Tập trung triển khai xây dựng thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy
Theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thị xã Cai Lậy sẽ trở thành đô thị trung tâm cấp tiểu vùng phía Tây của tỉnh, hình thành trục phát triển kinh tế - đô thị Cai Lậy - Mỹ Tho - Gò Công và cũng là trung tâm giao lưu kinh tế quan trọng từ vùng Nam sông Tiền và vùng Đồng Tháp Mười hướng về TP. Mỹ Tho và TP. Hồ Chí Minh.
Thị trấn Cai Lậy đang chuyển mình lên thị xã. |
Do đó, việc thành lập thị xã Cai Lậy góp phần thực hiện có hiệu quả Quyết định 445/QĐ-TTg, ngày 7-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định 1581/QĐ-TTg ngày 9-10-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định 17/QĐ-TTg ngày 22-1-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020.
*Phóng viên (P.V): Quá trình tổ chức thực hiện các bước thành lập thị xã Cai Lậy đã được triển khai như thế nào, thưa ông?
* Ông N.V.N: Quá trình tổ chức thực hiện các bước thành lập thị xã Cai Lậy được các cấp, các ngành khẩn trương thực hiện, đảm bảo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần IX và Đại hội Đảng bộ huyện lần X, nhiệm kỳ 2010-2015.
Song song với việc thực hiện các bước theo trình tự thủ tục để thành lập thị xã Cai Lậy, Đảng bộ và chính quyền huyện Cai Lậy từ nhiều năm qua đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống các công trình hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông. Khu vực nội thị đang được chỉnh trang và xây dựng từng mặt, tiến tới đồng bộ và hoàn chỉnh; khu vực ngoại thị đang được đầu tư xây dựng đảm bảo đạt tiêu chí đô thị thị xã.
Kết cấu hạ tầng giao thông nội ô thị trấn Cai Lậy được xây dựng hoàn chỉnh, hướng đến thị xã (Cầu Tứ Kiệt, thị trấn Cai Lậy). Ảnh: Hữu Nghị |
Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 130/NQ-CP ngày 26-12-2013 về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy còn lại; thành lập các phường thuộc thị xã Cai Lậy.
Kết quả trên chính là sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cai Lậy và cũng là cơ sở pháp lý để tỉnh, huyện triển khai thực hiện theo đúng nội dung Nghị quyết 130/NQ-CP của Chính phủ. Hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng kế hoạch để công bố thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy, dự kiến lễ công bố sẽ diễn ra vào cuối tháng 4-2014.
*P.V: Xin ông cho biết một số mục tiêu phát triển của thị xã Cai Lậy trong vài năm tới?
* Ông N.V.N: Khi thị xã Cai Lậy được thành lập sẽ trở thành một trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, thương mại, du lịch, dịch vụ lớn nhất khu vực phía Tây của tỉnh. Dự kiến tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thị xã Cai Lậy tăng bình quân 11,4% giai đoạn đến năm 2015 và 12,7%/năm giai đoạn 2016-2020.
Phấn đấu giá trị sản xuất khu vực nông - ngư nghiệp tăng bình quân 5,2%/năm giai đoạn đến năm 2015 và 4,5%/năm giai đoạn 2016-2020; giá trị sản xuất khu vực công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 14,6%/năm giai đoạn đến năm 2015 và 15,5%/năm giai đoạn 2016-2020; khu vực thương mại - dịch vụ tăng trưởng bình quân 14,9%/năm giai đoạn đến năm 2015 và 15,1%/năm giai đoạn 2016-2020.
Tỷ lệ đô thị hóa đạt 37% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020, hình thành 6 phường; cơ bản đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người 1.823 USD vào năm 2015 và 3.830 USD vào năm 2020…
Một góc cụm dân cư khu phố 1, thị trấn Cai Lậy. |
*P.V: Bên cạnh việc phấn đấu thực hiện các mục tiêu xây dựng thị xã, thì từ nay và trong những năm tiếp theo, huyện Cai Lậy sẽ tập trung vào những vấn đề nào nhằm tạo sự đột phá mới, thưa ông?
* Ông N.V.N: Một số vấn đề mà huyện Cai Lậy sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới như: Tập trung đầu tư phát triển thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy mới; lãnh đạo công tác xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí văn minh, có kinh tế phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nâng cao dân trí và đời sống của nhân dân nông thôn.
Huy động mọi nguồn lực của ngành, địa phương và nhân dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhằm thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; ưu tiên đầu tư các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, phúc lợi, y tế, văn hóa, giáo dục...
*P.V: Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG NGHI (thực hiện)