Thứ Tư, 20/03/2013, 14:00 (GMT+7)
.

GĐ Ngân hàng NN&PTNT Tiền Giang: Vốn đang chuyển mạnh về kinh tế hộ

Bàn về thực trạng của thị trường tài chính, tiền tệ và xu hướng chuyển động nguồn vốn trong thời gian tới trong bối cảnh cạnh tranh giữa các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh ngày càng gay gắt hơn, là đơn vị chiếm thị phần lớn nhất, ông Trần Trọng Hùng, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tiền Giang, cho rằng:

Nhìn chung, hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây tiếp tục sôi động, với 22 ngân hàng thương mại, 1 chi nhánh ngân hàng chính sách, 16 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động và cạnh tranh gay gắt.

Tuy nhiên, xuyên suốt trong năm 2012, Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Tiền Giang luôn tuân thủ quy định về lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, không vượt rào, cũng như không thực hiện chi hoa hồng, khuyến mãi huy động vốn.

Một trong những điểm thành công của Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tiền Giang trong thời gian qua là ổn định và duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức hợp lý. Đến cuối năm 2012, tổng nợ xấu là 46,3 tỷ đồng, chiếm 0,81% so với tổng dư nợ, thấp hơn kế hoạch giao là 1,19% (trụ sở giao tỷ lệ nợ xấu là 2%).

Phóng viên: Có dư luận cho rằng, các gói tín dụng về hỗ trợ hay ưu đãi về lãi suất cho vay liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn được triển khai thực hiện trong thời gian qua không đạt mục tiêu như mong đợi. Thực trạng này bắt đầu từ đâu, thưa ông?

Ông Trần Trọng Hùng: Trên bình diện chung, hệ thống Ngân hàng NN&PTNT Tiền Giang thực hiện tốt Nghị định 41, đến cuối năm 2012 tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông dân, nông thôn chiếm 86%. Tuy nhiên, có một số chương trình của Chính phủ như Quyết định 63, chỉ đạo 1149 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các đối tượng ưu tiên như cho vay chăn nuôi, chế biến xuất khẩu, nuôi cá tra… với lãi suất 11%/năm đang gặp khó khăn.

Cụ thể, cho vay theo Quyết định 63 về hỗ trợ lãi suất cho vay mua máy móc phục vụ công tác sau thu hoạch đang bị vướng ở tỷ lệ nội địa hóa trên 60%. Trên thực tế người dân rất chuộng máy móc có tính năng phù hợp với vùng đất, thường là máy móc có nguồn gốc nước ngoài, quy định này hiện được Bộ NN&PTNT đề nghị chỉnh sửa. Do vậy, trong năm 2012 dư nợ cho vay theo Quyết định 63 chỉ có 18 tỷ đồng, tương đương 59 khách hàng vay.

Còn đối với gói tín dụng có lãi suất ưu đãi 11%/năm hiện cũng đang gặp khó. Trước hết là đối với con cá tra do hiện nay gặp rủi ro rất nhiều, sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi chưa chặt chẽ, chưa có đơn vị nào đứng ra bao tiêu cho người nuôi, nên đa số người dân treo ao, chưa có nhu cầu vay vốn. Do vậy, hiện tại Ngân hàng NN&PTNT chỉ còn 3 khách hàng vay nuôi cá tra, với dư nợ khoảng 6,3 tỷ đồng, giảm rất nhiều so với trước đây.

Bên cạnh đó, ngành Chăn nuôi muốn tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thú y (theo Quyết định số 17 của UBND tỉnh). Ngoài ra, Ngân hàng NN&PTNT chủ yếu cho vay theo phương án vay tổng hợp, vừa trồng trọt và chăn nuôi. Do vậy, số hộ chăn nuôi theo hình thức trang trại lại không được hưởng lãi suất 11%/năm. Vì thế, dư nợ cho vay theo gói tín dụng có lãi suất 11%/năm cũng đạt thấp, khoảng 7 tỷ đồng.

Cần phải khẳng định rằng, nguồn vốn cho vay của Ngân hàng NN&PTNT hiện nay không thiếu nhưng việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi còn gặp một số khó khăn nhất định.

