Thứ Hai, 09/12/2013, 12:55 (GMT+7)
.
THƯỢNG TÁ LÊ TẤN CƯỜNG, PHÓ TRƯỞNG PHÒNG PC66 - CATG:

Tăng cường công tác phòng, chống cháy, nổ dịp Tết và mùa khô

11 tháng qua, toàn tỉnh đã xảy ra 34 vụ cháy, 1 vụ nổ, tổng thiệt hại tài sản ước tính 15,5 tỷ đồng. Để chủ động phòng, chống cháy, nổ xảy ra trong thời gian tới, đặc biệt là trong dịp Tết dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa khô sắp tới, Thượng tá Lê Tấn Cường, Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC66, CATG) trao đổi:

Năm 2013, Phòng PC66 đã xây dựng 8 phương án chữa cháy phối hợp với nhiều lực lượng, được Ban Giám đốc CA tỉnh phê duyệt; hướng dẫn cơ sở lập mới 46 phương án chữa cháy; bổ sung 72 phương án chữa cháy; tổ chức thực tập 34 phương án chữa cháy; huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy cho cán bộ, chiến sĩ…

Đơn vị còn tổ chức 42 lớp tập huấn nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho 3.197 đội viên dân phòng và đội PCCC cơ sở; phối hợp với PV28 và các phòng nghiệp vụ CA tỉnh tổ chức triển khai kế hoạch xây dựng 19 cơ quan an toàn về ANTT và điển hình tiên tiến về PCCC.

Đội nghiệp vụ đã kiểm tra, phúc tra an toàn PCCC định kỳ, chuyên đề, đột xuất 1.481 lượt cơ sở, 57 lượt chợ (trung tâm thương mại), 64 bến phà, 36 phương tiện giao thông thủy, 9 xã có rừng của huyện Tân Phước, Gò Công Đông và Tân Phú Đông; đồng thời tiến hành điều tra cơ bản, lập hồ sơ quản lý công tác PCCC 103 cơ sở.

Thời gian qua, Phòng PC66 còn phối hợp với Báo Ấp Bắc, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các đài huyện (thành, thị) thông tin, tuyên truyền an toàn về PCCC&CNCH; tổ chức tuyên truyền trực tiếp cho cán bộ, công chức và nhân dân được 284 cuộc và 2.198 cuộc tuyên truyền lưu động tại các địa bàn trọng điểm. Nội dung tập trung vào Luật PCCC; Nghị định 35, 46 và 52 của Chính phủ; các biện pháp PCCC ô tô, xe gắn máy, điện, xăng dầu, gas và thông báo tình hình cháy, nổ…

Ngoài ra, phối hợp với các ngành, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động và phòng, chống cháy nổ (ATVSLĐ&PCCN), “Ngày toàn dân PCCC”; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về ATVSLĐ&PCCC 152 cơ quan, doanh nghiệp; tổ chức Hội thi ATVSLĐ&PCCN, có 79 cơ quan, doanh nghiệp với 395 đội viên tham dự, góp phần nâng cao kiến thức, ý thức phòng chống cháy, nổ cho người sử dụng lao động và người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong năm 2013, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 34 vụ cháy, 1 vụ nổ, làm chết 1 người, bị thương 1 người, tổng thiệt hại tài sản ước tính 15,5 tỷ đồng. So cùng kỳ năm 2012, số vụ cháy, nổ tăng 18 vụ , chết tăng 1 người, bị thương 2 người, tài sản thiệt hại giảm 14,3 tỷ đồng. Nguyên nhân gây cháy, nổ chủ yếu do sự cố hệ thống điện và thiết bị điện (18 vụ, chiếm 43,37%).

Địa bàn xảy ra cháy: Thành thị xảy ra 15 vụ (chiếm 42,86%), nông thôn xảy ra 20 vụ (chiếm 57,14%). Qua phân tích theo khu vực, vụ cháy xảy ra ở nhà dân chiếm 42,86% (15 vụ); cháy ở chợ chiếm 5,71% (2 vụ); cháy ở cơ quan, doanh nghiệp chiếm 34,28% (12 vụ); cháy tàu, ô tô, mô tô chiếm 14,29% (5 vụ); cháy trụ điện và hệ thống cáp chiếm 2,86% (1 vụ).

+ Phóng viên: Để PCCN có hiệu quả trong thời gian tới, ngành chức năng và người dân cần phải làm gì?

+ Thượng tá Lê Tấn Cường:

Điều 4 và Điều 5 Luật PCCC đã quy định rất cụ thể về nguyên tắc và trách nhiệm trong công tác PCCC là huy động sức mạnh tổng hợp của toàn dân tham gia PCCC. PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân.

Từ những điều luật trên, ngành Công an nói chung và lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH nói riêng sẽ tích cực trong công tác phòng ngừa xã hội bằng các biện pháp phối hợp tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức nhằm giúp cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân hiểu ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của công tác PCCC. Đối với công tác PCCC, công tác phòng ngừa không để xảy ra cháy được đặt lên hàng đầu.

Phòng PC66 tiếp tục tham mưu Ban Giám đốc CA tỉnh kiến nghị UBND tỉnh ban hành các chỉ thị về việc tăng cường chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả công tác PCCC trong năm 2014 và những năm tiếp theo. Đơn vị cũng sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để phối hợp với các ngành, cơ quan, doanh nghiệp và UBND các địa phương thực hiện có hiệu quả các chỉ thị nói trên bằng công tác phòng ngừa nghiệp vụ; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở trọng điểm có nhiều nguy cơ cháy, nổ như: chợ, các khu (cụm) công nghiệp, các trung tâm thương mại, khu phố chợ, khu dân cư tập trung…

Qua đó, ngành CA kiến nghị khắc phục, loại bỏ dần các tiềm ẩn có nguy cơ gây ra hỏa hoạn; đồng thời tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng các cơ quan điển hình về PCCC và khu phố an toàn PCCC; xây dựng các cơ quan, doanh nghiệp an toàn về ANTT, điển hình tiên tiến và khu phố an toàn PCCC đạt hiệu quả hơn.

Trước mùa khô năm nay, Phòng Cảnh sát PCCC chủ động phối hợp các cơ quan truyền thông trong tỉnh tăng cường tuyên truyền về PCCC bằng cách phối hợp với Đài Truyền thanh và Truyền hình các huyện (thành, thị) phát bản tin về nội dung PCCC (do đơn vị xây dựng) để hướng dẫn các biện pháp PCCC cơ bản, đặc biệt là công tác PCCC mùa khô để tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân.

+ PV: Đối với công tác phòng, chống cháy rừng trên địa bàn tỉnh, đơn vị sẽ có những biện pháp gì?

+ Thượng tá Lê Tấn Cường:

Đối với công tác PCCC rừng tràm, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC sẽ chủ động lập kế hoạch để Ban Giám đốc CA tỉnh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo ngành Nông nghiệp có kế hoạch kiểm tra công tác PCCC rừng tràm ở huyện Tân Phước, rừng phòng hộ ở huyện Gò Công Đông. Qua đó, nhằm khắc phục các thiếu sót về trang bị phương tiện, tổ chức lực lượng tại chỗ, sẵn sàng ứng cứu có hiệu quả khi có cháy xảy ra.

+ PV: Xin cảm ơn Thượng tá!

PHÙNG LONG (thực hiện)

.
.
.