Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nền kinh tế xanh
Đó là chủ đề tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) - Vĩnh Long 2013. Thông qua diễn đàn, Ban Tổ chức tập hợp các sáng kiến, cơ chế, chính sách để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đây cũng là hoạt động liên kết nhằm tăng cường tính hợp tác giữa các địa phương trong vùng, giữa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với các bộ, ngành Trung ương, các vùng, miền trong cả nước, các tổ chức quốc tế, nhằm phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo MDEC - Vĩnh Long 2013 cho biết:
Qua 6 lần tổ chức MDEC tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, Tiền Giang với các chủ đề thiết thực như: ĐBSCL chủ động hội nhập WTO; Vì sự phát triển hạ tầng giao thông; Phát triển nguồn nhân lực ĐBSCL thời kỳ hội nhập; Phát huy lợi thế sông, biển - phát triển kinh tế bền vững vùng ĐBSCL; ĐBSCL - liên kết phát triển bền vững; ĐBSCL hướng đến nền nông nghiệp chất lượng và bền vững.
Kế thừa và phát huy những kết quả đạt được, MDEC năm 2013 được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long từ ngày 21 đến 24-11-2013, với chủ đề “Đồng bằng sông Cửu Long hướng đến nền kinh tế xanh”.
Phóng viên (PV): Xin ông vui lòng cho biết mục đích, ý nghĩa của MDEC - Vĩnh Long 2013?
Ông Nguyễn Phong Quang (N.P.Q): MDEC - Vĩnh Long 2013 nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về phát triển kinh tế bền vững. Phát triển kinh tế xanh là cách để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường, bảo tồn sự đa dạng sinh học, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, đây là mục tiêu mà ĐBSCL cần hướng đến.
Thông qua MDEC - Vĩnh Long 2013 để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, giới thiệu danh mục dự án kêu gọi đầu tư, quảng bá tiềm năng của vùng đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường hợp tác kinh tế, xây dựng các chương trình hợp tác nội vùng, giữa ĐBSCL với các vùng, miền trong cả nước và hợp tác quốc tế.
Đẩy mạnh thực hiện công tác an sinh xã hội, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng một số công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, cấp học bổng cho học sinh, sinh viên khó khăn. Tập hợp những sáng kiến để đề xuất những cơ chế, chính sách, giải pháp thích hợp để khai thác tối đa những tiềm năng, lợi thế của vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh.
PV: Thưa ông, MDEC - Vĩnh Long 2013 mang lại lợi ích gì cho các tỉnh, thành trong vùng nói riêng và cả nước nói chung?
Ông N.P.Q: Thông qua MDEC lần này, chúng tôi sẽ tìm hiểu cơ chế, chính sách kinh tế của các nước có nền kinh tế phát triển mạnh trên thế giới để nghiên cứu, tập hợp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét. Từ đó, chúng ta từng bước ứng dụng vào nền kinh tế, sản xuất và đời sống của nhân dân trong vùng. Tăng cường mối quan hệ hợp tác với các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trong hoạt động kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư đối với nền kinh tế xanh của vùng ĐBSCL.
Hợp tác, tuyên truyền và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng ĐBSCL với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế. Vận động, tranh thủ nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để thực hiện công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân trên địa bàn Tây Nam bộ, nhất là tại tỉnh Vĩnh Long. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức các hoạt động kết nối cung - cầu công nghệ, gặp gỡ, trao đổi giữa nhà sản xuất với người sử dụng sản phẩm.
PV: MDEC - Vĩnh Long 2013 có những sự kiện chính nào, thưa ông?
Ông N.P.Q: MDEC lần này có nhiều hoạt động, sự kiện. Cụ thể, sáng 21-11 tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL, nhằm quảng bá tiềm năng của vùng, trao giấy chứng nhận đầu tư, hợp đồng tín dụng, trưng bày và cung cấp thông tin bên lề hội nghị; đồng thời, Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo kết nối cung - cầu công nghệ ĐBSCL (kể cả triển lãm khoảng 60 gian hàng của Bộ KH&CN). Chiều 21-11, họp trao đổi song phương giữa lãnh đạo các địa phương với ngoại giao đoàn;
Tổ chức Hội thảo về hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL; cắt băng khai mạc Triển lãm hội chợ Tuần lễ môi trường xanh - công nghệ xanh - phát triển bền vững kinh tế xanh” vùng ĐBSCL năm 2013, nhằm trưng bày những thành tựu kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu xây dựng và phát triển môi trường xanh, kinh tế xanh, bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, sử dụng nguồn năng lượng sạch, nguồn nguyên liệu xanh, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án hợp tác về năng lượng sạch, công nghệ cao, máy móc, thiết bị sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tối 21-11, tổ chức đêm an sinh xã hội vùng ĐBSCL gắn với Lễ Khai mạc MDEC - Vĩnh Long 2013 với hình thức sân khấu hóa, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.
Ông Nguyễn Phong Quang cho biết, đến nay, MDEC - Vĩnh Long 2013 đã vận động được 590 tỷ 885 triệu đồng, trong đó các Ngân hàng thương mại cổ phần ủng hộ khoảng 518 tỷ đồng; các doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ an sinh xã hội với số tiền 64,73 tỷ đồng; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vận động hỗ trợ 10 tỷ đồng; Bộ Xây dựng vận động hỗ trợ 10.000 tấn xi măng (tương đương 10 tỷ đồng); Thành ủy, UBND TP. Hà Nội hỗ trợ an sinh xã hội cho vùng 5 tỷ đồng... |
Ngày 22-11, tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội. Đây là kênh đối thoại có tổ chức, mang tính xây dựng giữa UBND các tỉnh, thành Tây Nam bộ với cộng đồng doanh nghiệp, nhằm xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị Giám đốc các Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ toàn quốc.
Chiều 22-11, tổ chức Hội thảo Liên kết quy hoạch phát triển các đô thị bền vững về môi trường để các địa phương tiếp cận, trao đổi, thảo luận trong việc quy hoạch xây dựng các đô thị bền vững về môi trường.
Ngày 23-11, tổ chức Hội thảo phát triển và nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, nhằm đánh giá chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp là thế mạnh của vùng để các địa phương ứng dụng vào điều kiện thực tế của địa phương, từng bước nhân rộng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp công nghệ cao.
Chiều cùng ngày, tổ chức Hội nghị trao đổi giữa UBND TP. Hồ Chí Minh với UBND các tỉnh, thành Tây Nam bộ (gọi tắt là Hội nghị G 13+1) để sơ kết, đánh giá kết quả hợp tác thời gian qua, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa TP. Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành Tây Nam Bộ.
Ngày 24-11, tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC - Vĩnh Long 2013 để thảo luận thông qua Tuyên bố chung, quyết định các vấn đề đã đưa ra thảo luận tại các hội nghị, hội thảo để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, trao quyền đăng cai MDEC 2014 và cho ý kiến về các nội dung quan trọng khác. Tối 24-11, Ban Chỉ đạo Diễn đàn cùng UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức bế mạc MDEC 2013 và Triển lãm hội chợ.
PV: Xin cảm ơn ông!
SĨ NGUYÊN (thực hiện)