Thứ Tư, 27/03/2013, 20:56 (GMT+7)
.
ÔNG LÂM ANH TUẤN, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH LƯƠNG THỰC THỊNH PHÁT:

Nói DN thu mua tạm trữ lúa gạo hưởng lợi lớn là không chính xác

Bàn về câu chuyện ai được hưởng lợi xoay quanh việc thu mua lúa gạo tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ và diễn biến thị trường tiêu thụ lúa gạo hiện nay, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, đơn vị nhiều năm tham gia xuất khẩu gạo, nhìn nhận:

Sau khi có quyết định tạm trữ lúa gạo, về tổng thể giá lúa gạo có chiều hướng đi lên. Nếu căn cứ theo giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân của Bộ Tài chính công bố là 3.165 đồng/kg, giá thu mua thực tế đã cao hơn nhiều. Chủ trương tạm trữ lúa gạo vụ đông xuân đã tạo thêm tâm lý cho bà con yên tâm để bán lúa theo hướng có lợi.

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đến cuối tháng 2-2013, số lượng gạo đã ký hợp đồng 2,9 triệu tấn, tăng 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2012 cùng với 1 triệu tấn gạo mua tạm trữ tạo nên hình ảnh tích cực trong việc tiêu thụ lúa gạo.

Theo như Bộ NN&PTNT tính toán, lúa hàng hóa quy ra gạo của vụ đông xuân từ 3,7-3,8 triệu tấn. Do đó, tính cả lượng gạo tạm trữ và ký hợp đồng của các doanh nghiệp thì gạo đã có đầu ra tương đối ổn so với mặt bằng lúa hàng hóa của vụ đông xuân. Theo đánh giá chủ quan của các doanh nghiệp, giá lúa gạo hiện đã tăng so với thời điểm trước Tết Nguyên đán từ 200-300 đồng/kg.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu đang hưởng lợi lớn trên cơ chế mua tạm trữ lúa gạo, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lâm Anh Tuấn: Theo tôi, ý kiến này là hoàn toàn không chính xác. Trước hết, cần phải hiểu rằng mặt bằng giá lúa gạo thế giới hiện nay đang ở mức nào. Vì đối với một doanh nghiệp, mục đích mua lúa gạo là để bán, trên cơ sở cân đối giá mua vào và bán ra. Mọi người cứ nghĩ rằng, doanh nghiệp được Nhà nước hỗ trợ lãi suất ngân hàng khi mua lúa gạo vào tạm trữ là sẽ được hưởng lợi lớn. Thực tế, lãi suất ngân hàng chỉ là một chi phí trong nhiều chi phí để hình thành nên giá bán gạo.

Ví dụ như, giá bán thế giới đang ở mức thấp, tính quy ra chỉ dao động khoảng 5.000 đồng/kg lúa thì khi doanh nghiệp mua vào ở mức quy ra cũng trên 5.000 đồng/kg lúa. Điều này cho thấy rõ trách nhiệm của doanh nghiệp vì lợi ích chung mà hy sinh lợi nhuận (lợi ích riêng). Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng trong 3 tháng tạm trữ, nhưng doanh nghiệp còn phải chịu các chi phí vô hình như hao hụt, chi phí tái chế sau khi trữ lúa gạo thời gian dài.

Sau thời gian này nếu giá gạo thế giới tăng lên thì doanh nghiệp còn có thể có lợi, còn ngược lại doanh nghiệp đành chịu trận. Có những lúc buộc lòng doanh nghiệp phải bán dưới giá thành do mặt bằng thế giới đã hình thành quá thấp. Có nhiều người ngộ nhận, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo với số lượng nhất, nhì thế giới là có thể áp đặt được giá gạo thế giới. Thực tế, Việt Nam vẫn phải bán gạo với giá mà thế giới chấp nhận được. Do vậy, giá gạo thế giới có lúc cao hơn giá thành, bằng và có lúc lại dưới giá thành gạo trong nước. Đây là một thực tế cần phải thừa nhận.

Phóng viên: Như vậy, diễn biến thị trường lúa gạo hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ông Lâm Anh Tuấn: Giá gạo thế giới hiện nay thấp là do hầu hết các nước đều được mùa. Thương nhân mua gạo bao giờ cũng nhìn vào ai là người có gạo nhiều nhất và ai là người đang chi phối thị trường lúa gạo. Hiện nay có hai trung tâm gạo tồn kho lớn nhất, chi phối được giá gạo. Một là Ấn Độ với kho hơn 30 triệu tấn gạo. Hai là Thái Lan với kho trên 14 triệu tấn gạo, chưa kể Thái Lan sắp thu hoạch 7 triệu tấn vào tháng 4. Do vậy, các thương nhân chưa thể dự đoán bao giờ Thái Lan sẽ bán gạo ra nên chưa mạnh dạn mua vào.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, giao dịch lúa gạo năm 2013 sẽ giảm gần 2 triệu tấn do các nước được mùa nên hạn chế lượng gạo nhập khẩu. Trước bức tranh chung như thế, việc bán gạo ra tới đây là một chuyện khó khăn. Bên cạnh đó, Pakistan, Myanmar lại bán gạo ra với giá rất thấp. Theo khảo sát gần đây, gạo 5% của Myanmar bán ra dưới 400 USD/tấn nên gạo của Việt Nam rất khó bán được trên 400 USD/tấn.

