Thứ Tư, 27/02/2013, 05:19 (GMT+7)
.
Kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2013):

Nâng cao chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Kỷ niệm 58 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2013), BS CKII Trần Thanh Thảo (ảnh) đã dành cho Báo Ấp Bắc cuộc trả lời phỏng vấn về vai trò, trách nhiệm và y đức của đội ngũ thầy thuốc tỉnh nhà trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.

+ Phóng viên: Trước tình hình ngày càng có nhiều dịch bệnh xảy ra trên toàn quốc nói chung và ở địa bàn tỉnh nói riêng, BS có nhận xét gì đối với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ ngành Y tế tỉnh nhà trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân?

+ BS CKII Trần Thanh Thảo:

Chúng ta biết rằng, hiện nay và dự báo sắp tới tình hình ngày sẽ càng có nhiều dịch bệnh xảy ra trên toàn quốc nói chung và ở địa bàn tỉnh nói riêng, điều này là tất nhiên bởi sự tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, bởi sự ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, bởi sự giao thương thuận tiện giữa các vùng miền…

Bên cạnh những bệnh truyền nhiễm đang lưu hành, ngày càng có nhiều loại dịch bệnh mới nổi như Hội chứng hô hấp cấp nặng (SARS), cúm A(H1N1), cúm A(H5N1), tay chân miệng, Rubella, viêm phổi do Coronavirus… Khi dịch bệnh tăng lên, khối lượng công việc của đội ngũ cán bộ y tế tỉnh nhà vốn đã khá nhiều lại càng chồng chất thêm; tính chất công việc phòng, chống các dịch bệnh vô cùng nguy hiểm, độc hại, căng thẳng; trách nhiệm nặng nề thêm…

Tuy nhiên, với chức năng, nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân, ngành Y tế phải luôn phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong khả năng của mình. Chính vì vậy, tôi đánh giá rất cao về sự nỗ lực, phấn đấu của đội ngũ CBCCVC ngành Y tế tỉnh nhà trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.

Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cán bộ chiến sĩ ngành Y tế Tiền Giang là những thầy thuốc mặc áo lính, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tận tụy, hết mình phục vụ vì tình thương yêu đồng chí đồng đội, vì thương binh; họ vừa là hậu phương với mọi xoay sở để kiếm từng miếng ăn cho mình và thương bệnh binh, hoặc nhường nhịn khẩu phần ăn của mình cho thương bệnh binh, vừa làm nhiệm vụ nấu ăn, vừa là người thầy thuốc phục vụ thương bệnh binh vô điều kiện trong hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ và chiến tranh bom đạn ác liệt.

Họ còn là những chiến sĩ chiến đấu kiên cường, lập được không ít những chiến công và cũng đã có không biết bao nhiêu tấm gương hy sinh anh dũng, để lại trong lòng đồng chí đồng đội và người thân lòng kính trọng và sự tiếc thương vô hạn; viết nên những trang sử vàng chói lọi và tô điểm thêm cho truyền thống tốt đẹp của ngành y tế tỉnh Tiền Giang, mà cháu con đời đời không thể nào quên được.

Để hoàn thành nhiệm vụ vô cùng gian khổ, ngoài tinh thần chấp hành tuyệt đối mệnh lệnh, còn là ý chí, tính tự giác, tinh thần sáng tạo, lòng quả cảm, tình yêu thương đồng chí, đồng đội và sự phấn đấu tột cùng của những cán bộ đảng viên ngành y tế. So với những cống hiến vô cùng to lớn đó, chúng tôi rất tự hào nhưng đồng thời cảm thấy mình dường như bé nhỏ lại và cần phải phấn đấu, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp bảo vệ và dựng xây đất nước.

Cho nên, việc phải luôn luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao trong mọi hoàn cảnh là ý chí, là trách nhiệm của các cán bộ Y tế trong giai đoạn hiện nay, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước với rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít những khó khăn, thách thức phải phấn đấu vượt qua.

+ Phóng viên: Đối với trình độ chuyên môn và đạo đức người thầy thuốc của đội ngũ cán bộ ngành Y tế tỉnh nhà, BS có đánh giá gì?

+ BS CKII Trần Thanh Thảo:

So với thời gian những năm trước đây, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bô y tế tỉnh nhà ngày càng được nâng cao, thể hiện qua số lượng, tỷ lệ các thầy thuốc có trình độ đại học và sau đại học ngày càng được nâng lên; số lượng các chuyên khoa sâu với các trang thiết bị hiện đại từng bước được hình thành và hoạt động tương đối ổn định; số lượng người bệnh được cứu chữa tại tỉnh mà không phải chuyển lên tuyến trên ngày càng cao.

