Thứ Tư, 13/03/2013, 08:16 (GMT+7)
.
Ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ:

Nợ xấu như “cục máu đông”, cần tập trung giải quyết

Xoay quanh việc thực hiện các gói tín dụng và xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Ấp Bắc, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đánh giá:

Qua báo cáo của các tổ chức tín dụng và của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang, chúng tôi đánh giá việc triển khai các gói giải pháp tín dụng trên địa bàn tỉnh khá tích cực và đạt được nhiều kết quả khả quan.

Thứ nhất, về mặt tổng dư nợ của hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh trong năm 2012 đạt trên 16.000 tỷ đồng, tuy tăng trưởng ở mức khiêm tốn nhưng nổi bật ở mặt chuyển dịch cơ cấu đầu tư tập trung cho sản xuất, tức trên 15.600 tỷ đồng dành cho sản xuất, kinh tế thực tạo ra vật chất. Chính vì vậy đã hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất và các mặt hàng chủ lực của Tiền Giang, tạo thêm nguồn lực cho xuất khẩu, giúp xuất khẩu mang về gần 1 tỷ USD.

Thứ hai là chất lượng tín dụng trên địa bàn Tiền Giang cũng được đánh giá là khá hợp lý. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 3% trên tổng dư nợ cũng nằm trong chuẩn của quốc tế. Tuy nhiên cũng cần có giải pháp xử lý nợ xấu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Thứ ba là nguồn vốn của tỉnh cũng rất tiềm năng, tăng trưởng trên 20%, nên có nguồn lực tốt để tạo đà cho năm 2013.

Thứ tư là hạ tầng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh rộng khắp, đa dạng loại hình, gồm hệ thống các ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần và hệ thống tín dụng nhân dân cơ sở hoạt động khá chất lượng. Hệ thống tài chính vi mô này đã đáp ứng rất tốt nhu cầu tín dụng trong cơ cấu kinh tế của Tiền Giang.

Phóng viên: Ông có thể nói thêm về tình hình nợ xấu của hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh và hướng xử lý như thế nào?

Ông Phạm Xuân Hòe: Qua khảo sát tình hình thực tế và báo cáo của hệ thống tín dụng trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ nợ xấu như hiện nay là chưa có vấn đề gì đáng lo ngại, tập trung chủ yếu vào 2 nhóm doanh nghiệp kinh doanh trong ngành hàng lương thực và vận tải đường sông. Tuy nhiên, hai ngành hàng này có cơ hội phục hồi rất tốt.

Giải pháp để xử lý tình hình nợ xấu trước hết là các tổ chức tín dụng phải đánh giá rõ các nguyên nhân của các doanh nghiệp có nợ xấu, xem thực trạng của doanh nghiệp hiện nay như thế nào. Nếu doanh nghiệp có phương án tốt, có khả năng phục hồi, có thể cơ cấu được đầu ra thì các tổ chức tín dụng phải áp dụng các giải pháp cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp.

Khách hàng đến giao dịch tại KienLongBank, chi nhánh Tiền Giang.
Khách hàng đến giao dịch tại KienLongBank, chi nhánh Tiền Giang.

Thứ nữa, có thể do doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh quá mức hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích thì cần phải có biện pháp quyết liệt hơn như xử lý tài sản bảo đảm, đưa ra khởi kiện tại tòa án nhằm thu hồi vốn để cho vay đối với các ngành kinh tế khác; đồng thời các tổ chức tín dụng phải tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của tỉnh, các ngành cùng vào cuộc để cùng nhau giải quyết nợ xấu.

Phóng viên: Một trong những giải pháp tín dụng trọng tâm trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Hòe: Năm 2013 ngành Ngân hàng sẽ tập trung thực hiện 2 nghị quyết của Chính phủ là Nghị quyết 01 về những giải pháp tổng thể điều hành nền kinh tế và Nghị quyết 02 nhằm tháo gỡ khó khăn về sản xuất-kinh doanh và hỗ trợ thị trường.

Do đó, ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào 2 nhóm giải pháp: Tập trung điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiềm chế được lạm phát, tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Về lãi suất cho vay sẽ có lộ trình để cơ cấu lại với mức lãi suất hợp lý nhất đáp ứng được nhu cầu vay vốn. Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện những gói giải pháp giúp cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng mới đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Với mặt bằng như của Tiền Giang, ngành Ngân hàng cần hướng vào nông nghiệp, nông thôn và các mặt hàng xuất khẩu vì còn nhiều tiềm năng để tăng trưởng; đồng thời, ngành Ngân hàng cần tập trung quyết liệt cho việc xử lý nợ xấu vì nợ xấu sẽ gây ách tắc nguồn vốn cho vay. Nợ xấu được ví như cục “máu đông”, nếu không giải quyết tình hình này sẽ gây cản trở sự phát triển.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.