Gạo sẽ không thiếu và "sốt" giá
Trong những ngày qua, giá gạo bán lẻ trên thị trường đã tăng đều ở mức từ 500-1.500 đồng/kg. Giá gạo tăng làm cho người tiêu dùng không khỏi lo lắng, không ít người đã tranh thủ mua gạo trữ đến vài chục ký để phòng khi giá gạo tăng cao vào dịp cuối năm. Tuy nhiên, theo giới chuyên kinh doanh lúa gạo, giá gạo tăng vừa qua chỉ là nhất thời, không nên lo lắng. Ông Lê Thanh Khiêm (L.T.K), Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cho biết:
Trong thời gian gần đây, cụ thể là đầu tháng 12-2013, giá gạo trong nước có biến động tăng. Theo số liệu thống kê, giá gạo các loại đã tăng bình quân 10% so với trước đó.
Nguyên nhân chủ yếu là nhu cầu gạo tăng mạnh, trong khi nguồn cung đang khan hiếm. Cụ thể là vừa qua, Việt Nam đã trúng thầu 500.000 tấn gạo xuất khẩu cho Philippines. Thời gian giao hàng cho đối tác là từ tháng 12-2013 đến tháng 3-2014.
Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang khẩn trương triển khai giao hàng theo đúng hợp đồng đã ký. Do vậy, trong tuần lễ đầu tiên của tháng 12-2013, giá gạo nguyên liệu và thành phẩm có biến động tăng, nhất là giá tấm tăng cao do các doanh nghiệp chuẩn bị giao hàng gạo 25% tấm đi Philippines.
Mặt khác, tình hình chung về nhu cầu gạo cuối năm cũng có biến động tăng, vì gần đây những bất ổn chính trị tại Thái Lan đã khiến nhiều khách hàng ngại giao dịch và chuyển sang mua gạo của Việt Nam, Ấn độ, Myanmar… Tuy nhiên, hiện tại giá gạo có xu hướng đứng lại và giảm nhẹ, vì nhu cầu đã ổn định và các doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ để giao gạo đợt đầu cho hợp đồng 500 ngàn tấn đi Philippines.
Phóng viên (P.V): Theo ông, từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, giá gạo trong nước sẽ như thế nào?
Ông L.T.K: Khi đấu thầu lô gạo 500 ngàn tấn, chúng ta đã chào tiến độ giao hàng một cách hợp lý nhất cho cả bên bán và bên mua. Theo đó, giao hàng sẽ tập trung trong tháng 12-2013 là khoảng 40%; số còn lại sẽ giao trong tháng 1 và 2-2014, trong đó tháng 1-2014 là tháng cận Tết Nguyên đán 2014 sẽ có lượng giao hàng thấp nhất.
Mặt khác, nhu cầu từ Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục, nhất là dịp Tết Nguyên đán (giống như Việt Nam). Thái Lan vẫn còn bất ổn về chính trị nên nhu cầu gạo trong ngắn hạn nhìn chung vẫn còn. Về nguồn cung gạo, hiện nay rải rác ở một số tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang vào vụ thu hoạch từ nay đến cuối tháng 12-2013 như:
Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, vùng bán đảo Cà Mau…và sau Tết Nguyên đán 2014 cũng sẽ là thời điểm thu hoạch rộ lúa đông xuân 2013-2014 trên toàn vùng. Do đó, với những nhận định và tương quan cung - cầu tương đối cân bằng như trên, có thể nói giá gạo từ nay đến trước Tết Nguyên đán 2014, nếu không có gì bất thường, nhiều khả năng vẫn ít biến động và giữ giá ở mức như hiện nay.
Thương lái thu mua gạo ở chợ Bà Đắc (huyện Cái Bè). |
P.V: Công ty Lương thực Tiền Giang là một trong những doanh nghiệp tham gia bình ổn mặt hàng gạo tại Tiền Giang trong dịp Tết Nguyên đán 2014. Vậy ông có thể cho biết, công ty đã có sự chuẩn bị gì cho tình huống giá gạo tăng cao hoặc tình huống sốt giá có thể xảy ra?
Ông L.T.K: Tham gia bình ổn mặt hàng gạo là một trong những nhiệm vụ chính trị của Công ty Lương thực Tiền Giang. Vì vậy, cũng như mọi năm, dịp Tết Nguyên đán năm nay, công ty đã chủ động chuẩn bị tham gia bình ổn thị trường gạo khi có nhu cầu.
Công ty sẽ luôn kiểm soát lượng gạo xuất khẩu, chỉ ký hợp đồng xuất khẩu gạo khi có tồn kho và bảo đảm chân hàng, đề phòng trường hợp thiếu gạo và tránh mua bán lòng vòng tăng giá, gây bất ổn thị trường. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu và sẵn sàng cung ứng gạo bình ổn giá cho thị trường nội địa khi cần thiết (theo quy định của Nghị định 109/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4-11-2010); đồng thời sẽ chủ động phối hợp với Sở Công thương tổ chức cung ứng gạo bình ổn giá thị trường ngay khi có yêu cầu mở điểm lưu động để bán nơi tập trung đông dân cư, nhất là dân lao động có thu nhập thấp.
Trên địa bàn toàn tỉnh, công ty hiện có 7 cửa hàng tiện ích, 14 điểm kho trực thuộc đã sẵn sàng về nguồn gạo, bao bì, phương tiện vận chuyển... để tham gia bình ổn thị trường gạo khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, trong điều kiện bình thường, Chính phủ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam luôn điều hành công tác xuất khẩu gạo theo hướng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là ưu tiên nên Việt Nam không thể thiếu gạo. Đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tỉnh Tiền Giang thì càng không thể thiếu gạo. Vì vậy, nếu có xảy ra hiện tượng sốt giá gạo đột biến thì đó chỉ là do yếu tố tâm lý, tạo ra nhu cầu ảo.
Chế biến gạo xuất khẩu tại Xí nghiệp chế biến gạo Việt Nguyên thuộc Công ty Lương thực Tiền Giang. Ảnh: Vân Anh |
P.V: Khi có sốt giá gạo trên thị trường, Công ty Lương thực Tiền Giang có điều chỉnh giá gạo tăng theo không, thưa ông?
Ông L.T.K: Là doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh lúa gạo, ngoài việc Công ty Lương thực Tiền Giang mua bán theo giá thị trường, thì chủ trương xuyên suốt của công ty là tuyệt đối không tham gia đầu cơ, tăng giá để trục lợi khi có sốt giá gạo xảy ra.
Trường hợp nếu có tình trạng sốt giá gạo xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang thì khi đó, hoạt động của công ty sẽ chuyển sang tình trạng ứng phó với tình huống khẩn cấp (không còn hoạt động kinh doanh thuần túy nữa), nghĩa là công ty sẽ chấp hành và tuân thủ việc mua bán gạo theo giá định hướng của đơn vị chủ quản là Tổng Công ty Lương thực miền Nam, cũng như sự chỉ đạo của UBND tỉnh Tiền Giang nhằm bảo đảm được sự cân đối và tính hợp lý về cung - cầu tùy theo tình hình cụ thể trên thị trường.
P.V: Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG NGHI (thực hiện)