Thứ Tư, 27/02/2013, 14:42 (GMT+7)
.
Bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh:

Nâng cao y đức, thực hiện cơ chế, chính sách thu hút người tài

Nhìn lại chặng đường 58 năm qua của ngành Y tế tỉnh nhà, chúng ta thấy rằng, trong thời chiến, tỉnh ta đã có không ít thầy thuốc cống hiến nhiều tâm sức cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cán bộ, bộ đội và nhân dân; nhiều tấm gương thầy thuốc đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Nối tiếp truyền thống vẻ vang của ngành, đội ngũ thầy thuốc hiện nay đã và đang ngày đêm chiến đấu với bệnh tật để cứu sống người bệnh và phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả. Riêng năm 2012, ngành Y tế tỉnh nhà đã khám và điều trị cho trên 6,6 triệu lượt người bệnh, khống chế không để bệnh dịch lớn xảy ra.

Về vấn đề y đức và quy tắc ứng xử giữa cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế với người bệnh, thân nhân người bệnh luôn được lãnh đạo ngành, các đơn vị y tế quan tâm triển khai thực hiện, tinh thần thái độ phục vụ nhìn chung là tốt.

Tuy nhiên, trong quá trình phục vụ không thể tránh khỏi những hạn chế, thiếu sót về chuyên môn và từng lúc, từng nơi còn xảy ra trường hợp ứng xử, cách giao tiếp chưa làm hài lòng người bệnh và thân nhân người bệnh, nguyên nhân chủ yếu là áp lực quá tải tại các bệnh viện.

UBND tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi và chỉ đạo ngành Y tế đẩy mạnh công tác giáo dục y đức và quy tắc ứng xử trong ngành; thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là những lời dạy của Bác cho cán bộ ngành Y tế.

Trên đây là nhận định khái quát của bà Trần Kim Mai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dành cho Báo Ấp Bắc qua phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm nay.

* PV: Hiện nay nhân lực ngành Y tế, nhất là nguồn lực có trình độ cao đang thiếu nghiêm trọng và khó tuyển dụng. Tỉnh ta sẽ có biện pháp gì để thu hút, giữ chân người tài trong ngành Y tế?

* Bà Trần Kim Mai: Để thu hút, giữ chân những người có năng lực công tác trong ngành Y tế, điều đầu tiên là cần tạo môi trường làm việc và điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, nơi làm việc, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại nhằm phát huy hết năng lực của người cán bộ y tế. Kế đến là phải phân công cán bộ hợp lý, bố trí công việc phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ để cán bộ y tế, bác sĩ giỏi phát huy được khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của mình.

Về dự án xây dựng bệnh viện vùng tại Tiền Giang

Đây là dự án được nhân dân đặc biệt quan tâm, lãnh đạo tỉnh đã tích cực tranh thủ trung ương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện. Bà Trần Kim Mai cho biết cụ thể:

Căn cứ Quyết định 153/2006/QĐ-TTg ngày 30-6-2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và căn cứ Quy hoạch phát triển ngành Y tế tỉnh Tiền Giang từ nay đến năm 2020, Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế lập Dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh làm nhiệm vụ bệnh viện vùng với quy mô 1.000 giường bệnh tại khu đất Đồng Sen (huyện Châu Thành); thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2014 - 2018.

Hiện việc lập quy hoạch 1/500 khu đất Đồng Sen để xây dựng Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Trung tâm Giám định y khoa, Trung tâm Giám định pháp y đang trong giai đoạn chỉnh sửa hồ sơ, chuẩn bị trình Sở Xây dựng thẩm định. Việc lập dự án đầu tư Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang trong giai đoạn tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc bệnh viện.

Đối với Tiền Giang, đã bước đầu xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách trong tổ chức tuyển dụng cán bộ ngành Y tế. Cụ thể, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 07/2011/NQ-HĐND ngày 25-8-2011 và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 01/2012/QĐ-UBND ngày 02-2-2012 về chính sách thu hút, ưu đãi, đầu tư kinh phí đào tạo cho cán bộ y tế và cử đi học nâng cao trình độ chuyên môn hàng năm.

Trong năm 2013, UBND tỉnh tiếp tục trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thực hiện chính sách hỗ trợ cho các bác sĩ, dược sĩ công tác trong các lĩnh vực đặc biệt khó khăn như: Lao, Tâm thần, Pháp y và Y tế dự phòng để ổn định nhân lực trong các đơn vị này nói riêng và trong toàn tỉnh nói chung.

Hiện nay, bác sĩ công tác ở tuyến xã, ngoài tiền lương và các khoản phụ cấp theo quy định, còn được hỗ trợ thêm bằng hệ số 0,9/người/tháng so với mức lương tối thiểu chung được quy định tại Nghị quyết 251/2010/NQ-HĐND ngày 27-10-2010 của HĐND tỉnh.

Cùng với các chính sách đãi ngộ, thu hút, tăng cường chấn chỉnh kỷ cương hành chính, có biện pháp ràng buộc thích hợp đối với cán bộ y tế được tạo điều kiện, đầu tư học tập nâng cao trình độ.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng cường đầu tư đào tạo đội ngũ cán bộ y tế theo địa chỉ sử dụng theo hướng đủ về số lượng và đạt về chất lượng, sớm đáp ứng nhu cầu cán bộ. Đây được xem là một trong các giải pháp quan trọng, vì khi đào tạo đủ lực lượng cán bộ y tế thì sẽ hạn chế tình trạng “chảy máu chất xám” cơ học: Nhân lực y tế ở nơi có thu nhập thấp chuyển đến nơi có thu nhập cao, từ nông thôn về thành thị, từ y tế công sang y tế tư…

Bên cạnh đó, vấn đề cải cách tiền lương, tăng thu nhập cho nhân viên y tế công cũng là giải pháp để hạn chế các biến động nhân lực như hiện nay.

HẠNH NGA (thực hiện)

.
.
.