Thứ Năm, 06/12/2012, 14:45 (GMT+7)
.

Làm gì để cải thiện đời sống nông dân?

Nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có bước tiến dài về năng suất, nhiều sản phẩm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Song, đời sống nông dân chậm cải thiện. Nghịch lý này sẽ được làm sáng tỏ đến đâu qua MDEC-Tiền Giang 2012. Dưới đây là những tâm tư cho nền nông nghiệp và người dân hiện nay.

TS LÊ HỮU HẢI, PHÓ HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC TIỀN GIANG:

"Thu nhập nông dân quá thấp"

Thời gian qua, năng suất nông sản liên tục tăng nhưng đời sống của nông dân vẫn còn khó khăn, thu nhập bấp bênh. Đơn cử như sản xuất lúa, nếu nông dân sản xuất 1 ha đạt năng suất 10 tấn, lợi nhuận lên đến 50%, trung bình 1 hộ gia đình 4 nhân khẩu thì mỗi người cũng chỉ thu nhập khoảng 1 triệu đồng 1 tháng.

Thực tế ở ĐBSCL, diện tích sản xuất trung bình của hộ nông dân thấp hơn nhiều và năng suất như thế cũng rất hiếm thì thu nhập sẽ còn thấp hơn. Đó là do nông dân thiếu kiến thức, thiếu vốn, thiếu đất sản xuất. Thiếu kiến thức dẫn đến chi phí sản xuất tăng. Nguồn vốn hạn chế, phải vay ngân hàng hay mua vật tư trước trả sau với giá cao.

Trong khi đó, lực lượng và hệ thống khuyến nông của chúng ta chỉ tiếp cận những nông dân tiến bộ, có mặt bằng kiến thức cao giúp họ càng giàu thêm; chưa tiếp cận nông dân tốp dưới. Nông dân tốp dưới ở đây hiểu theo nghĩa là ít đất sản xuất, thiếu kiến thức, không chịu học hỏi để áp dụng khoa học, kỹ thuật, nghèo vẫn hoàn nghèo, rất khó vươn lên.

Giải quyết vấn đề này phải xây dựng lại mạng lưới khuyến nông và hoạt động đồng bộ, thành lập ban nông nghiệp ở cơ sở để làm cầu nối tốt với nông dân, đồng thời chúng ta phải khắc phục cho được tình trạng “được mùa rớt giá”, vùng nguyên liệu giá rẻ cho đối tác nước ngoài, nguyên nhân làm cho nông dân thu nhập bấp bênh.

ÔNG TRẦN HOÀNG MINH, TRƯỞNG BAN KINH TẾ (HỘI NÔNG DÂN TỈNH):

"Giúp nông dân vượt khó vươn lên"

Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi hiện nay đã phát triển sâu rộng, góp phần giảm hộ nghèo, phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy vậy, tỷ lệ nông dân nghèo vẫn còn khá cao do việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật còn hạn chế, thiếu vốn…

Vừa qua, Trung ương Hội đã chấp thuận xây dựng Trung tâm dạy Nghề nông dân (đặt tại Châu Thành), dự kiến triển khai xây dựng năm 2013. Trung tâm sẽ dạy các nghề có liên quan đến nông nghiệp, giúp nông dân ứng dụng tốt khoa học, kỹ thuật, công nghệ, tạo việc làm cho nông dân.

Còn đối với vốn, việc hỗ trợ cho hộ nghèo (chỉ chừng 5- 15 triệu đồng) thì không khó, qua nhiều nguồn vốn “hà hơi tiếp sức” với nông dân từ Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân.

Mặt khác, trong các tiêu chí nông dân đạt sản xuất, kinh doanh giỏi, bên cạnh hiệu quả đạt được trong sản xuất, kinh doanh làm giàu cho bản thân, yêu cầu bắt buộc khác phải giúp đỡ nông dân về vốn, kỹ thuật để vượt khó. Riêng đối với hộ, trang trại sản xuất lớn cần vốn để mở rộng sản xuất hay làm ăn thất bại cần vốn tái sản xuất rất khó tiếp cận vốn từ ngân hàng do đọng nợ cũ chưa trả, tài sản thế chấp vay vốn không đáp ứng đủ.

