Chủ Nhật, 17/02/2013, 06:33 (GMT+7)
.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ có những bước tiến xa hơn

Ảnh minh họa Như Lam
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam

Năm 2012, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng xuất khẩu gạo đã về đích thắng lợi. Bước sang năm 2013 với những dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, song xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến xa hơn.

Ông Huỳnh Văn Thông, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đã khẳng định như vậy khi trao đổi về tình hình xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Phóng viên (PV): Là một năm có khá nhiều khó khăn và thách thức nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn cán đích với con số khá ấn tượng là 8,1 triệu tấn. Vậy ông có thể chia sẻ điều gì về những thành công này?

Ông Huỳnh Văn Thông: Năm 2012, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn, nông nghiệp được coi là ngành kinh tế trụ cột với tốc độ tăng trưởng đạt 4%, tạo giá trị xuất khẩu đạt 25 tỷ USD. Đối với ngành xuất khẩu gạo, việc cán đích với con số 8,1 triệu tấn, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu gạo thứ 2 thế giới, vượt qua Thái Lan và chỉ xếp sau Ấn Độ.

Mặc dù thị trường xuất khẩu gạo của chúng ta gặp phải không ít khó khăn và chỉ bắt đầu sôi động trở lại từ giữa quý II/2012. Nhưng với nỗ lực của Vinafood 2 cũng như các đơn vị xuất khẩu gạo khác đã góp phần đưa thương hiệu gạo của Việt Nam ra ngoài thế giới, tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm cho người nông dân.

Với những kết quả đạt được trên, ngành xuất khẩu gạo nói riêng cũng như ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể hy vọng vào những bước tiến xa hơn nữa trong thời gian tới.

PV: Để có thể giữ được vị trí trong top những nước dẫn đầu xuất khẩu gạo trên thế giới trong nhiều năm liền và đặc biệt là trong năm 2012, ngành lương thực đã có những nỗ lực cụ thể như thế nào, thưa ông?

Ông Huỳnh Văn Thông: Theo tôi những khó khăn lớn nhất mà ngành lương thực Việt Nam gặp phải trong năm vừa qua  là sự cạnh tranh về giá cả, mà nổi lên là Ấn Độ với nguồn cung dồi dào và giá trị xuất khẩu thấp hơn thị trường nên làm ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu gạo của Việt Nam, đặc biệt là ở các thị trường truyền thông. Cùng với đó là những áp lực từ lãi suất ngân hàng ở mức cao...

Là một doanh nghiệp nhà nước, Vinafood 2 luôn xác định thực hiện đúng nhiệm vụ và chức năng của mình. Trong đó mục tiêu hàng đầu là tìm cách tiêu thụ lúa hàng hóa của bà con nông dân với giá cả hợp lý. Khi thị trường xuất khẩu quá xấu thì Tổng công ty sẽ có những hỗ trợ để mua vào với giá sàn Nhà nước quy định và chờ thị trường thuận lợi để bán ra.

Riêng với Vinafood 2, trong năm qua đã đạt hơn 4 triệu tấn gạo xuất khẩu. Việc tổ chức thu mua, tạm trữ lúa gạo cũng được thực hiện tốt để làm sao tăng giá trị hạt gạo. Bên cạnh đó nỗ lực trong việc tìm kiếm thị trường, duy trì các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới.

PV: Chính phủ đã đưa ra chỉ đạo giữ 3,8 triệu ha đất nông nghiệp và kèm theo đó là những chính sách cần thiết để hỗ trợ người nông dân. Vậy theo ông cần có cơ chế nào để bà con có thể yên tâm trồng lúa?

Ông Huỳnh Văn Thông: Trong tình hình giá cả xuất khẩu gạo lên xuống thất thường như hiện nay thì cần phải có những chính sách hỗ trợ đối với bà con nông dân để trang trải các chi phí cũng như tái sản xuất. Các chính sách hỗ trợ về đầu vào cho sản xuất nông nghiệp để giảm được giá thành sản phẩm, tạo sự ổn định cho bà con nông dân yên tâm sản xuất mỗi khi giá cả thị trường thế giới có những biến động bất thường.

Ngoài ra cần có thêm nhiều giải pháp hơn nữa như việc phát triển các ngành nghề phụ trợ cho bà con nông dân tăng thêm thu nhập ngoài lúa gạo, những cải tiến về cơ cấu giống để có được những sản phẩm xuất khẩu có chất lượng cao hơn.

PV: Đối với người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với kim ngạch xuất khẩu gạo như năm qua thì đời sống của họ đã có những chuyển biến tích cực gì, thưa ông?

Ông Huỳnh Văn Thông: Ở ĐBSCL hiện nay ước tính có khoảng 4 triệu nông dân trực tiếp tham gia sản xuất lúa gạo, với sản lượng trên 24 triệu tấn lúa, bình quân 1 người nông dân tạo ra hơn 6 tấn lúa trong 1 năm.

Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện chủ yếu tập trung ở ĐBSCL với sản lượng chiếm hơn 50% sản lượng lúa gạo của cả nước. Với sản lượng, năng suất tăng cao thì thu nhập của nông dân đã có những cải thiện đáng kể, nhờ đó cũng góp phần ổn định cuộc sống cho bà con.

PV: Việt Nam xuất khẩu về lượng nhiều hơn Thái Lan nhưng kim ngạch thu về được lại thấp hơn, vậy phải chăng hoạt động xuất khẩu gạo của chúng ta mới chỉ tập trung vào xuất khẩu gạo giá rẻ hay hạt gạo của chúng ta vẫn phải chịu "lép vế" trước các đối thủ cạnh tranh khác?

Ông Huỳnh Văn Thông: Đối với cơ cấu xuất khẩu gạo của Thái Lan tập trung vào gạo cao cấp còn Việt Nam chỉ tập trung ở gạo trung bình, do đó số lượng nhiều hơn nhưng kim ngạch thấp hơn. Để khắc phục, chúng tôi trong những năm tới cũng sẽ tập trung vào gạo cấp cao. Dần dần chuyển dịch gạo trung bình lên gạo cao cấp để tăng giá trị xuất khẩu. Hiện nay thị trường Châu Phi là thị trường tiêu thụ gạo có giá trị thấp lớn lại đang bị Ấn Độ chiếm lĩnh, bởi họ có giá thành thấp hơn.

Hiện nay, ở trong nước Vinafood đã có trên 150 cửa hàng phân phối gạo tập trung vào các khu đô thị dân cư với mục đích bình ổn giá gạo trong nước, tránh để tình trạng tăng giá đột biến trong các đợt lễ Tết. Cùng với đó tập trung đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang các thị trường khác. Năm vừa qua thị trường gạo của chúng ta cũng đã xuất rất mạnh sang các thị trường nước ngoài. Cùng với đó, tăng cường việc quảng bá một cách tương xứng với tiềm năng của gạo Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.