Thứ Tư, 05/12/2012, 16:45 (GMT+7)
.
Ông Lê Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang:

Tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư hiệu quả ở Tiền Giang

Trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long - Tiền Giang 2012 sẽ diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long. Trước thềm Hội nghị, ông Lê Văn Hưởng (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang trả lời phỏng vấn về các vấn đề xoay quanh đầu tư và các nội dung có liên quan đến MDEC - Tiền Giang 2012.

PV: Tiền Giang là một trong những tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, xin ông cho biết những lợi thế của tỉnh trong việc thu hút đầu tư?

Ông Lê Văn Hưởng: Tiền Giang có lợi thế về vị trí địa lý, là cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được Thủ tướng Chính phủ Quyết định cho gia nhập Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2005, là khu vực kết nối vùng nguyên liệu của ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tiền Giang có ưu thế trong phát triển nông nghiệp bền vững và lợi thế về đầu tư phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch.

Từ những lợi thế đó, tỉnh đã chủ động đề ra và thực hiện các chính sách nhằm thu hút đầu tư. Chỉ hơn 2 năm qua, tỉnh đã thu hút được 75 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư trên 20 ngàn tỷ đồng, cho đến nay tỉnh đã thu hút được 199 dự án với tổng vốn đầu tư trên 42 ngàn tỷ đồng; trong đó, đầu tư vào các khu công nghiệp là 66 dự án, với tổng vốn đầu tư trên 30 ngàn tỷ đồng.

Việc đầu tư mới của các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng với các doanh nghiệp hiện có của tỉnh đã đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội và đây cũng là tiền đề quan trọng để Tiền Giang tiếp tục đổi mới trong việc thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực của xã hội trong thời gian tới.

Tiền Giang đang xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế 3 vùng kinh tế của tỉnh; chủ động quy hoạch 2 vùng công nghiệp tại Tân Phước và Gò Công; đồng thời hoạch định các mục tiêu đầu tư hạ tầng có trọng tâm vào hai vùng này; xúc tiến hình thành cảng biển, khu công nghiệp dịch vụ dầu khí gắn kết với hệ thống các đô thị hiện đại và việc phát triển thương mại - dịch vụ của tỉnh.

Bên cạnh đó, Tiền Giang chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng, tiến hành lập các chương trình, đề án, dự án kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào các dự án hạ tầng kỹ thuật, khu đô thị, thương mại, dịch vụ với các hình thức đầu tư đa dạng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế địa phương và đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

PV: Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ĐBSCL (trong khuôn khổ các hội nghị của MDEC - Tiền Giang 2012), tỉnh sẽ có bao nhiêu dự án kêu gọi đầu tư?

Ông Lê Văn Hưởng: Tiền Giang hoan nghênh các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư vào tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, chúng tôi luôn tạo môi trường thông thoáng, tạo điều kiện để các nhà doanh nghiệp yên tâm đầu tư, ổn định sản xuất kinh doanh lâu dài theo hướng tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đầu tư.

Trên cơ sở các quy hoạch tổng thể và quy hoạch ngành, tỉnh đã xây dựng danh mực dự án kêu gọi đầu tư, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút đầu tư.

Đặc biệt, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định 34/2009/QĐ-UBND ngày 29-12-2009 về “Chính sách khuyến khích, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”, bao gồm: hỗ trợ đào tạo nghề; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ đầu tư và sau đầu tư; hỗ trợ ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động khoa học – công nghệ.

Hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực của tỉnh; hỗ trợ quảng cáo; hỗ trợ đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp; các hỗ trợ và ưu đãi cho cơ sở thực hiện xã hội hóa; chính sách ưu đãi đối với dự án xây dựng nhà ở cho công nhân có thu nhập thấp; chính sách ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường... các ưu đãi trên đã tạo được lợi thế so sánh cho nhà đầu tư khi đến đầu tư tại tỉnh.

Công ty cổ phần May Công Tiến vừa mở rộng phân xưởng may mới.
Công ty cổ phần May Công Tiến vừa mở rộng phân xưởng may mới.

Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC - Tiền Giang 2012) lần này được tổ chức tại Tiền Giang là cơ hội tốt cho các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung và Tiền Giang nói riêng giới thiệu tiềm năng nhằm khai thác lợi thế so sánh của vùng và xúc tiến đầu tư, mời gọi đầu tư.

Tiền Giang phát hành video clip “Tiền Giang tiềm năng và cơ hội”; đồng thời giới thiệu 33 dự án đầu tư ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ĐBSCL của MDEC - Tiền Giang 2012 để các nhà đầu tư tìm hiểu và lựa chọn đầu tư.

PV: Thưa ông, Tiền Giang cần làm gì để tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận và các tỉnh trong vùng ĐBSCL?

Ông Lê Văn Hưởng: Các tỉnh ĐBSCL có nhiều điểm tương đồng về kinh tế, văn hóa, tập quán dân cư và về tiềm năng phát triển. Đây là một thuận lợi trong liên kết, hợp tác, nhưng sẽ là thách thức nếu các địa phương đều đưa ra những cách thức, danh mục dự án giống nhau để mời gọi đầu tư.

Từ đặc điểm chung của vùng ĐBSCL, mỗi địa phương cần xác định rõ thế mạnh của địa phương mình để tham gia vào quá trình phân công, hợp tác và liên kết. Thông qua Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và VCCI Cần Thơ, Tiền Giang sẽ phối hợp với các tỉnh ĐBSCL để bàn bạc và thống nhất cơ chế liên kết, hợp tác giữa các tỉnh trong vùng ĐBSCL, với TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Với những điều kiện và nguyên tắc chung, Tiền Giang tích cực tham gia vào quá trình xây dựng quy hoạch vùng ĐBSCL, từ đó công tác thu hút đầu tư thuận lợi hơn, vì đã có quy hoạch chung. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư của các tỉnh đã cùng nhau xây dựng kế hoạch liên kết, hợp tác khả thi và hiệu quả. Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL được các nhà đầu tư đánh giá cao, được tổ chức luân phiên hàng năm tại các tỉnh của vùng.

Tham gia vào liên kết, hợp tác vùng ĐBSCL, Tiền Giang xác định các mục tiêu quan trọng là cần phân bố lại lực lượng sản xuất, điều chỉnh quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của địa phương; xây dựng đồng bộ hạ tầng giao thông liên tỉnh, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ; thiết lập không gian kinh tế du lịch vùng thống nhất.

Mở rộng quy mô đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác trong việc huy động vốn đầu tư và xây dựng cơ chế chính sách để đầu tư phát triển chung của vùng; phối hợp xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch toàn vùng trong phát triển và quảng bá văn hóa; cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh vùng; xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế - xã hội; hợp tác bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

PV: Xin cảm ơn ông!

HỮU NGHỊ (thực hiện)

.
.
.