Thứ Năm, 28/02/2013, 06:02 (GMT+7)
.
Ông Trần Hoàng Diệu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tiền Giang:

Phát huy vai trò đội ngũ trí thức, góp phần xây dựng nông thôn mới

Căn cứ Chương trình 3407/CTrPH-BNNPTNT-LHHVN ngày 5-10-2012 về phối hợp xây dựng nông thôn mới giữa Bộ NN&PTNT và Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam; căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, ông Trần Hoàng Diệu, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tiền Giang (Liên hiệp Hội) chia sẻ:

Qua kết quả điều tra, khảo sát phục vụ triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh, cho thấy trong 154 xã của tỉnh Tiền Giang, có 2 xã đạt 10-11 tiêu chí, 14 xã đạt 8 - 9 tiêu chí, 78 xã đạt 5 - 7 tiêu chí và 51 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Qua đó, cho thấy thực trạng nông thôn Tiền Giang vẫn còn khó khăn về nhiều mặt cần được hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ hơn.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, ngày 24-1-2011, UBND tỉnh ban hành Quyết định 275/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2010 - 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2015, Tiền Giang tập trung xây dựng 29/145 xã cơ bản đạt chuẩn NTM, trong đó có 10 xã đạt 19/19 tiêu chí; đến năm 2020, có 50% số xã trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt chuẩn NTM và 50% số xã còn lại đạt hơn 14/19 tiêu chí.

PV: Xây dựng NTM là chương trình lớn, xin ông cho biết, đội ngũ trí thức Tiền Giang có đáp ứng được nhu cầu trong tiến trình xây dựng NTM ở tỉnh nhà?

Ông Trần Hoàng Diệu: Theo thống kê của Liên hiệp Hội, tính đến cuối năm 2011, Tiền Giang có trên 20 ngàn trí thức có trình độ cao đẳng trở lên, với trên 302 ngành, nghề khác nhau. Trong gần 10 ngàn trí thức có trình độ đại học trở lên, có 48 nghiên cứu sinh (đã bảo vệ luận án 26), 584 học viên cao học (đã bảo vệ 405), có 300 bác sĩ chuyên khoa I và 32 bác sĩ chuyên khoa II được đào tạo từ nhiều nguồn, đang làm việc trong các ngành kinh tế, các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội.

Phần lớn trí thức sau khi đào tạo đã được bố trí công việc phù hợp với chuyên môn, phát huy được trí tuệ, đã tạo được phong trào học tập, nghiên cứu khoa học, lao động sáng tạo có hiệu quả. Thiết nghĩ, với đội ngũ trí thức như hiện nay, Liên hiệp Hội và Câu lạc bộ Trí thức Tiền Giang sẽ tăng cường hợp tác nhằm quy tụ và phát huy trí tuệ của đội ngũ này không những trong việc xây dựng NTM, mà còn thực hiện vai trò của mình vào tất cả các lĩnh vực nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

PV: Để tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng công nghệ mới; tư vấn, phản biện, giám định xã hội; tuyên truyền, phổ biến thông tin khoa học và công nghệ của Liên hiệp Hội  trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp phục vụ cho việc xây dựng NTM, ông nghĩ thế nào về vai trò của Liên hiệp Hội trong hoạt động này?

Ông Trần Hoàng Diệu: Tuyên truyền, phổ biến, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ mới phục vụ sản xuất và đời sống; tham gia xây dựng chính sách trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ là chức năng quan trọng thứ hai trong bốn chức năng của Liên hiệp Hội.

Cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân hội thảo đầu bờ trên cánh đồng mẫu lớn ở xã Thạnh Mỹ (Tân Phước). Ảnh:T.T
Cán bộ kỹ thuật và bà con nông dân hội thảo đầu bờ trên cánh đồng mẫu lớn ở xã Thạnh Mỹ (Tân Phước). Ảnh:T.T

Thời gian qua, Liên hiệp Hội phối hợp Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh tổ chức 4 lần Hội thi sáng tạo kỹ thuật và 5 Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, qua đó đã thu nhận rất nhiều đề tài thuộc các lĩnh vực để ứng dụng vào sản xuất, điển hình như đề tài Máy gặt đập liên hợp, Máy phun thuốc trừ sâu T4, Quy trình lai tạo cá thát lát; Quy trình chế biến chế phẩm sinh học SOFRI Protein phòng trừ ruồi đục quả; các đề tài ứng dụng của Hội đồng Khoa học Công nghệ của tỉnh thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, khoa học ứng dụng… và rất nhiều đề tài khác có giá trị thực tiễn, giúp nông dân ứng dụng vào sản xuất, các dịch vụ nông thôn, quản lý nguồn lao động ở nông thôn, làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi và tiết kiệm chi phí sản xuất.

Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã thực hiện tốt trong thời gian qua, với nhiều đề án được phản biện độc lập và hàng trăm công trình có sự đóng góp ý kiến của đội ngũ trí thức, thể hiện tiếng nói quan trọng của Liên hiệp Hội trong việc tập hợp đội ngũ trí thức thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đã cung cấp cho các cơ quan đặt yêu cầu tư vấn, phản biện và giám định xã hội có thêm các cơ sở, luận cứ khoa học độc lập; trợ giúp về tri thức, kinh nghiệm, cung cấp các thông tin, tư liệu cùng các ý kiến phân tích, đánh giá và kiến nghị trong việc đề xuất, xây dựng hoặc thẩm định, phê duyệt đề án.

Hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội và các hội thành viên là hoạt động không vì lợi nhuận, không phải là hoạt động nghề nghiệp, là sự thể hiện trách nhiệm của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ tham gia đóng góp trí tuệ vào các hoạt động của Nhà nước.

Bên cạnh đó, với chức năng tuyên truyền, phổ biến thông tin khoa học của Liên hiệp Hội trên website và Tập Thông tin Khoa học - Kỹ thuật trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp phục vụ cho việc xây dựng NTM đã được đông đảo người dân ủng hộ.

Hàng tháng Liên hiệp Hội phát hành 500 bản tin đến các huyện, thành, thị, các trung tâm học tập cộng đồng các xã và website Liên hiệp Hội đã đăng tải thường xuyên các thông tin về ứng dụng khoa học – công nghệ, tuyên truyền phổ biến những công nghệ mới nhằm giúp nông dân áp dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả cao.

PV: Ông có những định hướng như thế nào để phát huy vai trò, chức năng tập hợp trí thức của Liên hiệp Hội phục vụ cho sự nghiệp phát triển nền nông nghiệp bền vững và xây dựng NTM?

Ông Trần Hoàng Diệu: Để phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức, tỉnh cần có giải pháp quy tụ, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong các ngành kinh tế và các lĩnh vực như nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của đội ngũ trí thức trong công cuộc đổi mới của đất nước, của địa phương; đổi mới cơ chế chính sách đối với đội ngũ trí thức; bố trí, sử dụng hợp lý và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ trí thức.

Tạo dựng môi trường thuận lợi cho đội ngũ trí thức phát huy vai trò, khả năng sáng tạo, đóng góp có hiệu quả cho sự nghiệp CNH, HĐH địa phương. Nâng cao sức thu hút trí thức ở ngoài tỉnh, ngoài nước về địa phương công tác. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với đội ngũ trí thức.

PV: Xin cảm ơn ông!

NGỌC ÁNH (thực hiện)

.
.
.