PGĐ Sở GTVT: Quỹ BTĐB nhằm đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, BTĐB
Ngày 13-3-2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP về Quỹ bảo trì đường bộ. Ngày 15-11-2012, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197/2012/TT-BTC về việc hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện. Xung quanh vấn đề này, ông Trần Văn Bon, Phó Giám đốc Sở GTVT trao đổi:
Đường bộ có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước và mở rộng giao lưu quốc tế, là động lực phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
Cùng với việc đầu tư, xây dựng các công trình đường bộ, quá trình khai thác, sử dụng đường bộ cần phải được bảo trì theo yêu cầu kỹ thuật mới đảm bảo thời gian sử dụng, an toàn và hiệu quả. Việc thành lập Quỹ bảo trì đường bộ (BTĐB) nhằm có một nguồn vốn đầy đủ, ổn định và bền vững dành cho công tác BTĐB.
Mục đích của Quỹ BTĐB: - Nhằm huy động một số nguồn tài chính có liên quan đến sử dụng đường bộ để cùng với nguồn tài chính ngân sách Nhà nước đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, BTĐB.
- Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác BTĐB; nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng đường bộ, đảm bảo giao thông an toàn và thông suốt.
- Tạo điều kiện cho các Hiệp hội (đại diện cho người sử dụng đường bộ) tham gia, giám sát, kiến nghị trong quá trình quản lý, sử dụng Quỹ BTĐB.
- Nhằm làm cho người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ, thấy rõ lợi ích của việc BTĐB đến sự phát triển kinh tế - xã hội.
+ Phóng viên: Ông cho biết nguyên tắc hoạt động của Quỹ BTĐB cũng như nội dung chi của Quỹ này?
+ Ông Nguyễn Văn Bon: Quỹ BTĐB hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật về sử dụng vốn ngân sách.
Quỹ BTĐB được sử dụng cho công tác bảo trì hệ thống quốc lộ và đường địa phương (đường tỉnh, đường huyện, đường đô thị). Quỹ BTĐB không sử dụng cho công tác quản lý, duy tu, bào trì đường chuyên dùng, đường không do Nhà nước quản lý khai thác. Đường được đầu tư không bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước.
Quỹ BTĐB sẽ chi sửa chữa các tuyến đường tỉnh, đường huyện và đường đô thị. |
Việc phân bổ Quỹ BTĐB dựa theo mức độ, tầm quan trọng và nhu cầu quản lý, bảo trì của các tuyến đường; việc phân bổ Quỹ cho từng địa phương dựa theo số km đường, số lượng phương tiện đăng ký ở từng địa phương có tính đến các đặc thù của địa phương để phân bổ hợp lý.
Nội dung chi của Quỹ BTĐB: Quỹ trung ương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống quốc lộ; Quỹ địa phương được sử dụng cho công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ địa phương, do địa phương chịu trách nhiệm quản lý.
Nội dung chi của Quỹ bao gồm - Chi bảo trì công trình đường bộ: Chi bảo dưỡng thường xuyên; Chi sửa chữa định kỳ (gồm: sửa chữa lớn, sửa chữa vừa đường bộ); Chi sửa chữa đột xuất (khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão hoặc các nguyên nhân bất thường khác để đảm bảo giao thông và an toàn giao thông).
- Chi quản lý công trình đường bộ: Lưu trữ, quản lý và khai thác hồ sơ hoàn công công trình đường bộ; Lập hồ sơ quản lý công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ; Tổ chức thực hiện quản lý, bảo vệ công trình đường bộ; giải tỏa hành lang an toàn đường bộ; Theo dõi tình hình hư hại công trình đường bộ; tổ chức tuần tra, kiểm tra thường xuyên....
- Chi hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ BTĐB, Văn phòng Quỹ BTĐB và các đơn vị được giao quản lý kinh phí của Quỹ BTĐB.
- Các khoản chi khác có liên quan đến bảo trì, quản lý công trình đường bộ.
+ Phóng viên: Tại sao khi thành lập Quỹ BTĐB lại chuyển đổi phương thức thu phí sử dụng đường bộ từ thu qua trạm như hiện nay sang thu hàng năm theo đầu phương tiện?
+ Ông Trần Văn Bon: Với phương thức thu phí qua trạm như hiện nay, chỉ có phương tiện khi đi qua trạm thu phí sử dụng đường bộ mới phải nộp phí, phương tiện không đi qua trạm không phải nộp phí.
Nếu quy đổi chiều dài đường bộ được thu phí của 1 trạm tương đương với 70 km đường bộ (tương ứng với khoảng cách giữa hai trạm thu phí theo quy định của Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07-9-2004 của Bộ Tài chính) thì với 59 trạm thu phí trên hệ thống quốc lộ như hiện nay mới đảm nhận việc thu phí tương ứng với chiều dài 4.130 km quốc lộ (70 km x 59 trạm).
Nếu so với tổng chiều dài của hệ thống quốc lộ là 17.228 km thì chiều dài quốc lộ được thu phí chiếm tỷ trọng 23,97%. Nếu so với tổng chiều dài của toàn bộ hệ thống đường bộ là 256.684 km thì chiều dài đường bộ được thu phí chiếm tỷ trọng 1,61%.
Do vậy để đảm bảo mọi phương tiện tham gia giao thông đều có nghĩa vụ nộp phí sử dụng đường bộ thì phải thay đổi phương thức thu phí từ thu qua trạm sang thu hàng năm theo đầu phương tiện.
+ Phóng viên: Tại sao không chọn hình thức thu phí sử dụng đường bộ qua xăng dầu mà lại thu hàng năm theo đầu phương tiện?
+ Ông Trần Văn Bon: Phí sử dụng đường bộ thu qua xăng dầu là một trong những phương án thu đã được đưa ra khi xây dựng đề án; phương thức thu này có nhiều ưu việt, nhiều nước đã áp dụng.
Tuy nhiên, ở nước ta, phương thức thu này không công bằng, có lĩnh vực sử dụng xăng nhưng không phải cho mục đích giao thông đường bộ mà cho mục đích khác (như máy phát điện, máy bơm nước, máy thủy công suất nhỏ vùng Đồng bằng sông Cửu Long; các loại xuồng...); có khoảng 70% đối tượng sử dụng dầu diesel nhưng không cho mục đích giao thông đường bộ (tàu hỏa, tàu biển, tàu đánh cá, máy thi công...), cho nên phương án được lựa chọn là thu qua đầu phương tiện.
Việc thu phí đường bộ theo đầu phương tiện hiện nay dựa trên quãng đường trung bình xe chạy trong 1 tháng nhân với mức phí cho từng loại xe. Về lâu dài, để đảm bảo sự công bằng trong thu Quỹ BTĐB, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét việc tính phí đường bộ dựa trên quảng đường thực tế phương tiện đã chạy bằng cách gắn thêm thiết bị đo cự ly có chủng loại và độ chính xác theo quy định.
+ Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
PHÙNG LONG
(thực hiện)