Cái khó nữa của nông dân là đầu ra sản phẩm rất khó khăn do liên kết “4 nhà” rất lỏng lẻo. Hiện nay, khi hợp tác với doanh nghiệp, chúng tôi cũng như ngành Nông nghiệp luôn đặt vấn đề về tiêu thụ sản phẩm.

ÔNG CAO VĂN HÓA, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ NN&PTNT:

"Nông dân cần liên kết lại với nhau"

Trong những năm qua, ngành Nông nghiệp thực hiện theo định hướng quy hoạch, thông qua 4 chương trình phát triển kinh tế (lúa gạo, vườn, chăn nuôi và thủy sản), phát triển theo hướng thâm canh, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi.

Hình thành nhiều vùng chuyên canh, các mặt hàng nông, thủy sản từng bước được triển khai thực hiện theo hướng an toàn và có được những sản phẩm được chứng nhận, đưa các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; xác định được một số quy trình kỹ thuật trên một số vùng trồng lúa… đem lại hiệu quả đáng kể.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm đang chuyển dần sang hướng gia trại, trang trại và công nghiệp. Chất lượng đàn gia súc, gia cầm và thủy cầm ngày càng nâng nên. Ngành đã và đang hướng dẫn nông dân tập trung sản xuất thủy sản hàng hóa đảm bảo chất lượng, vệ sinh, an toàn ngay từ khâu sản xuất con giống.

Hạ tầng phục vụ cho sản xuất cũng được đầu tư mới, nâng cấp ngày càng hoàn thiện như hệ thống các công trình thủy lợi đảm bảo vận hành tưới và tiêu nước; từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

Ngành Nông nghiệp thường xuyên trang bị kiến thức cho nông dân thông qua công tác tập huấn, hội thảo, tham quan về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình trình diễn và từ đó nhân ra diện rộng. Tuy nhiên, nền nông nghiệp muốn bền vững thì nông dân cần liên kết lại với nhau. Có như vậy nông dân mới có được sản phẩm lớn, chất lượng và an toàn cung cấp cho đối tác.

“VUA” LÚA GIỐNG VÕ VĂN CHUNG, ẤP LƯƠNG PHÚ B, XÃ LƯƠNG HÒA LẠC, HUYỆN CHỢ GẠO:

"Nông dân cần vốn và bình ổn giá"

Ông Võ Văn Chung (bìa trái).
Ông Võ Văn Chung (bìa trái).

Hiện nay, có hiện tượng người nông dân sản xuất cầm chừng, không quyết liệt như trước đây nữa. Đó là chưa kể đến rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trong sản xuất là rất lớn.

Thời gian qua, Chính phủ đưa ra chủ trương giúp nông dân tiêu thụ nông sản đảm bảo lãi 30%. Tuy nhiên, hầu hết nông dân không thể bán trực tiếp cho siêu thị hay doanh nghiệp được mà phải qua nhiều khâu trung gian, nhiều thương lái, làm cho giá thành nông sản bị đẩy lên cao nhưng người nông dân không có lãi lớn.

Nhà nước đang thực hiện chủ trương bình ổn giá. Việc này được người dân rất ủng hộ nhưng chúng tôi thấy rằng, chính sách này chưa đến được với nhiều nông dân vì bình ổn chủ yếu ở vùng đô thị.

Điều đáng chú ý là các sản phẩm được bình ổn giá là các sản phẩm tiêu dùng; còn hỗ trợ nguyên, vật liệu, thức ăn, con giống phục vụ sản xuất nông nghiệp không thuộc diện bình ổn. Nếu bình ổn được giá phân bón, thuốc trừ sâu và con giống... thì người nông dân sản xuất ra hàng hóa nông sản có giá thấp, bán ra giá cũng thấp.

Đó là cách giải quyết vấn đề từ gốc. Còn không hỗ trợ nguyên, vật liệu đầu vào, giá thành sản xuất vẫn cao, người tiêu dùng sẽ mua ít đi, gây khó khăn cho nông dân và cả người tiêu dùng. Nông dân mong muốn được bình ổn giá nguyên liệu đầu vào nhất. Có như vậy, nông dân mới yên tâm sản xuất.

S.N - N.V

.
.
.