ thể là:

+ Đối với công tác dự phòng: Sở Y tế đã chỉ đạo cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe, Trung tâm Y tế các huyện phối hợp với Phòng Y tế xây dựng kế hoạch phòng chống dịch tại địa phương; theo dõi, tổng hợp báo cáo kịp thời diễn tiến dịch bệnh, kiểm tra, giám sát công tác phòng chống dịch; dự báo, phân tích diễn biến tình hình dịch bệnh; đồng thời đề xuất các biện pháp phòng, chống dịch thích hợp theo từng thời điểm, không để dịch lan rộng.

Khám bệnh cho trẻ bị sốt xuất huyết tại Khoa Nhi, BV ĐKTT Tiền Giang. Ảnh: Hạnh Nga
Khám bệnh cho trẻ bị SXH tại Khoa Nhi, BV ĐKTT Tiền Giang. Ảnh: Hạnh Nga

Thường xuyên tuyên truyền, vận động cộng đồng bằng nhiều hình thức dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện như tranh, bướm, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền trực tiếp về phòng, chống dịch bệnh SXH, các dấu hiệu nhận biết bệnh và biện pháp phòng, chống tại hộ gia đình.

Phối hợp các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan trong tuyên truyền vận động nhân dân; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch SXH của ban chỉ đạo các cấp.

Phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc nuôi thả cá diệt lăng quăng và các hoạt động khác nhằm phòng, chống có hiệu quả dịch SXH trong trường học.

+ Đối với công tác điều trị: Sở Y tế đã chỉ đạo cho các bệnh viện và đơn vị thuộc hệ điều trị sắp xếp, bố trí nhân lực, cơ sở vật chất, phương tiện cấp cứu, điều trị, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc... để đáp ứng kịp thời khi có dịch lớn xảy ra.

Thường xuyên tổ chức tập huấn củng cố, cập nhật và nâng cao trình độ chuyên môn trong thăm khám, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh SXH.

Thành lập đội cấp cứu lưu động; sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị khi có yêu cầu; tăng cường hội chẩn qua đường dây điện thoại nóng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong do SXH.

P.V: BS có khuyến cáo gì đối với người dân trong công tác phòng tránh bệnh SXH có hiệu quả?

BS Trần Thanh Thảo: Đối với người dân, để phòng chống dịch bệnh SXH, mọi người hãy tiếp tục thực hiện thật tốt khẩu hiệu “không có muỗi, không có lăng quăng thì không có SXH”. Có nghĩa là, mỗi người tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình, góp phần cho cả cộng đồng cùng phòng chống SXH, thông qua hành động thiết thực là thường xuyên diệt muỗi, diệt lăng quăng.

Để diệt muỗi, mỗi nhà có thể sử dụng nhang muỗi hoặc thuốc xịt muỗi thường xuyên (hàng ngày hoặc hàng tuần tùy theo mật độ muỗi).

Theo tin từ Bộ Y tế, trong tháng 9 vừa qua, số trường hợp mắc và tử vong do bệnh SXH tiếp tục gia tăng, cả nước có 51.300 trường hợp mắc bệnh SXH, đã có 42 người chết.

Tính đến hết tháng 8, trên phạm vi cả có 38.000 trường hợp mắc bệnh SXH (29 trường hợp tử vong). Như vậy, chỉ trong một tháng qua, trên phạm vi toàn quốc đã có thêm 13.000 trường hợp mắc bệnh này và có thêm 13 trường hợp tử vong.

Theo dự báo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tháng 8, 9 là thời điểm bệnh SXH ở giai đoạn đỉnh dịch. Nguyên nhân là do mưa nhiều và thời tiết diễn biến bất thường, cùng với tốc độ đô thị hóa, thời điểm dịch chuyển của hàng triệu học sinh, sinh viên nhập học nên nguy cơ dịch SXH tăng cao và lan rộng.

Đối với trẻ em là đối tượng rất dễ mắc bệnh, phải cho ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc áo quần dài, hoặc thoa thuốc tránh muỗi đốt.

Để diệt lăng quăng, mỗi người dân phải tự giác súc rửa lu hàng tuần, nhất là thời điểm mùa mưa này để không còn lăng quăng gây bệnh SXH.

Bên cạnh đó, có thể diệt lăng quăng bằng cách dọn dẹp hoặc lật úp các vật dụng phế thải có thể đọng nước mưa như ly, chén bể, miểng dừa, chậu nước…Nơi nào có điều kiện thì nuôi cá bảy màu diệt lăng quăng.

Ngoài ra, khi thấy trẻ sốt bất thường thì nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám, theo dõi và phát hiện, điều trị kịp thời bệnh SXH (nếu có).

Điều mà chúng tôi muốn khuyến cáo đặc biệt đến người dân là hãy tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình, bằng cách thường xuyên, liên tục có các hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng hàng tuần (thậm chí hàng ngày tại nơi có mật độ muỗi cao) chứ không phải làm theo chiến dịch hoặc thỉnh thoảng mới quan tâm thực hiện thì hiệu quả phòng chống SXH sẽ không cao.

Đừng để xảy ra tình trạng khi trong gia đình có người bệnh SXH hoặc có tử vong thì dù có ân hận do chúng ta lơ là trong việc phòng chống bệnh SXH cũng đã quá muộn, hậu quả không thể khắc phục được nữa.

Để tác động vào ý thức và trách nhiệm của người dân thì một vấn đề hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định là ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp cơ sở (xã, ấp, khu phố) phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, phải huy động lực lượng, phân công cán bộ phụ trách địa bàn cụ thể để thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở và cùng các hộ gia đình trong hoạt động diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng chống SXH tại địa bàn dân cư. Chỉ có như vậy thì công tác phòng, chống SXH tại địa bàn dân cư mới đạt hiệu quả cao.

P.V: Xin cảm ơn BS.

HỮU CHÍ (Thực hiện)

.
.
.