Thứ Bảy, 19/01/2013, 04:04 (GMT+7)
.

Phối hợp chặt chẽ, kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp

Nghị định 100/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 127/2008/NĐ-CP của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2013.

Xung quanh vấn đề này, ông Lê Văn Tươi, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Tiền Giang (ảnh bên), trao đổi:

Năm 2012, tiếp nhận  8.191 hồ sơ đăng ký thất nghiệp trong đó có 7.060 lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) với số tiền chi trả trợ cấp trong năm là trên 42 tỷ đồng. So với năm 2011 thì số lao động thất nghiệp trong tỉnh tăng gấp hai lần (năm 2011 có 4.242 lao động đăng ký hưởng TCTN).

Chính sách BHTN tuy mới áp dụng thực hiện nhưng đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, có tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động và trở thành một trong những phương tiện chính thống, chủ yếu của an sinh xã hội do Nhà nước điều hành.

Chính sách BHTN triển khai nhằm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập người lao động bị mất do thất nghiệp; hỗ trợ người lao động về bảo hiểm y tế, học nghề, tìm việc làm, giúp họ nhanh chóng trở lại thị trường lao động… Tuy nhiên,  phần lớn số lao động đăng ký và hưởng BHTN mới chỉ nhắm đến việc nhận tiền trợ cấp thất nghiệp mà ít quan tâm đến việc nhận sự tư vấn, giới thiệu việc làm hay được hỗ trợ học nghề.

+ Phóng viên: Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-1-2013. Xin ông cho biết một số điểm nổi bật cụ thể?

+ Ông Lê Văn Tươi: Ngày 21-11-2012, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 100/2012/NĐ- CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 127/2008/NĐ- CP ngày 12-12-2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHTN và có hiệu lực thi hành từ ngày 15-1-2013 với những quy định về đối tượng tham gia BHTN, hỗ trợ học nghề, trình tự và thủ tục thực hiện BHTH. Trong đó quy định thời hạn 3 tháng kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc nếu người lao động chưa có việc làm mà có nhu cầu hưởng TCTN thì người lao động thực hiện đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động (thay cho trong thời hạn 7 ngày trước đây).

Nghị định cũng đã bổ sung đối tượng không thuộc đối tượng tham gia BHTN là người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương, tiền công tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH; người lao động tạm hoãn thực hiện giao kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó cũng quy định trong thời hạn 5 ngày (tính theo ngày làm việc), kể từ ngày nhận được quyết định hưởng TCTN của cơ quan lao động, cơ quan BHXH thực hiện chi trả tiền TCTN hằng tháng hoặc trợ cấp một lần cho người lao động. Trường hợp, cơ quan BHXH không thực hiện việc chi trả theo đúng thời hạn quy định hoặc từ chối yêu cầu chi trả các chế độ BHTN không đúng quy định của pháp luật thì cơ quan BHXH phải có văn bản thông báo cho cơ quan lao động và người lao động biết và nêu rõ lý do.

Người lao động đến tư vấn tại trung tâm.
Người lao động đến tư vấn tại trung tâm.

Về hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng TCTN tùy theo mức chi phí học nghề, mức hỗ trợ học nghề được tính theo tháng trên cơ sở mức chi phí đào tạo của từng nghề và mức hỗ trợ học nghề cụ thể theo qui định của Thủ tướng Chính phủ (trước đây mức hỗ trợ học nghề cho người lao động đang hưởng TCTN bằng mức chi phí học nghề ngắn hạn theo quy định của pháp luật về dạy nghề tức là 300.000đ/người) và thời gian được hỗ trợ học nghề phụ thuộc vào thời gian đào tạo của từng nghề và từng người lao động, nhưng không quá 6 tháng. Thời gian bắt đầu để được hỗ trợ học nghề tính từ ngày người lao động được hưởng TCTN hằng tháng.

+ Phóng viên: Trung tâm sẽ có những biện pháp nào để thực hiện những thay đổi nói trên đạt hiệu quả?

+ Ông Lê Văn Tươi: Phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn nữa giữa BHXH tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc kiểm tra các doanh nghiệp trên toàn tỉnh trong việc thực hiện chính sách BHXH.

Tiếp tục tuyên truyền chính sách về BHXH đến tận chủ sử dụng lao động và người lao động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, gửi công văn, phát tờ rơi, lắp đặt panô ...

Nâng cao vai trò của Trung tâm trong lĩnh vực tư vấn, giới thiệu việc làm cung ứng lao động, thông tin thị trường lao động và nâng cao năng lực của cán bộ, viên chức… về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm thực hiện chính sách BHXH ngày một tốt hơn.


N.HỮU

(Thực hiện)

.
.
.