Năm 2014, bảo đảm cung cấp đủ điện và phải tiết kiệm 45 triệu kW
Thời điểm mùa khô năm 2014 đang bước vào cao điểm. Nhu cầu sử dụng điện trong sản xuất và sinh hoạt đang có xu hướng tăng lên. Như vậy, liệu ngành Điện có đủ nguồn điện để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ngay trong thời điểm mùa khô và cả năm nay? Trước sự quan tâm của nhiều người về vấn đề này, ông Nguyễn Điền Khoán (N.Đ.K), Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tiền Giang cho biết:
Năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bảo đảm cung cấp đủ điện cho cả nước nói chung và cho miền Nam nói riêng nên không có phân bổ công suất và sản lượng điện đầu nguồn cho các công ty điện lực như những năm trước đây. Tình hình cung cấp điện vẫn bình thường như năm 2013, tức là không có hạn chế công suất hay sản lượng điện.
Năm 2014, Tổng công ty Điện lực miền nam (SPC) đã giao chỉ tiêu kế hoạch điện thương phẩm cho Công ty Điện lực Tiền Giang (PCTG) là 1,92 tỷ kWh, tăng 14% so với năm 2013. Để thực hiện đạt chỉ tiêu này, ngoài sự phấn đấu của tập thể cán bộ, nhân viên của PCTG, thì cũng mong quý khách hàng dùng điện hạn chế sử dụng các thiết bị có công suất lớn như:
Bàn ủi, máy lạnh, lò nướng... vào giờ cao điểm tối (từ 18 - 22 giờ), đặc biệt là khu vực dùng điện để xông thanh long của huyện Chợ Gạo như ở các xã: Quơn Long, Tân Thuận Bình, Đăng Hưng Phước, Tân Bình Thạnh, Mỹ Tịnh An, Lương Hòa Lạc và xã Đồng Sơn của huyện Gò Công Tây... để tránh quá tải cục bộ các trạm biến áp 110kV.
* Phóng viên (P.V): Ông có thể cho biết những phương án nào mà PCTG sẽ thực hiện để đảm bảo đủ nguồn điện cung cấp cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh?
* Ông N.Đ.K: PCTG phối hợp với Công ty Lưới điện cao thế miền Nam thực hiện bảo trì mùa khô các trạm biến áp 110kV, tăng cường công suất các trạm biến áp 110kV Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Tho và KCN Tân Hương. Bên cạnh đó, các Điện lực huyện (thị, thành) thực hiện bảo trì, sửa chữa lưới điện trung hạ thế trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, PCTG đầu tư xây dựng mới, cải tạo, tăng cường tiết điện dây dẫn hàng trăm tuyến đường dây điện trên phạm vi cả tỉnh, với số vốn khoảng 50 tỷ đồng để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của người dân và phục vụ sản xuất cho các KCN, cụm công nghiệp và khu vực dùng điện để xông thanh long của huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Tây như đã nói ở trên.
Công nhân Tổng Công ty Điện lực miền Nam vận hành trạm biến thế cung cấp điện tại tỉnh Tiền Giang. |
* P.V: PCTG có những khuyến cáo gì trong việc thực hiện tiết kiệm điện, thưa ông?
* Ông N.Đ.K: Trong năm 2013, tỉnh Tiền Giang đã tiết kiệm được 39 triệu kWh điện, chiếm 2,35% sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh. Trong năm 2014, tỉnh Tiền Giang phải tiết kiệm khoảng 45 triệu kWh điện. Để thực hiện được chỉ tiêu này, trước hết phải thực hiện tốt Chỉ thị 03/CT-UBND ngày 21-2-2012 của UBND tỉnh về thực hiện tiết kiệm điện và an toàn điện trong sử dụng điện.
Về cách làm, PCTG đã phối hợp với các đoàn thể của tỉnh như: Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh để tuyên truyền và phát tài liệu hướng dẫn cách làm đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Mặt khác, hiện nay người dân trồng thanh long ở tỉnh Bình Thuận, Long An và một số hộ ở huyện Chợ Gạo đã dùng đèn compact 20W thay cho đèn sợi đốt 60W để xông thanh long, hiệu quả mang lại tương đương với dùng đèn sợi đốt 60W. Việc làm này tiết kiệm được 2/3 lượng điện cho vụ xông; đồng thời tiết kiệm được 2/3 vốn đầu tư trạm biến áp và đường dây điện.
Do đó, bà con xông thanh long ở huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Tây nên mạnh dạn chuyển đổi đèn xông thanh long từ đèn sợi đốt 60W sang đèn compact 20W để tiết kiệm điện, tiết kiệm tiền đầu tư cho bản thân; đồng thời cũng mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
PHƯƠNG NGHI (thực hiện)