Thứ Sáu, 25/10/2013, 09:23 (GMT+7)
.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão:

Lũ sẽ đạt đỉnh trong vài ngày tới

Bắt đầu từ giữa tháng 10, nước lũ kết hợp với triều cường làm cho mực nước trên sông Tiền và khu vực nội đồng Tây Bắc của tỉnh lên nhanh.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Tiền Giang, mực nước lũ ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long ít biến đổi và ở mức cao trong vài ngày tới, sau đó xuống chậm theo triều. Vùng nội đồng Tây Bắc của tỉnh đang lên chậm và đạt đỉnh trong vài ngày tới.

Cụ thể, tại khu vực nội đồng Tây Bắc của tỉnh, mực nước đo được tại Trạm Hậu Mỹ Bắc (Cái Bè) vào ngày 21-10 đạt 1,91 m, cao hơn cùng kỳ năm 2012 là 0,33 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2011 khoảng 0,42 m; Mỹ Phước Tây (Cai Lậy) 1,51m, cao hơn cùng kỳ năm 2012 khoảng 0,14 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2011 là 0,44m; Mỹ Phước (Tân Phước) 1,46 m, cao hơn cùng kỳ năm 2012 là 0,23 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2011 là 0,11 m; Ngã Năm Bắc Đông 1,59 m, cao hơn cùng kỳ năm 2012 là 0,25 m, thấp hơn cùng kỳ năm 2011 là 0,38 m.

Tuy nhiên, những đợt triều cường vừa qua diễn biến rất phức tạp. Do ảnh hưởng của lũ kết hợp với triều cường, mực nước cao nhất  trên sông Tiền tại Mỹ Tho xuất hiện vào ngày 20-10 đạt 1,74 m; tại Cái Bè 2,26 m. Mực nước triều này đã gây tràn bờ nhiều đoạn đê bao, làm hư hàng chục đập tạm…

Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết rõ hơn về những tác động của đợt triều cường kết hợp với lũ vừa qua đến sản xuất và dân sinh như thế nào?

Ông Nguyễn Thiện Pháp: Triều cường ngày 20 và 21-10 đã làm tràn nhiều đoạn đê bao ở các xã dọc sông Tiền thuộc huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành. Cụ thể, Cái Bè có 25 đoạn đê bao bị tràn với chiều dài 30,5 km; làm gãy 24 cửa đập tạm; 32 đập bị xoáy đáy, sụp mố; sạt lở 98 điểm với chiều dài trên 1,3 km.

Hiện tại, huyện đã khắc phục xong các đoạn đê bị nước tràn, xử lý các điểm xoáy đáy, sụp mố với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Cai Lậy có 5,3 km đê bao có cao trình thấp tại các xã: Long Trung, Ngũ Hiệp, Hội Xuân và Cẩm Sơn bị tràn. Huyện đã chỉ đạo các xã vận động nhân dân gia cố hoàn tất.

Còn tại Châu Thành, triều cường đã làm 45 đoạn đê bao ở các xã phía Nam Quốc lộ 1A bị nước tràn với chiều dài 8,7 km ở các xã: Bàn Long, Kim Sơn, Phú Phong, Vĩnh Kim, Hữu Đạo; 1 đập bị sụp; 243,7 ha vườn bị ngập ở các xã: Bàn Long, Kim Sơn, Phú Phong. Các đoạn đê bao bị tràn đang được gia cố để ngăn đợt triều cường tới.

