Quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống các loại cúm gia cầm
Thời gian gần đây, dịch cúm A/H7N9 xảy ra ở Trung Quốc, bệnh cúm A/H5N1 xảy ra trên đàn gia cầm và trên động vật hoang dã ở một số nơi trên cả nước. Tỉnh ta cũng đã từng xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm nên nguy cơ tái phát bệnh và bùng phát là rất cao. Trước diễn biến đó các ngành chức năng đang quyết liệt triển khai các biện pháp để ngăn ngừa và tránh nguy cơ dịch bệnh xảy ra.
Ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, đến giờ này, nước ta chưa ghi nhận ca nhiễm cúm A/H7N9 nào trên người và trên động vật. Các nhà khoa học nghiên cứu loại bệnh này lây nhiễm từ gia cầm sang người. Nhưng đường lây truyền đến giờ này chưa được rõ ràng.
Đây là loại bệnh có độc lực cao, nó lây được sang người và gây chết người. Yếu tố lây từ người sang người chưa có bằng chứng. Những nhà khoa học nói đây là loại bệnh được tổng hợp từ 3 tuýp virus cúm gây bệnh trên gia cầm.
Điều đặc biệt, bệnh cúm A/H7N9 không có triệu chứng gì trên gia cầm, hoàn toàn không có triệu chứng lâm sàng như bệnh cúm A/H5N1 nên rất khó theo dõi và điều trị. Bệnh này chỉ mang âm ỉ trong cơ thể chứ không gây chết trên gia cầm. Vì vậy, ngành chỉ xét nghiệm mới biết con vật đó có bệnh hay không.
Cúm A/H5N1 trên gia cầm đã xảy ra cách nay 10 năm. Mặc dù bệnh có biến đổi nhưng nhìn chung gia cầm sau khi mắc bệnh đều có triệu chứng ủ rủ, chết nhiều, mồng tích tím tái, vảy chân bị xuất huyết, toàn bộ phủ tạng bị xuất huyết. Bệnh này giống như các bệnh gây chết khác trên gia cầm nhưng nếu xét nghiệm thì chắc chắn hơn. Nếu trong vùng dịch và những vùng lân cận có gia cầm nhiễm cúm A/H5N1 thì sau khi gia cầm chết và có triệu chứng như trên thì 80-90% là bệnh cúm A/H5N1.
Phóng viên: Tỉnh ta có nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm rất cao. Vì vậy, ngành đã có những động thái gì để ngăn ngừa loại bệnh có thể gây chết người này?
Ông Lê Minh Khánh: Sau khi nắm bắt vụ việc từ các tỉnh, thành trên cả nước, tỉnh ta sớm cảnh báo cao độ đối với mạng lưới thú y cơ sở biết tình hình để giám sát cùng với tỉnh nhằm phát hiện, xử lý nhanh, không để dịch bệnh lây lan. Chúng tôi tuyên truyền, vận động nhân dân qua báo, đài; tuyên truyền qua những buổi hội thảo, tập huấn cho nông dân để phối hợp với ngành thú y khi xảy ra bệnh; tăng cường công tác tiêu độc sát trùng…
Đối với 6 xã giáp ranh tỉnh Đồng Tháp (nơi có người bị chết do cúm A/H5N1) và các nơi có xảy ra ổ dịch cũ thì tăng cường giám sát, tiêu độc sát trùng lại 1 lần nữa; quản lý chặt chẽ việc mua bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật. Bằng mọi cách phải phát hiện nhanh, xử lý gọn.
Ông Lê Minh Khánh cho biết: Đầu tháng 4-2013, xảy ra bệnh cúm A/H5N1 trên chim trĩ tại xã Nhị Bình, huyện Châu Thành. Đây là lần đầu tiên trên cả nước mới thấy. Sau khi phát hiện, ngành chức năng tiến hành tiêu hủy toàn bộ số chim trĩ, gà, vịt trong hộ đó. Ngành Thú y giám sát đàn gia cầm xung quanh đó và ngành Y tế thì giám sát triệu chứng của con người xung quanh khu vực xảy ra bệnh. Sau khi tiêm phòng, tiêu độc sát trùng thì giờ này không phát sinh ổ dịch mới. Chúng tôi cũng đã truy nguồn gốc thì không phát hiện nơi bán bị nhiễm mà ổ bệnh này lây từ mầm bệnh của những năm trước đó. |
Phóng viên: Nếu dịch bệnh xảy ra thì chúng ta sẽ xử lý như thế nào?
Ông Lê Minh Khánh: Trong tình hình này nếu vừa xảy ra và có triệu chứng giống bệnh cúm gia cầm thì sẽ đề nghị tiêu hủy ngay. Bởi Chi cục Thú y lấy mẫu và trong vòng 12 giờ sẽ có kết quả. Nếu kết quả dương tính thì phải tăng cường các biện pháp xử lý nghiệp vụ ngay. Mấy tháng nay, ngành nghi ca nào thì dính ca đó.
