MDEC-Vĩnh Long 2013: Cơ hội cho quảng bá sản phẩm và trao đổi kinh nghiệm
Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Dịch vụ Khoa học Công nghệ (KHCN) Tiền Giang là đơn vị đầu tiên ở ĐBSCL chuyển đổi hình thức hoạt động theo cơ chế tự hạch toán, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ (CN). Nhân sự kiện Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL do Vĩnh Long đăng cai tổ chức tới đây có các hoạt động liên quan đến ứng dụng KHCN, Phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tuấn Phong xung quanh hoạt động của trung tâm, cũng như công tác chuẩn bị tham gia các hoạt động tại diễn đàn. Ông Nguyễn Tuấn Phong cho biết:
Trung tâm thành lập vào năm 1986, tiền thân là Công ty Cung ứng Vật tư Khoa học Kỹ thuật (KHKT) trực thuộc Ủy ban KHKT (nay là Sở KHCN). Năm 1989, trung tâm đổi tên thành Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KHKT, rồi sau đó là Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Dịch vụ KHCN và Môi trường (MT). Sau khi mảng MT tách ra, trung tâm mang tên chính thức như hiện nay.
Trước đây, hoạt động của trung tâm được Nhà nước bao cấp, đến năm 1999 thực hiện chế độ hạch toán tự trang trải toàn bộ kinh phí theo Quyết định 1658/QĐ-UB ngày 17-6-1999 của UBND tỉnh.
Có thể nói, đây là đơn vị đầu tiên ở ĐBSCL thực hiện cơ chế này. Thực sự mà nói, khi chuyển sang cơ chế tự hạch toán, đơn vị gặp không ít khó khăn. Song, trung tâm có ưu thế là thường được mời tham dự các hội thảo, tập huấn về CN của các nhà khoa học, viện, trường nên mức độ cập nhật CN rất nhanh.
Trong cơ chế tự hạch toán đòi hỏi phải làm cho con người năng động, làm sao tạo mảng hoạt động để “nuôi quân”; nghiên cứu, tạo ra sản phẩm CN đáp ứng yêu cầu thị trường, phục vụ nhu cầu của địa phương; đồng thời thương mại hóa sản phẩm một cách hiệu quả để tạo nguồn thu.
Hiện nay, trung tâm có 3 xưởng sản xuất chính và 1 phòng. Xưởng cơ khí vật liệu mới sản xuất ra các sản phẩm từ vật liệu mới (vật liệu Composite - FRP) và thương mại hóa chúng như thùng rác; bồn ươm tôm giống, cá giống; van cống thủy lợi; các bồn, bể chứa nước cấp và xử lý nước thải. Xưởng còn thiết kế, chế tạo, lắp đặt hệ thống nước cấp, nước thải; thiết bị, công cụ sản xuất meo giống, phôi nuôi trồng nấm…
Hiện nay, xưởng hoạt động rất mạnh. Xưởng thứ 2 là xưởng công nghệ thực phẩm, chủ yếu sản xuất nước uống, bột xử lý nước cho sinh hoạt, chăn nuôi ở nông thôn. Xưởng thứ 3 là xưởng công nghệ sinh hóa, chủ yếu sản xuất meo giống nấm, phôi nuôi trồng cung cấp cho các hộ dân; đào tạo, tập huấn kỹ thuật (KT) nuôi trồng. Bên cạnh đó, xưởng còn nghiên cứu các dòng vi sinh đặc chủng ứng dụng trong xử lý MT.
Nhìn chung, tất cả các nghiên cứu của trung tâm đều hướng vào ứng dụng, chuyển giao, rồi sau đó thương mại hóa chúng (gồm thương mại hóa sản phẩm, thương mại hóa CN). Điều này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Ngoài ra, trung tâm còn có tổ tư vấn dịch vụ MT, thực hiện báo cáo đánh giá tác động MT, báo cáo xả thải, quan trắc MT… cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh; tư vấn CN cho DN, người dân. Hiện trung tâm là một trong những đơn vị cung cấp phôi nuôi trồng nấm lớn trong vùng.
Cụ thể, mỗi ngày trung tâm cung ứng trên 3.000 phôi và chuyển giao KT sản xuất meo giống, phôi nuôi trồng và KT nuôi trồng cho người dân; cung ứng thùng chứa rác; thiết kế, thi công hệ thống xử lý nước thải, nước cấp, nước uống… đã tạo uy tín cho khách hàng trong và ngoài tỉnh (xử lý nước thải thực hiện cho một số DN của Sóc Trăng, Bến Tre; van cống ở Long An, Bến Tre, Bạc Liêu,…)
Phóng viên (PV): Ông có nhận định gì về ứng dụng KHCN hiện nay trong đời sống và sản xuất?