Điều này có được do Sở Y tế quan tâm quy hoạch đưa cán bộ y tế các cấp trong tỉnh đi đào tạo, đào tạo lại, đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức chuyên môn, tiếp thu những thành tựu của y học tại các Trung tâm đào tạo, các Trường đại học nhằm phát huy được khả năng chuyên môn và năng khiếu nghiệp vụ của mình trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Về đạo đức người thầy thuốc, đa số cán bộ y tế tỉnh nhà luôn luôn có ý thức rèn luyện, tu dưỡng trong quá trình phục vụ người bệnh. Đây là một trong những nội dung được lãnh đạo ngành Y tế quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục đối với các đơn vị trực thuộc.

Thông qua việc tăng cường giáo dục 12 điều quy định về Y đức, 10 điều Dược đức, triển khai lại bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức ngành Y tế; tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thông qua việc đăng ký làm theo những phần việc cụ thể, nhìn chung đạo đức người thầy thuốc của đa số cán bộ y tế tỉnh nhà là tương đối tốt, đáp ứng được những kỳ vọng người dân và các cấp lãnh đạo.

Tuy nhiên trong quá trình phục vụ không sao tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót về chuyên môn, nghiệp vụ, khiến cho người dân không an tâm, giảm sút lòng tin. Điều đáng nói hơn nữa là một số bệnh nhân tỏ ra không hài lòng về thái độ, tinh thần phục vụ của một số ít cán bộ, y bác sĩ ngành y tế, thỉnh thoảng vẫn còn đơn thư phản ánh, tố cáo đã được người dân và cử tri phản ảnh nhiều lần, ngành Y tế cũng đã giải trình rất nhiều.

Nguyên nhân có rất nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan, nhưng dù nguyên nhân gì đi nữa thì những phản ánh về tinh thần thái độ phục vụ của một số ít cán bộ y tế là không thể chấp nhận được, cần phải được chấn chỉnh.

Những hạn chế về y đức, thái độ không quan tâm phục vụ bệnh nhân của một số ít y, bác sĩ công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh, dù ít hay nhiều đã làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành, ảnh hưởng đến sức phấn đấu của một tập thể lớn, đang hàng ngày tự rèn luyện mình để hết lòng, hết sức phục vụ người bệnh để thực hiện lời dạy của Bác.

Đạo đức y tế, tinh thần trách nhiệm của cán bộ viên chức y tế đối với người bệnh xuất phát từ cái “Tâm”, bản tính của mỗi con người và điều kiện môi trường sống trong gia đình, trong nhà trường, nơi làm việc và xã hội. Vì vậy, giáo dục y đức cho cán bộ y tế là một việc làm thường xuyên, liên tục và lâu dài của ngành Y tế, không thể chỉ làm trong một thời gian ngắn.

Đội ngũ y bác sĩ BV ĐKTT Tiền Giang trực cấp cứu vào ban đêm. Ảnh: Hữu Chí
Đội ngũ y bác sĩ BV ĐKTT Tiền Giang trực cấp cứu vào ban đêm. Ảnh: Hữu Chí

+ Phóng viên: Và trong tình hình kinh tế hiện nay, theo BS, người thầy thuốc sẽ phải làm gì để thực hiện đúng chữ “TÂM” và lời thề Hippocrates của người thầy thuốc?

+ BS CKII Trần Thanh Thảo:

Thực hiện đúng chữ “TÂM” và lời thề Hippocrates là việc làm không dễ dàng nhưng cũng không quá khó đối với người thầy thuốc trong tình hình kinh tế hiện nay. Chúng tôi nghĩ rằng người thầy thuốc chân chính phải thật sự yêu thương người bệnh, xem họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Có như vậy, người thầy thuốc sẽ phấn đấu hết mình, trau dồi nghề nghiệp, phục vụ tận tình để bảo vệ sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Điều này có vẻ trừu tượng, khó hiểu, nhưng thật ra cũng đơn giản, thông qua các việc làm cụ thể như sau:

- Một là, người thầy thuốc phải phấn đấu học hỏi liên tục từ lý thuyết của nhà trường đến kinh nghiệm thực tế trong quá trình công tác để nâng cao năng lực chuyên môn.

- Hai là, không ngại khó khăn, gian khổ, phấn đấu thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ được giao ở bất kỳ vị trí công tác nào.

