Thứ Sáu, 29/03/2013, 13:08 (GMT+7)
.
Ông Phùng Văn Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh:

Áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với hành vi chiếm dụng tiền thuế

Cũng giống như câu chuyện “cục máu đông” nợ xấu ngày càng phình ra làm cho hệ thống các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh phải lo ngại, tình trạng nợ đọng thuế ngày càng gia tăng cũng đang là vấn đề “đau đầu” của ngành Thuế hiện nay. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phùng Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cho rằng:

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh ngày 16-1 về công tác quản lý và thu thuế năm 2013 trên địa bàn tỉnh; căn cứ phương hướng, nhiệm vụ công tác thuế năm 2013 của Cục Thuế tỉnh được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, HĐND và UBND tỉnh giao, ngay từ đầu năm Cục Thuế tỉnh đã:

- Chỉ đạo các chi cục thuế, các phòng chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát khai thác nguồn thu;

- Áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu đạt tỷ lệ nợ đến ngày 31-12 không vượt quá 5% tổng số thu ngân sách năm 2013 theo quy định của Tổng cục Thuế.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả như trên là rất khó khăn, cần có sự hỗ trợ, phối hợp tích cực và kịp thời của các sở, ngành, địa phương có liên quan trong tỉnh.

Bởi thực tế, tính đến ngày 28-2, tổng số nợ thuế trên địa bàn tỉnh là 347 tỷ đồng; trong đó nợ khó thu là 123 tỷ đồng (nợ của các đối tượng: mất tích, đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, tự ý ngừng hoạt động không làm thủ tục, phá sản, giải thể, không có tài sản để thu); nợ chờ xử lý là 571 triệu đồng (nợ của các đối tượng: đang xử lý miễn giảm, chờ gia hạn, đang khiếu nại…); nợ có khả năng thu là 223 tỷ đồng (nợ của các đối tượng chậm nộp tiền thuế).

Tình trạng nợ đọng thuế tập trung nhiều vào các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn dẫn đến mất khả năng thanh toán, vỡ nợ, phá sản, ngừng hoạt động, tài sản thế chấp bị ngân hàng kiểm soát không có tiền nộp thuế.

Một số doanh nghiệp bỏ trốn khỏi địa bàn kinh doanh; lợi dụng tình hình khó khăn chung tự ý ngừng hoạt động không kê khai nộp thuế, không lập thủ tục giải thể, phá sản như quy định; số doanh nghiệp này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước và có thuế nợ khá lớn.

Một số doanh nghiệp dây dưa, chậm nộp tiền thuế, cơ quan thuế đã mời doanh nghiệp nhiều lần, doanh nghiệp cũng nhiều lần cam kết nộp nhưng chỉ nộp chiếu lệ, số nộp không đáng kể nên số nợ thuế không giảm.

Đa số các loại tài sản của doanh nghiệp đều thế chấp tại các tổ chức tín dụng, nên việc thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp kê biên tài sản và bán đấu giá tài sản kê biên để thu hồi nợ khó thực hiện. Vì trong trường hợp phát mãi tài sản thì ngân hàng thu hồi số tiền cho vay trước, còn lại mới thực hiện nộp thuế (thực chất hiện nay số nợ của các doanh nghiệp tại các tổ chức tín dụng cao hơn số tài sản doanh nghiệp thế chấp nên khả năng thu hồi nợ thuế rất khó khăn).

Phóng viên: Theo ông, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nợ đọng thuế lớn và có xu hướng ngày càng gia tăng là do đâu?

Ông Phùng Văn Minh: Một phần là do nợ thuế chuyển sang năm 2013 khá lớn, do năm 2012 nền kinh tế trong nước nói chung và Tiền Giang nói riêng vẫn còn chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, đã tác động trực tiếp đến tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp làm chi phí phí đầu vào tăng cao, sản phẩm sản xuất ra khó tiêu thụ dẫn đến hàng tồn kho lớn, sản xuất - kinh doanh bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp lâm vào tình trạng thua lỗ kéo dài, một số mất khả năng thanh toán... Số doanh nghiệp này còn nợ tiền thuế khá lớn nhưng khó thu hồi.

Một phần do lãi suất ngân hàng cao hơn tiền phạt nộp chậm tiền thuế và không bị ràng buộc điều kiện vay vốn như ngân hàng nên một số doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt nộp chậm để chiếm dụng tiền thuế của nhà nước dẫn đến số nợ không giảm. Biện pháp chế tài như quy định hiện nay chưa đủ mạnh để xử lý đối với hành vi dây dưa, không thực hiện nộp thuế, chưa có cơ chế xử lý đối với một số khoản nợ cho các đơn vị kinh doanh không hiệu quả, tự giải thể.

Bên cạnh đó, một số cơ quan chức năng chưa hỗ trợ tích cực để giúp cơ quan thuế thực hiện việc cưỡng chế thu hồi tiền thuế nợ đúng với Luật Quản lý thuế hiện hành, điển hình như: Việc cung cấp thông tin về tài sản, bất động sản; thông tin về số dư trên tài khoản tiền gởi của doanh nghiệp nợ thuế chưa kịp thời, có trường hợp cơ quan thuế có văn bản đề nghị từ tháng 5-2012 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phúc đáp. Từ đó đã làm ảnh hưởng đến việc thực hiện cưỡng chế thu hồi nợ.

