Thứ Hai, 14/10/2013, 05:58 (GMT+7)
.
ĐỒNG CHÍ TRẦN LONG THÔN, ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ, TRƯỞNG BAN DÂN VẬN TỈNH ỦY:

Bám sát 5 quan điểm và thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp

Nhân kỷ niệm 83 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2013), đồng chí Trần Long Thôn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết:

Tháng 10-1930, hệ thống các ban chuyên môn về các giới vận của Đảng được hình thành gồm: Ban Công vận, Ban Nông vận, Ban Thanh vận, Ban Phụ vận, Ban Quân đội vận (địch vận) và Mặt trận Phản đế, đặt nền tảng toàn diện và hoàn chỉnh để đáp ứng yêu cầu công tác dân vận của Đảng; tổ chức, tập hợp lực lượng cách mạng, vận động quần chúng, góp phần quyết định thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng minh sự đúng đắn của đường lối cách mạng của Đảng, trong đó có đường lối, phương pháp công tác vận động quần chúng của Đảng: Tin dân, gắn bó với dân, hiểu dân, dựa vào sức mạnh của dân; tổ chức tập hợp nhân dân vào Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hình thức tổ chức khác một cách linh hoạt; hướng dẫn nhân dân đấu tranh từ thấp đến cao, tiến tới khởi nghĩa toàn dân giành chính quyền.

Ban Dân vận Tỉnh ủy được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì

Vừa qua, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt Chủ tịch nước ký Quyết định 1350/QĐ-CTN tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Ban Dân vận Tỉnh ủy và Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Trần Long Thôn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2008 đến năm 2012, góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

* Nhân dịp kỷ niệm 83 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2013), Ban Dân vận Trung ương tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Dân vận cho 18 cán bộ có nhiều đóng góp cho công tác dân vận của tỉnh nhà.

Với những chủ trương, phương pháp vận động quần chúng cách mạng đúng đắn, trong các thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc  Mỹ, Đảng ta đều coi trọng và làm tốt công tác vận động quần chúng, kiên định thực hiện quan điểm, phương châm “lấy dân làm gốc”, đã huy động ngày càng đông đảo các lực lượng cách mạng, tạo sức mạnh tổng hợp để đánh thắng thù trong giặc ngoài, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là qua hơn 25 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo đã được nhân dân hoan nghênh, đồng thuận, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Từ thực tiễn phong phú của cách mạng, Đảng ta đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm quý, trong đó có bài học tiếp tục khẳng định sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và chính nhân dân là người làm nên những thắng lợi lịch sử.

Toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.

Kỷ niệm 83 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng cũng là dịp chúng ta triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, thiết nghĩ, cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân tỉnh nhà tiếp tục nghiên cứu và vận dụng thực hiện có hiệu quả bài học kinh nghiệm về công tác dân vận mà Đảng ta đã kế thừa, phát triển và tổng kết qua các thời kỳ cách mạng. Bởi lẽ, đó chính là truyền thống quý báu của Đảng gắn với truyền thống đoàn kết và yêu nước nồng nàn của dân tộc ta.

PV: Thưa đồng chí, công tác dân vận trong tình hình mới cần quan tâm những nội dung nào?

* Đồng chí Trần Long Thôn: Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa XI đã đánh giá, phân tích, nhận định tình hình có liên quan đến công tác dân vận và chỉ rõ những kết quả, những mặt yếu kém trong công tác dân vận của hệ thống chính trị. Từ đó thống nhất ban hành Nghị quyết 25 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” với 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần nghiên cứu để tập trung thực hiện trong tình hình hiện nay như sau:

1. Tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc chính đáng của nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

2. Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới.

3. Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước.

4. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh chính trị.

5. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng để đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

6. Quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, đoàn thể nhân dân các cấp vững mạnh.

7. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận.

Chương trình hành động, kế hoạch của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể cần bám sát 5 quan điểm và phải cụ thể hóa, thực hiện đồng bộ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên sát với đặc điểm tình hình và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà với tinh thần năng động, sáng tạo, thể hiện trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao để góp phần đạt được mục tiêu của công tác dân vận trong tình hình mới là “củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; tập hợp, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo phong trào hành động cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

PV: Năm 2013, tỉnh tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm nào trong công tác dân vận, thưa đồng chí?

* Đồng chí Trần Long Thôn: Thực hiện Kế hoạch 37 của BCH Đảng bộ tỉnh về “lãnh đạo công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở trong hệ thống chính trị tỉnh Tiền Giang năm 2013”, các cấp ủy đảng đã có kế hoạch chỉ đạo hệ thống chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể tập trung xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức công tác dân vận theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát với thực tiễn và sát với tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân; nâng chất lượng các phong trào thi đua yêu nước; quan tâm chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; coi trọng giải quyết các vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, của xã hội, của cộng đồng và của mỗi người dân theo đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đã tạo sự đồng thuận trong xã hội, tiếp tục tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc để xây dựng tỉnh nhà phát triển ổn định và bền vững.

Chúng tôi đang tập hợp, đánh giá một cách nghiêm túc cả những việc đã làm được và những mặt yếu kém, khuyết điểm trong công tác dân vận của hệ thống chính trị các cấp trong tỉnh. Trên cơ sở đó, đúc kết kinh nghiệm, tham mưu, đề xuất BCH Đảng bộ tỉnh ban hành kế hoạch lãnh đạo công tác dân vận năm 2014 phù hợp với Nghị quyết 25-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực vật chất, tinh thần của nhân dân để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

NGUYÊN BÌNH
(thực hiện)

.
.
.