Chuyển gạo xuống tàu xuất khẩu.
Chuyển gạo xuống tàu xuất khẩu.

Phóng viên: Trước tình hình như hiện nay, tới đây giá lúa gạo sẽ chuyển động theo chiều hướng nào, thưa ông?

Ông Lâm Anh Tuấn: Theo tôi, từ nay đến tháng 5, giá lúa gạo trong nước khó xuống vì chúng ta đã thu hoạch hơn 80% diện tích lúa đông xuân nên chỉ cần những biến động nhỏ sẽ đẩy giá lên. Thực tế, do người nông dân có tâm lý là lúa ngoài đồng thì cỡ nào cũng bán, còn khi đã đưa về nhà trữ lại thì chờ giá lên.

Đồng thời, giá lúa gạo trong nước hiện nay cũng đang ở mặt bằng thấp chứ không phải cao. Do vậy xu thế nhích lên sẽ nhiều hơn, nhưng tăng ở mức nào vẫn còn là ẩn số. Trong khi đó, giá gạo thế giới sẽ khó tăng trong vòng 2 -3 tháng nữa, do chưa có nhu cầu nhập khẩu đột xuất bởi hầu hết các nước được mùa và do các nước có lượng gạo tồn kho lớn sẵn sàng cung ứng khi thị trường có nhu cầu.

Hiện nay, có 2 vấn đề có thể biến động giá gạo trong nước. Một là do giá gạo hiện nay còn thấp (thấp hơn Ấn Độ  khoảng 10-15 USD/tấn), nên hiện chưa doanh nghiệp nào của Việt Nam bán với giá qua khỏi 410 USD/tấn. Thứ hai là số lượng gạo đã ký hợp đồng tương đối lớn, khi giao hàng theo hợp đồng sẽ không tạo áp lực hạ giá.

Do áp lực giao hàng nên giá nội địa đôi khi cao hơn giá xuất khẩu. Dự báo, vào tháng 4, các doanh nghiệp sẽ giao hàng nhiều hơn do hợp đồng đã ký trước đây với giá thấp (bình quân dưới 400 USD/tấn), giá này quá lý tưởng và rất khó bị đối tác ủy hợp đồng.

Phóng viên: Trước bức tranh chung này, dự báo hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ gặp không ít khó khăn?

Ông Lâm Anh Tuấn: Tình hình doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay là cực kỳ khó khó khăn. Bởi giá gạo mà các doanh nghiệp đã ký hợp đồng, trừ hợp đồng gạo tập trung được giá tốt trên 400 USD/tấn, đại bộ phận những hợp đồng thương mại đều bán dưới 400 USD/tấn. Chưa kể, hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hiện nay có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực vốn yếu, chỉ trừ một vài tổng công ty.

Do vậy, hầu hết doanh nghiệp phải vay ngân hàng, với mặt bằng lãi suất mặc dù vay được 10-11%/năm nhưng vẫn còn ở mức cao. Với mức lãi suất này, nếu trong 1 tháng gạo không tăng giá 100 đồng/kg, doanh nghiệp từ huề đến lỗ vốn, do ngoài chi phí lãi vay còn chi phí cho tái chế.

Áp lực lớn cho các doanh nghiệp hiện nay là chi phí tài chính cho một kg gạo trong quá trình mua vào tạm trữ để chờ bán. Cần phải hiểu rằng kinh doanh nông sản nói chung và lúa gạo nói riêng, sản xuất là có thời vụ nhưng mua bán phải liên tục. Do vậy, thông thường doanh nghiệp sẽ tập trung mua vào lúc thu hoạch rộ, cần số vốn lớn bỏ ra để dự trữ.

Chẳng hạn, hiện nay giá lúa phơi khô quạt sạch là trên 5.000 đồng/kg. Chẳng hạn lúa IR 50404 loại xấu tại ruộng đã trên 4.500 đồng/kg, chưa kể các chi phí vận chuyển, sấy… Gạo nguyên liệu IR 50404, loại gạo lức dao động từ 6.850-6.900 đồng/kg, gạo hạt dài từ 7.050-7.100 đồng/kg. Nếu tính tổng thể, hiện nay giá gạo trong nước cao hơn gạo xuất khẩu. Do vậy, những đơn vị đã có hợp đồng xuất khẩu gạo trong tay đều bị lỗ.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.