Ông Nguyễn Tuấn Phong: Có thể nói hiện nay người dân, DN rất quan tâm đến việc ứng dụng CN vào sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất. Đơn cử chỉ nhìn vào các cơ sở sản xuất bánh trên địa bàn của tỉnh cũng có thể thấy việc họ thay đổi thiết bị và ứng dụng CN như thế nào.
Việc ứng dụng CN hiện nay đã đến từng lĩnh vực đời sống, xã hội, góp phần giải quyết các vấn nạn về MT, nâng cao hiệu suất sản xuất…CN hiện được các DN chú trọng và được xem là “vũ khí” lợi hại để tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường (chi phí sản xuất thấp, năng suất cao, đảm bảo an toàn thực phẩm…).
Tuy nhiên, thực tế việc ứng dụng, cải tiến CN còn gặp nhiều hạn chế do nhiều nguyên nhân. Tâm lý của chủ DN thích nhập nguyên CN, nhưng sử dụng trong thời gian dài lại không có những bước cải tiến tiếp theo nên những CN trên dần trở nên lạc hậu; cũng có những DN ngại đầu tư CN do chi phí cao.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, có nơi, có lúc nông dân còn chưa mặn mà với việc áp dụng KHCN vào sản xuất do không thấy được lợi ích “vô hình”, lâu dài trong việc bảo vệ sức khỏe, MT mà chỉ thấy khó khăn trước mắt. Để giải quyết vấn đề này cần xây dựng mô hình kiểu mẫu để người dân thấy và tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân biết rồi hưởng ứng theo.
PV: Còn nhớ trước đây, Sở KHCN từng tổ chức hội nghị các trung tâm ứng dụng KHCN ở ĐBSCL nhằm tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tạo mối liên kết khai thác lợi thế của nhau… Những chuyển biến, kết quả gặt hái từ sau hội nghị đó thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tuấn Phong: Thực sự mà nói từ hội nghị đó đến nay chưa có những kết quả đáng kể. Nhưng cũng phải nhìn nhận, qua hội nghị trên, các trung tâm biết được lợi thế cũng những hạn chế của mình và của bạn để liên hệ trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao, bổ sung cho nhau, giúp nhau cùng phát triển.
Tuy nhiên, do xuất phát điểm của các trung tâm khác nhau, đặc điểm nhu cầu sản phẩm CN của các địa phương không giống nhau nên sự trao đổi, hỗ trợ, giao lưu, kết nối, liên kết, chuyển giao CN giữa các trung tâm vẫn chưa có tiến triển như mong đợi.
PV: Trong Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL tổ chức tại Vĩnh Long lần này có các hoạt động về KHCN như trưng bày sản phẩm ứng dụng CN, hội nghị các trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN, hội thảo kết nối cung - cầu CN… Ông đánh giá thế nào về những cơ hội từ các hoạt động trên và việc chuẩn bị để tham gia diễn đàn?
Ông Nguyễn Tuấn Phong: Đây là cơ hội quảng bá, trao đổi kinh nghiệm, giao lưu trong việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao CN và thương mại hoá các sản phẩm ứng dụng CN của các trung tâm, tiến đến xây dựng, mở rộng thị trường CN. Trong đó, các trung tâm ở các tỉnh, thành là đầu mối tạo nên thị trường CN.
Trong đó, đặc biệt hội nghị các trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN lần này chắc chắn sẽ tiếp tục đào sâu, trao đổi kinh nghiệm xoay quanh vấn đề tự trang trải kinh phí hoạt động của các trung tâm theo Nghị định 115 của Chính phủ.
Để chuẩn bị cho việc tham gia các hoạt động về KHCN tại diễn đàn, vừa qua Sở KHCN đã ban hành kế hoạch chuẩn bị cho việc tham gia diễn đàn. Theo đó, các đơn vị có liên quan của ngành tiến hành khảo sát nhu cầu CN địa phương, tập hợp phiếu thu thập nguồn cung và nhu cầu CN gửi cho Ban tổ chức; phối hợp với các tổ chức, các DN trong tỉnh, các đơn vị liên quan thuộc sở chuẩn bị nội dung tham gia; các đơn vị liên quan của sở chuẩn bị; đồng thời liên hệ các tổ chức, cá nhân, DN chuẩn bị CN, thiết bị, sản phẩm, mô hình, các công trình, đề tài dự án đã nghiệm thu đưa vào sử dụng có hiệu quả…; tham gia các hoạt động giới thiệu, trưng bày, trình diễn cũng như các hoạt động khác tại diễn đàn đáp ứng theo chủ đề. Riêng trung tâm hiện đang rà soát các sản phẩm, CN để chuẩn bị đưa đi tham dự diễn đàn.
PV: Xin cảm ơn ông!
N.VĂN (thực hiện)