Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông:Tập trung thực hiện các giải pháp thoát nghèo
Tân Phú Đông có tỷ lệ hộ nghèo cao; sản xuất, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Từ khi thành lập huyện, nhất là khi có Quyết định 615/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đưa Tân Phú Đông vào diện hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, Đảng bộ, chính quyền địa phương tranh thủ các nguồn hỗ trợ, tập trung thực hiện các giải pháp giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.
Kết quả của những nỗ lực trên trong 6 năm qua (3 năm có ngân sách Trung ương hỗ trợ) rất đáng ghi nhận. Nói về kết quả này, ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết:
Toàn huyện có trên 45 ngàn dân. Khi thành lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chiếm 52%, hộ cận nghèo chiếm 12%. Ngay từ đầu, huyện đã xác định nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cù lao.
Bằng nhiều giải pháp, chính sách từ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đến hỗ trợ sản xuất, giáo dục, y tế, tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, nhà ở; thu hút cán bộ, trí thức trẻ cùng với các chính sách giảm nghèo khác đã và đang triển khai trên địa bàn như trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo…
Huyện đã giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong những năm qua. Cụ thể, sau 6 năm thành lập, huyện đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 52% xuống còn 33%. Đặc biệt, chỉ riêng năm 2013, toàn huyện đã có 682 hộ thoát nghèo.
* Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết thêm về việc triển khai và những kết quả bước đầu thực hiện đề án giảm nghèo bền vững của huyện?
*Ông Đoàn Văn Thơ: Để triển khai Quyết định 615 có hiệu quả, huyện đã xây dựng Đề án giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và đã được phê duyệt. Triển khai đề án, chúng tôi tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh; triển khai các chính sách hỗ trợ trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe, tín dụng… cho các hộ nghèo, cận nghèo. Theo đề án, tổng vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn từ năm 2011 - 2015 là 467 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết 30a về đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện theo Quyết định 615/QĐ-TTg, 3 năm qua Tân Phú Đông được Trung ương hỗ trợ 52,7 tỷ đồng. Cùng với nỗ lực đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, khắc phục khó khăn, phát triển kinh tế - xã hội, huyện đặc biệt chú trọng đến công tác giảm nghèo, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Từ ngân sách Trung ương, huyện hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; miễn giảm học phí cho những học sinh thuộc đối tượng này; mở 56 lớp dạy nghề về tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp cho lao động nông thôn. Từ ngân sách địa phương, hàng năm huyện bố trí 30 triệu đồng, mỗi xã bố trí 3 triệu đồng để thực hiện Chương trình Quốc gia Giảm nghèo - Việc làm.
Ngoài nguồn vốn theo đề án, huyện còn được hỗ trợ vốn bãi ngang ven biển cho 6/6 xã trong huyện từ nguồn vốn mục tiêu của ngân sách Trung ương. Từ năm 2008 - 2013, nguồn vốn này đã đầu tư và đưa vào sử dụng 43 công trình với tổng kinh phí 28 tỷ đồng. Các công trình đều đạt hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích cho người dân.
Chương trình Giảm nghèo - Việc làm của tỉnh triển khai trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân nói chung và hộ nghèo nói riêng. Ngay đầu năm, huyện đã triển khai cho các xã công tác thoát nghèo, Đảng ủy xã có nghị quyết kiểm tra việc thoát nghèo bền vững trên địa bàn; các ngành liên quan tổ chức mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn.
Ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng, đơn vị trong và ngoài tỉnh xây dựng các mô hình tiên tiến nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Thông qua các tổ, hội, chương trình, dự án, người dân được vay ưu đãi, hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất. Từ những nỗ lực trên, từ năm 2011-2013, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 4%. Qua 3 năm triển khai đề án, huyện đã thoát nghèo trên 2.000 hộ.
* PV: Thực tế, Tân Phú Đông còn rất nhiều khó khăn trong giảm tỷ lệ hộ nghèo. Cụ thể như việc thoát nghèo chưa bền vững, tái nghèo vẫn còn diễn ra. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
* Ông Đoàn Văn Thơ: Mặc dù được lãnh đạo tỉnh, các ngành, các cấp của huyện quan tâm đến công tác giảm nghèo, thoát nghèo nhưng cũng phải thừa nhận rằng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của huyện vẫn còn cao, các hộ thoát nghèo chưa thực sự bền vững. Mặt khác, nguồn vốn Trung ương bố trí cho huyện trong 2 năm qua chưa nhiều, chỉ đạt 11% so với tổng vốn ghi trong dự án và bằng 24,7% nhu cầu vốn trong 2 năm.
Do đó, việc thực hiện đề án gặp nhiều khó khăn, không đảm bảo đúng yêu cầu đề ra. Hơn nữa, do điều kiện tự nhiên của huyện tương đối khắc nghiệt nên sản xuất của người dân gặp nhiều rủi ro. Hiện nay, cơ sở hạ tầng của huyện còn rất hạn chế, việc kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn.
* PV: Mục tiêu và giải pháp giảm tỷ lệ hộ nghèo trong thời gian tới của huyện như thế nào, thưa ông?
* Ông Đoàn Văn Thơ: Mục tiêu của huyện đề ra mỗi năm giảm 4% hộ nghèo để đến năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn còn 30% và 20% vào cuối năm 2020; huy động mọi nguồn lực xóa xong nhà thô sơ, tạm bợ cho hộ nghèo vào năm 2015. Tuy nhiên, không vì mục tiêu, thành tích mà huyện thoát nghèo bằng mọi giá. Huyện quyết tâm hạn chế thấp nhất tình trạng thoát nghèo không bền vững và tái nghèo.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND huyện sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt đề án giảm nghèo bền vững đã được phê duyệt, có giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tạo việc làm để các hộ nghèo đảm bảo thoát nghèo bền vững, không có hộ nghèo mới phát sinh.
Muốn vậy, ngoài việc đầu tư từ ngân sách, huyện tập trung xúc tiến thu hút đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân; huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội góp phần thoát nghèo bền vững hơn; đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng lợi nhiều hơn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà.
Các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, địa phương trên các lĩnh vực thời gian qua đã hỗ trợ rất lớn cho huyện phát triển kinh tế - xã hội, nâng đáng kể thu nhập bình quân đầu người của huyện (năm 2013 là 18,6 triệu đồng).
Trước mắt, huyện tiếp tục tập trung triển khai các dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi hàng hóa; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào huyện. Thông qua các chương trình, dự án thoát nghèo, tạo việc làm, huyện đẩy mạnh và đưa các hoạt động này ngày càng vào nền nếp, chú trọng chất lượng.
Ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất tiên tiến, từng bước nhân rộng mô hình luân canh lúa - thủy sản, phát triển tổ quản lý cộng đồng trong vùng nuôi thủy sản; sản xuất rau, trái cây, lúa… theo hướng an toàn bền vững, VietGAP; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.
* PV: Xin cảm ơn ông!
N.VĂN (thực hiện)