Thứ Tư, 05/03/2014, 13:43 (GMT+7)
.

Phó GĐ Sở NN&PTNT:Muốn ăn gà,vịt nên chọn gia cầm có nguồn gốc rõ ràng

Nguy cơ phát sinh và lây lan các loại dịch cúm gia cầm là rất cao. Bởi thời gian gần đây, dịch cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện tại một số tỉnh trong khu vực, nhất là các tỉnh, thành lân cận như: TP. Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long, Long An…

Trong số đó, đã có một số tỉnh công bố dịch như: Long An, Vĩnh Long. Đáng nói là từ đầu năm đến nay, dịch cúm gia cầm H5N1 đã làm 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Đồng Tháp và Bình Phước.

Cả 2 trường hợp tử vong này đều có tiếp xúc trực tiếp đối với gia cầm. Ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, các ngành chức năng của tỉnh đang theo dõi sát sao tình hình diễn biến của loại dịch bệnh hết sức nguy hiểm này để có giải pháp ứng phó kịp thời.

* Phóng viên (P.V): Thưa ông, các loại dịch cúm gia cầm đang diễn biến như thế nào đối với tỉnh ta?

* Ông Lê Minh Khánh (L.M.K): Từ ngày 20-1-2013 đến 4-2-2014, Chi cục Thú y tỉnh xác minh 5 trường hợp gia cầm và chim cút có dấu hiệu bệnh cúm rải rác tại 4 xã của 3 huyện Châu Thành, Gò Công Tây và Chợ Gạo. Sau khi phát hiện, tất cả các đàn gia cầm và chim cút nói trên được Ban Chỉ đạo địa phương tiêu hủy. Từ ngày 4-2 đến nay, Tiền Giang không ghi nhận trường hợp nào mới.

Có thể nói, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh ta còn nằm trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn xảy ra ở vài hộ lẻ tẻ do không tiêm ngừa cúm gia cầm và không áp dụng chăn nuôi theo kiểu an toàn sinh học. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi đã ban hành nhiều quy định, công văn để tăng cường phòng, chống dịch.

* P.V: Biểu hiện của dịch cúm A/H5N1, A/H7N9 trên đàn gia cầm như thế nào, thưa ông?

* Ông L.M.K: Đến giờ này, cả nước chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm cúm A/H7N9. Bởi nó không biểu hiện lâm sàng, chỉ phát hiện khi ngành Thú y lấy mẫu trên đàn gia cầm gửi xét nghiệm. Còn cúm A/H5N1 thì gia cầm có biểu hiện xù lông, ủ rủ, mồng tích tím tái, xệ cánh, mắt đục, có dấu hiệu thần kinh, bị xuất huyết da chân… Khi mổ khám thì các phủ tạng bị xuất huyết toàn bộ. Muốn chẩn đoán đúng bệnh thì chúng ta phải lấy mẫu gia cầm gửi xét nghiệm thì mới biết.

* P.V: Dưới góc độ là nhà chuyên môn, ông có khuyến cáo gì đối với người nuôi gia cầm cũng như sử dụng gia cầm trong giai đoạn hiện nay?

* Ông L.M.K: Thời gian qua, đa số những ổ dịch xuất hiện đều ở những đàn gia cầm chưa qua tiêm phòng hoặc chăn nuôi không áp dụng mô hình an toàn sinh học. Những ổ dịch phát sinh không chỉ do khách quan mà còn do chủ quan của người chăn nuôi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của các hộ chăn nuôi khác do giá cả giảm sút. Vì vậy, người chăn nuôi phải hợp tác với ngành Thú y để khi xảy ra dịch thì xử lý nhanh, không để lây lan sang các hộ khác.

Từ đó, giá gia cầm mới có thể ổn định và tránh thiệt hại về mặt kinh tế cho người nông dân. Còn việc muốn ăn gà, vịt trong mùa dịch thì bà con nên chọn gia cầm có nguồn gốc rõ ràng. Không ăn gà, vịt có mồng tích tím tái, xù lông… và chết. Ngoài ra, người dân không ăn những gia cầm khỏe mạnh nhưng trong đàn có các biểu hiện như trên và chết. Tuyệt đối không ăn tiết canh vịt cho dù nó khỏe mạnh.

* P.V: Thưa ông, đang vào mùa dịch, việc quản lý những đàn vịt chạy đồng đang đổ về tỉnh ta như thế nào?

* Ông L.M.K: Chúng ta đang vào mùa thu hoạch lúa đông xuân 2013-2014. Vì vậy, những đàn vịt chạy đồng đang đổ về các huyện Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phước rất nhiều. Theo thống kê có khoảng 100 đàn, với 200 ngàn con vịt từ khắp nơi đang đổ về đây.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi đã chỉ đạo cho Ban Chỉ đạo các huyện, thị, thành phải kiểm tra nghiêm ngặt những đàn vịt chạy đồng này. Nếu những đàn vịt nào có biểu hiện bệnh cúm thì buộc tiêu hủy hoàn toàn, còn những đàn chưa có giấy tiêm phòng thì bắt buộc phải tiêm phòng mới cho chạy đồng ở tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh ta cũng đã phát hiện và xử lý 20 trường hợp không có giấy tờ hợp lệ. Tuy nhiên, việc quản lý vịt chạy đồng vô cùng khó khăn bởi đặc thù của người nuôi vịt chạy đồng theo mùa, nay đây mai đó. Nhiều khi phát hiện đàn vịt chạy đồng không qua tiêm phòng thì họ đã trốn đi khỏi địa bàn và sau đó lén lút trở lại nên rất khó kiểm soát.

Ngoài ra, khó khăn lớn nhất là tỉnh ta có nhiều sông ngòi chằng chịt, việc vận chuyển những đàn vịt chạy đồng bằng phương tiện đường thủy cũng gây nhiều bất cập cho công tác phòng, chống dịch.

* P.V: Xin cảm ơn ông!

SN (thực hiện)

.
.
.