- Ba là, quá trình công tác phải có lời nói, cử chỉ hòa nhã, nhẹ nhàng, giải thích tận tình, cặn kẽ khi tiếp xúc với người bệnh và thân nhân.

- Bốn là, không xem người bệnh là đối tượng để kinh doanh kiếm sống mà là đối tượng để phục vụ, chăm sóc, bảo vệ, yêu thương; từ đó, hạnh phúc, vui mừng khi người bệnh khỏe mạnh; cũng như phải trăn trở, đau đớn khi điều trị thất bại để nghiên cứu, có kinh nghiệm, trách nhiệm hơn trong lần phục vụ sau.

+ Phóng viên: Xin BS cho biết khái quát những nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tỉnh nhà?

+ BS CKII Trần Thanh Thảo:

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tỉnh nhà, chúng ta phải thực hiện rất nhiều các nhiệm vụ và các giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ được giao của ngành Y tế. Chúng ta có thể khái quát những nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm như sau:

1. Thực hiện thật tốt công tác phòng bệnh, bao gồm cả việc phòng chống các dịch bệnh lây nhiễm và các bệnh không lây nhiễm, với mục tiêu giảm số ca mắc bệnh, giảm số tử vong và không chế không để dịch lớn xảy ra. Muốn như thế, phải làm thế nào tăng cường giáo dục cho mọi người dân đều có hiểu biết và ý thức tự phòng bệnh; đồng thời huy động các ngành, các cấp và tất cả mọi người tham gia chủ động, tích cực vào công tác phòng chống các loại bệnh tật trong cộng đồng.

2. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thông qua rất nhiều hoạt động và giải pháp, với các vấn đề chủ yếu như nghiên cứu triển khai một số chuyên khoa sâu và kỹ thuật cao, xây dựng các đề án giảm quá tải các bệnh viện, thí điểm khám chữa bệnh theo nhu cầu, nghiên cứu mô hình bác sĩ gia đình…

3. Bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước quản lý tốt và chủ động phát hiện các yếu tố nguy cơ trong thực phẩm với mục tiêu hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm nhất là ngộ độc thực phẩm quy mô lớn.

4. Bảo đảm cung cấp đủ thuốc thiết yếu phục vụ công tác điều trị, phòng chống bệnh. Tiếp tục duy trì hệ thống phân phối thuốc phủ khắp các xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đảm bảo cung cấp thuốc thiết yếu cho người dân.  

5. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.  Xây dựng và thực hiện tốt bộ Tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020.

6. Các nhiệm vụ và giải pháp khác:

- Tăng cường giáo dục y đức; triển khai và ký hợp đồng thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ viên chức trong ngành Y tế; tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện lời dạy của Bác: “Thầy thuốc như mẹ hiền”. Tổ chức khảo sát hàng năm về mức độ hài lòng của người dân về các dịch vụ công, trong đó chú ý các phản ánh của người dân về tinh thần thái độ phục vụ của cán bộ y tế để kịp thời xác minh, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, yếu kém.

- Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông giáo dục sức khỏe, nhất là truyền thông thay đổi hành vi.

- Cơ chế chính sách: Tranh thủ, nghiên cứu, xây dựng tham mưu trình các cấp có thẩm quyền về các chính sách cho cán bộ y tế; các cơ chế phối hợp và trách nhiệm liên ngành; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các bệnh viện công…

- Tăng cường nguồn lực cho y tế: Đầu tư nâng cấp hoặc xây mới các cơ sở vật chất; bổ sung các trang thiết bị, nhất là trang thiết bị hiện đại; đổi mới cơ chế tài chính y tế; tăng cường nhân lực y tế cả về số lượng lẫn chất lượng; đổi mới phương thức quản lý.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tin học trong quản lý và trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thông qua việc khai thác website điều hành của Sở Y tế Tiền Giang, thực hiện văn phòng điện tử cho các đơn vị, xây dựng và ứng dụng các phần mềm điện tử quản lý, triển khai thực hiện các cuộc họp trực tuyến, đăng ký các thủ tục hành chính qua mạng…. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào công tác khám chữa bệnh, công tác y tế dự phòng, VSATTP…

- Tổ chức triển khai có hiệu quả các dự án ODA, dự án NGO cũng như tăng cường xã hội hóa công tác y tế để huy động các các nguồn vốn đầu tư; xây dựng thêm các bệnh viện mới; khuyến khích phát triển các bệnh viện tư nhân

- Thực hiện Luật BHYT, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

+ Phóng viên: Xin cảm ơn BS!

HOÀNG AN

(thực hiện)

.
.
.