Phóng viên: Thưa ông, vấn đề quản lý chim yến hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngành Nông nghiệp đã làm gì trước dịch cúm trên chim yến ở tỉnh Ninh Thuận?
Ông Lê Minh Khánh: Trước mắt, chúng tôi sẽ mời những người nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh để sinh hoạt về bệnh cúm gia cầm, hướng dẫn các biện pháp để chủ nuôi tự bảo vệ mình.
Nếu đàn chim yến có dấu hiệu bất thường thì thông báo ngay cho cơ quan thú y để lấy mẫu xét nghiệm. Trước đây, người nuôi cho rằng chim yến hoàn toàn không nhiễm bệnh, sức đề kháng cao. Chính yếu tố chủ quan đã làm dịch bệnh dễ xảy ra và lây lan nhanh.
Ngành chức năng của Cục Thú y, Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận đã lấy rất nhiều mẫu chim yến. Con nào còn bay thì mẫu đó âm tính, con nào rớt xuống đất thì dương tính với virus cúm A/H5N1. Nếu có bệnh thì buộc phải tiêu hủy đàn, phun thuốc tiêu độc khử trùng trong và ngoài nhà nuôi. Hiện tại, chúng ta không thể vận động người dân tiêu độc khử trùng được, bởi mùi này rất hôi.
Phóng viên: Hiện tại, người nuôi đã niêm phong toàn bộ nhà nuôi yến. Mọi người, kể cả ngành Thú y không vào được thì sao chúng ta biết chim yến có nhiễm bệnh hay chết ở hộ nuôi đó mà có cách xử lý?
Ông Lê Minh Khánh: Vì vậy, chúng tôi cố gắng tuyên truyền, vận động từng hộ nuôi chim yến. Còn người nuôi phải hiểu rằng đây không phải là chuyện kinh tế mà nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của họ. Một khi chim yến nhiễm bệnh và chết thì gia đình không còn gì, mà bản thân họ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Nếu bệnh lây qua người dẫn đến tử vong (đã có nhiều người chết do bệnh cúm này) thì tiền tỷ cũng không đổi được sinh mạng mình.
Một số ít người nuôi sợ ảnh hưởng kinh tế mà phủ nhận chuyện chim yến nhiễm bệnh để bán được tổ yến giá cao. Họ cho rằng các doanh nghiệp tự đánh nhau mới bày ra trò này. Tôi xin khẳng định: Chim yến đã nhiễm cúm A/H5N1 vừa xảy ra ở Ninh Thuận và đây là căn bệnh có thể gây chết người. Vì vậy, ai có suy nghĩ như vậy thì hết sức nguy hiểm.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
SĨ NGUYÊN (thực hiện)
KHẢO SÁT VÀ KHUYẾN NGHỊ CÁC XÃ GIÁP VỚI ĐỒNG THÁP: Phòng chống dịch quyết liệt hơn Ngày 16-4, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Khánh đã trực tiếp đến làm việc với Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè và một số xã giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp (có 1 người chết do nhiễm virus cúm A/H5N1) về công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.
Theo Báo cáo của Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè, ngày 12-4, trên địa bàn huyện xảy ra một ổ cúm gia cầm, với 130 con gà chết/740 con tại hộ ông Tiết Lễ, ấp Mỹ Hưng C, xã Mỹ Đức Đông. Huyện cũng đã phối hợp Chi cục Thú y tiến hành tiêu hủy toàn bộ gia cầm của hộ nuôi nói trên (kể cả vịt), phun tiêu độc khử trùng môi trường và tiêm phòng đàn vật nuôi trong vòng bán kính 1km. Ngoài ra, ngành cũng báo tiến độ, thuận lợi và khó khăn trong công tác tiêm phòng hiện nay; ý thức của người dân trong công tác phòng, chống bệnh… Ông Lê Minh Khánh khuyến nghị: Ban Chỉ đạo cấp huyện và cấp xã cần phải chủ động quyết liệt hơn trong công tác chỉ đạo để tiêm phòng, phun thuốc tiêu độc khử trùng cho những đàn vật nuôi. Đây là lúc cao điểm vì Đồng Tháp xảy ra một ca chết người do bệnh cúm A/H5N1, huyện Cái Bè vừa xuất hiện 1 ổ dịch. Tuy nhiên, các địa phương chưa thống kê được tổng đàn gia cầm của khu vực mình quản lý. Riêng các xã giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp thì cần phải tích cực hơn, chủ động ngăn ngừa không để dịch bệnh phát tán qua địa bàn Tiền Giang. |