Cơ cấu lãi suất cho vay trên 15%/năm
chỉ còn chiếm trên 9%

Ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang cho biết, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân thực hiện nghiêm trần lãi suất cho vay, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ, ngắn hạn của 4 lĩnh vực ưu tiên.

Đến cuối tháng 2-2013, cơ cấu nợ có lãi suất dưới 12%/năm chiếm gần 30%, nợ có lãi suất từ 12-15%/năm chiếm gần 61%, nợ có lãi suất trên 15%/năm chiếm 9,23%.

Bên cạnh đó, đến cuối năm 2012, các ngân hàng đã thực hiện việc cơ cấu nợ cho 2.292 khách hàng, với dư nợ được cơ cấu trên 693 tỷ đồng; trong đó có 154 doanh nghiệp, với số dư nợ được cơ cấu trên 425 tỷ đồng.

Trong khi đó, việc cho vay theo chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai. Đối với các xã NTM sẽ được ngân hàng ưu tiên về nguồn vốn cho vay, còn điều kiện cho vay vẫn áp dụng như bình thường do hiện nay chưa có chính sách nào khác.

Tuy nhiên, đối với các xã NTM mà Ngân hàng NN&PTNT được chỉ định đầu tư sẽ được ngân hàng hỗ trợ nhà tình thương trong năm 2013.

Phóng viên: Câu chuyện về nợ xấu và cạnh tranh giữa các ngân hàng là một trong những đề tài nóng đang được nhiều người đề cập, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Trọng Hùng: Trên bình diện chung, nợ xấu trong hệ thống các ngân hàng thương mại cũng đang có chiều hướng tăng. Tuy nhiên, tình hình này ở Ngân hàng NN&PTNT cũng không quá lo ngại. Khách hàng của Ngân hàng NN&PTNT chủ yếu là hộ gia đình nên mức độ rủi ro tương đối thấp so với các đối tượng vay là doanh nghiệp. Do đó, nợ xấu hiện tại của Ngân hàng NN&PTNT chỉ ở mức 0,81% trên tổng dư nợ, thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của tỉnh (xấp xỉ 3%).

Nhờ khách hàng vay chủ yếu là hộ nên mức độ rủi ro phân tán, không có nợ xấu tăng một cách đột xuất. Tuy nhiên, từ tình hình chung của nền kinh tế, thị trường tài chính, tiền tệ gần đây có sự chuyển động, các ngân hàng thương mại đang có xu hướng chuyển dịch, thay đổi nhóm đối tượng khách hàng cho vay. Bởi thực tế thời gian qua, nhóm đối tượng vay là doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, dễ dẫn đến nguy cơ nợ xấu.

Hiện nay, các ngân hàng thương mại khác cũng đang chú trọng vào nhóm khách hàng vay là kinh tế hộ. Do vậy, mức độ cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng ngày càng mạnh mẽ hơn, bởi miếng bánh thị phần đối tượng vay dần được chia nhỏ ra.

Phóng viên: Trong bối cảnh còn nhiều cạnh tranh như thế, Ngân hàng NN&PTNT sẽ đưa ra những gói giải pháp như thế nào?

Ông Trần Trọng Hùng: Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tiền Giang luôn xác định và quán triệt tăng trưởng huy động vốn ổn định và an toàn, thanh khoản là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; đồng thời tổ chức thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý luồng vốn vào ra tại từng chi nhánh, theo hướng mở và giao quyền quản lý về chi nhánh cơ sở để nâng cao tính chủ động và tự chịu trách nhiệm; duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý trong từng thời kỳ năm 2013.

Bên cạnh đó, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Tiền Giang sẽ rà soát, đánh giá lại nợ xấu; tiến hành phân loại lại nợ xấu theo loại hình doanh nghiệp, đối tượng vay vốn và theo các loại tài sản đảm bảo; đánh giá tài sản đảm bảo, nguồn gốc pháp lý, giá thị trường, khả năng thanh khoản để có giải pháp thích hợp đối với từng loại hình nợ xấu…

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

THẾ ANH (thực hiện)

.
.
.