Tại TP. Mỹ Tho, đợt triều cường vừa qua cũng gây ngập một số nơi ở khu vực phía Tây sông Bảo Định đến sông Tiền thuộc các phường: 5, 6, 10 và xã Trung An. Nhờ chế độ vận hành cống Bảo Định, cống Gò Cát hợp lý nên hạn chế phần nào triều cường gây ngập, cùng với triều cường xuống nhanh sau đó nên không gây thiệt hại, không ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Còn khu vực phía Đông sông Bảo Định, do có hệ thống đê bao dài 5 km cùng với trên 40 cống từ xã Mỹ Phong đến xã Đạo Thạnh nên đã bảo vệ được dân cư, sản xuất khu vực này

PV: Dù dự báo lũ năm nay nhỏ nhưng diễn biến của nó còn rất khó lường, trong khi đó triều cường vẫn còn diễn biến phức tạp. Chúng ta có biện pháp gì để phòng, chống trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Thiện Pháp: Theo dự báo, lũ đạt đỉnh tại khu vực nội đồng Tây Bắc của tỉnh ở mức từ 1,8 - 2 m vào thời điểm cuối tháng 10. Đây được xem là mùa lũ “đẹp”. Từ nay đến hết tháng 10 còn 1 đợt triều cường nữa xuất hiện vào cuối tháng. Tại Mỹ Tho, dự báo mực nước cao nhất trong năm xuất hiện vào cuối tháng khoảng 1,7-1,8 m, cao hơn năm 2012, xấp xỉ năm 2011.

Trước áp lực lũ đổ về từ thượng nguồn vẫn còn, triều cường còn tiếp tục diễn biến phức tạp, để chủ động phòng, chống trong thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCLB&TKCN) tỉnh yêu cầu BCH PCLB và Giảm nhẹ thiên tai các địa phương theo dõi chặt chẽ, thông báo kịp thời diễn biến mưa, lũ trên các phương tiện truyền thông đại chúng để dân biết và chủ động phòng tránh, đặc biệt mực nước lũ trên sông Tiền và tại các trạm nội đồng; tổ chức kiểm tra, khẩn trương gia cố hệ thống đê bao, cống bảo vệ các khu dân cư và sản xuất, nhất là các khu xung yếu (phải có phương án bảo vệ); đẩy nhanh tiến độ xử lý sạt lở (đối với những nơi xử lý dở dang hoặc chưa xử lý phải có biện pháp xử lý tạm thời để ngăn lũ và triều cường).

Các địa phương cần tập trung bảo vệ người dân, đặc biệt là trẻ em; trên 48.000 ha vườn cây ăn trái; trên 15.000 ha khóm và cơ sở hạ tầng ở các huyện phía Tây của tỉnh; đồng thời rà soát, kiểm tra vật tư, phương triện và lực lượng để sẵn sàng triển khai ứng phó; rà soát các hộ dân đang sống trong vùng trũng thấp, ngoài đê có nguy cơ ngập và có phương án sơ tán, di dời; tổ chức trực ban; phát động rộng rãi trong nhân dân tăng cường kiểm tra và có biện pháp phòng, chống xói lở đê trên đất của mình.

PV: Cuối năm là thời điểm các cơn bão thường hướng về khu vực Nam bộ. Chúng ta có công tác chuẩn bị từ xa như thế nào để chủ động ứng phó khi có bão, thưa ông?

Ông Nguyễn Thiện Pháp: Tháng 10, 11 và 12 là thời điểm bão thường xuất hiện ở khu vực phía Nam. BCH PCLB &TKCN tỉnh yêu cầu, khuyến cáo các ngành chức năng, địa phương, đơn vị tổ chức trực 24/24 giờ, theo dõi sát các bản tin dự báo thời tiết để kịp thời có biện pháp chủ động ứng phó khi xảy ra bão.

BCH PCLB&TKCN tỉnh và địa phương khuyến cáo người dân chủ động chằng chéo nhà cửa, cắt tỉa cây, cành; các ngành chức năng cùng nhân dân gia cố, củng cố các công trình PCLB. Tổ TKCN rà soát biên chế, phương tiện, lực lượng để sẵn sàng ứng cứu khi cần. Các địa phương, các ngành xây dựng các phương án để chủ động ứng phó khi xảy ra thiên tai.

PV: Xin cảm ơn ông!

N.VĂN (thực hiện)

.
.
.