Phóng viên: Trước tình tình nợ đọng thuế hiện nay, ngành Thuế đưa ra giải pháp thu nợ thuế năm 2013 như thế nào, thưa ông?

Ông Phùng Văn Minh: Để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2013 được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, HĐND, UBND tỉnh giao, Cục Thuế xây dựng kế hoạch thu nợ thuế và kiến nghị một số nội dung như sau:

Thực hiện theo Nghị quyết 02 của Chính phủ và Thông tư 16 của Bộ Tài chính, trong quý I-2013, Công ty TNHH Royal Food (Khu công nghiệp Mỹ Tho) được gia hạn 1,5 tỷ đồng tiền thuế.
Thực hiện theo Nghị quyết 02 của Chính phủ và Thông tư 16 của Bộ Tài chính, trong quý I-2013, Công ty TNHH Royal Food (Khu công nghiệp Mỹ Tho) được gia hạn 1,5 tỷ đồng tiền thuế.

Ngành Thuế sẽ tiến hành rà soát, đối chiếu phân loại nợ chính xác, thực hiện đúng các chủ trương của Nhà nước đối với các trường hợp được miễn, giảm, gia hạn nộp tiền thuế, tạo điều kiện và hỗ trợ cho người nộp thuế vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với NSNN.

Đồng thời ngành Thuế sẽ kiên quyết xử lý đối với các hành vi dây dưa, không nộp thuế, chiếm dụng tiền thuế của Nhà nước theo quy định. Cụ thể, ngành Thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế thuế như: Trích tiền từ tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng; kê biên tài sản và bán đấu giá tài sản kê biên để thu hồi nợ thuế; đình chỉ sử dụng hóa đơn và mã số thuế; phối hợp với các ngành chức năng để thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế, thu thập xác minh các thông tin về tài sản, nhà xưởng, đất đai, phương tiện vận tải của doanh nghiệp nợ thuế; truy tìm các đối tượng nợ thuế bỏ trốn, mất tích để thu hồi tiền thuế, tiền phạt còn nợ kịp thời vào NSNN.

Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét, có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp và hỗ trợ ngành Thuế một số công việc cụ thể sau: Tiến hành tổ chức điều tra, xác minh tài sản hiện có của doanh nghiệp để có biện pháp thu hồi nợ. Trường hợp có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế thì tiến hành xử lý theo quy định pháp luật; cung cấp thông tin liên quan về doanh nghiệp kịp thời, hoặc tạm dừng làm thủ tục sang nhượng tài sản, bất động sản, phương tiện vận tải… của doanh nghiệp còn nợ thuế, để cơ quan thuế tiến hành thực hiện các biện pháp cưỡng chế theo quy định.

Thu hồi diện tích đất cho thuê đối với các doanh nghiệp được nhà nước cho thuê đất nhưng không thực hiện nộp tiền thuê đất; có văn bản yêu cầu và hướng dẫn doanh nghiệp nếu thực sự bị phá sản thì làm thủ tục xin phá sản theo Luật Doanh nghiệp để thực hiện các chính sách giải quyết nợ theo quy định hoặc rút giấy phép đối với các doanh nghiệp không còn hoạt động; thông báo trên các phương tiện thông tin đối với các trường hợp cố tình dây dưa, không chấp hành nộp thuế, nộp phạt, vi phạm pháp luật về thuế.

Phóng viên: Bên cạnh thực hiện các giải pháp thu hồi nợ đọng, công tác thanh tra, kiểm tra trong năm 2013 nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận, trốn thuế được ngành Thuế thực hiện như thế nào?

Ông Phùng Văn Minh: Trong năm 2013 ngành Thuế tập trung, nỗ lực để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu ngân sách và thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch thanh tra, kiểm tra theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế.

Cụ thể, ngành Thuế sẽ thanh tra 75 doanh nghiệp, kiểm tra 563 doanh nghiệp và tập trung vào một số nhóm, lĩnh vực sau: Các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, có dấu hiệu chuyển giá, doanh nghiệp kinh doanh lỗ nhưng vẫn mở rộng đầu tư, các doanh nghiệp có số tiền nợ thuế lớn, doanh nghiệp nhiều năm chưa thanh tra, kiểm tra, các doanh nghiệp được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế và các doanh nghiệp thường xuyên được hoàn thuế; tập trung đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề, chuyên sâu đối với các doanh nghiệp có tiềm ẩn rủi ro về gian lận thuế cao như: các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng, xây dựng, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh xe gắn máy, kim khí điện máy…

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

Tập trung thực hiện việc gia hạn, miễn, giảm thuế

Ngành Thuế đang tập trung triển khai thực hiện chủ trương gia hạn, miễn, giảm thuế theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và Thông tư 16 của Bộ Tài chính cho các đối tượng nằm trong diện được gia hạn, miễn, giảm thuế.

Riêng trong năm 2012, theo Nghị quyết 13 và Nghị quyết 29 của Chính phủ, ngành Thuế đã gia hạn thuế Giá trị gia tăng cho 2.376 lượt doanh nghiệp, với số tiền trên 125 tỷ đồng; giảm 50% tiền thuê đất cho 22 doanh nghiệp, với số tiền trên 3,8 tỷ đồng; miễn thuế môn bài cho 272 hộ đánh bắt hải sản, làm muối với số tiền là 135 triệu đồng…

 

.
.
.