Thứ Hai, 28/04/2014, 10:22 (GMT+7)
.
BÀ CHÂU THỊ MỸ PHƯƠNG, BÍ THƯ THỊ ỦY CAI LẬY:

Thành lập thị xã Cai Lậy sẽ tạo động lực phát triển mới

Việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Cai Lậy để thành lập thị xã Cai Lậy và huyện Cai Lậy theo Nghị quyết 130/NQ-CP ngày 26-12-2013 của Chính phủ đang được kỳ vọng sẽ mang lại sức bật mới cho Cai Lậy - vùng đất phía Tây của tỉnh Tiền Giang. Trong đó, việc thành lập thị xã Cai Lậy là sự cần thiết, tạo niềm vui chung cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương.

Đây là sự kiện trọng đại của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Cai Lậy trong tiến trình phát triển và hội nhập. Trước thềm lễ công bố Nghị quyết 130/NQ-CP của Chính phủ, bà Châu Thị Mỹ Phương, Bí thư Thị ủy Cai Lậy cho biết:

Một Đảng bộ, chính quyền mới thành lập sẽ không tránh khỏi những khó khăn, thách thức. Thị xã Cai Lậy cũng vậy, bên cạnh những thuận lợi cũng còn những khó khăn nhất định. Đó là nông nghiệp hiện chưa định hướng phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị và chiếm tỷ trọng khá cao; việc di dời và chuẩn bị quỹ đất cho việc xây dựng cụm công nghiệp còn nhiều khó khăn; dịch vụ tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững; quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ; kết cấu hạ tầng tuy có nhiều nỗ lực trong đầu tư nhưng vẫn còn thiếu nhiều cơ sở căn bản, chưa hình thành được các khu điểm hạt nhân phát triển với quy mô lớn làm động lực phát triển cho toàn nền kinh tế của thị xã.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị còn thiếu và do có sự thay đổi nên nhiều cán bộ trẻ được phân công nhiệm vụ ở những lĩnh vực mới, chưa có nhiều kinh nghiệm...

* Phóng viên (P.V): Vậy đâu là những giải pháp để Đảng bộ, chính quyền thị xã Cai Lậy vượt qua khó khăn, thưa bà?

* Bà Châu Thị Mỹ Phương: Đứng trước những khó khăn trên, trước mắt Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thị ủy Cai Lậy sẽ tập trung củng cố, ổn định tổ chức bộ máy lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức; rà soát, bổ sung quy hoạch, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn những cán bộ có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bên cạnh đó, sẽ sử dụng và đề bạt những cán bộ có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt vào những cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị của thị xã; phát huy cao độ trí tuệ tập thể, giữ vững sự đoàn kết nhất trí, vận dụng đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.

Mỗi cán bộ, công chức của Thị xã Cai Lậy sẽ lấy phương châm hoạt động hướng về dân, lấy mục đích vì dân mà phục vụ trong thực thi công vụ; đồng thời xây dựng quy chế, chương trình làm việc, quy chế phối hợp, ban hành nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị cho phù hợpvới tình hình mới của địa phương.

Song song đó, thị xã Cai Lậy sẽ chú trọng nhiệm vụ quản lý đô thị, huy động mọi nguồn lực của ngành, địa phương và nhân dân đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kết hợp với lãnh đạo phát triển nguồn nhân lực, nhằm thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt là ưu tiên đầu tư các công trình giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, phúc lợi, y tế, văn hóa, giáo dục; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, an ninh trật tự, tạo môi trường kinh tế - xã hội thuận lợi, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

* P.V: Bà có thể cho biết sau khi thành lập thị xã Cai Lậy sẽ có những định hướng phát triển cơ bản nào?

   * Bà Châu Thị Mỹ Phương: Khi thị xã Cai Lậy được thành lập sẽ trở thành trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thương mại, dịch vụ trọng điểm ở khu vực phía Tây tỉnh Tiền Giang; gắn phát triển của thị xã Cai Lậy trong mối quan hệ tổng thể với tỉnh, với các huyện phía Tây và TP. Mỹ Tho để thu hút vốn đầu tư vào công nghệ mới, nhất là đầu tư cho công nghiệp và dịch vụ.

Mục tiêu tổng quát của thị xã Cai Lậy là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững. Phấn đấu thu nhập bình quân của người dân từng bước bằng và cao hơn mặt bằng phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Nâng cao mọi mặt về đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - nông nghiệp - công nghiệp vào năm 2020 và dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp vào năm 2030.

Tăng cường đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị hóa đồng bộ với quá trình phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt tiêu chí đô thị loại III sau năm 2020. Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho thị xã mà còn cho vùng phía Tây của tỉnh. Kiểm soát hiệu quả môi trường đô thị và công nghiệp; ứng phó hiệu quả đối với tác động biến đổi khí hậu và quốc phòng, an ninh được đảm bảo.

* P.V: Xin cảm ơn bà!

HỮU NGHỊ (thực hiện)

.
.
.