Mùa mưa sẽ bắt đầu từ đầu đến trung tuần tháng 5
Những ngày qua, mây xuất hiện nhiều và gây mưa nhiều nơi ở Nam bộ nói chung và Tiền Giang nói riêng, báo hiệu mùa mưa, bão bắt đầu. Diễn biến thời tiết năm nay sẽ như thế nào, đặc biệt là trong mùa mưa, bão là nội dung của cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Ấp Bắc với ông Võ Văn Thông, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang. Nói về diễn biến thời tiết, thủy văn từ đầu năm đến nay, ông Võ Văn Thông cho biết:
Những tháng qua, tình hình thời tiết diễn biến rất bất thường, gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh làm cho nền nhiệt Tiền Giang giảm mạnh. Nhiệt độ trung bình trong tháng 1 và 2 là 24,4 độ C, nhiệt độ thấp nhất là 17,8 độ C, gần thấp nhất trong chuỗi số liệu ghi nhận được.
Vào trung tuần tháng 3, áp cao lục địa suy yếu làm cho nền nhiệt độ trong khu vực tăng cao rõ rệt, nhiệt độ trung bình từ 27 - 28 độ C, nhiệt độ cao nhất là 34,2 độ C.
Hiện tại do ảnh hưởng bởi rìa phía Nam rãnh thấp có trục từ 4 - 6 độ vĩ Bắc, kết hợp với rìa phía Nam áp cao cận nhiệt đới Tây Thái Bình Dương, mưa xuất hiện vài nơi, lượng mưa đáng kể, có gió Nam Đông Nam.
Tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2014 diễn biến cũng khá phức tạp và bất thường. Trong tháng 1, 2 và 3, độ mặn ở các trạm vùng hạ lưu (vùng cửa sông) như trạm Vàm Kênh và Hòa Bình trên sông Cửa Tiểu đều đạt ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm.
Cụ thể, vào ngày 22-3, tại Vàm Kênh độ mặn đo được 23,6%, thấp hơn năm 2013 là 1,4%; Hòa Bình 12,8%, thấp hơn năm 2013 là 0,9%. Tuy nhiên, mặn lại không xâm nhập sâu vào nội đồng. Ranh mặn 1% ở cách cửa sông khoảng 40 km như An Định cách cửa sông 43 km có độ mặn 0,8% vào ngày 22-3, thấp hơn cùng kỳ năm 2013 là 3%.
Trong tuần cuối tháng 4 tới đến những ngày đầu tháng 5, khu vực Tiền Giang sẽ có mưa chuyển mùa. Từ ngày 5 đến 15-5, các huyện phía Tây của tỉnh và TP. Mỹ Tho sẽ lần lượt bắt đầu vào mùa mưa; còn khu vực phía Đông mùa mưa sẽ bắt đầu muộn hơn các huyện phía Tây từ 3 - 5 ngày.
* Phóng viên (PV): Trên cơ sở đó, ông dự báo gì về mùa mưa năm nay, thưa ông?
* Ông Võ Văn Thông: Mùa mưa năm 2014 bắt đầu xấp xỉ và muộn hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 7 ngày và muộn hơn năm 2013 từ 5 - 10 ngày. Các tháng trong mùa mưa có tổng lượng mưa đều xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm. Trong đó, nửa đầu mùa, lượng mưa phổ biến thấp hơn một ít so với trung bình nhiều năm; nửa cuối mùa ở mức xấp xỉ với trung bình cùng kỳ năm trước. Trong mùa mưa có thời kỳ ít mưa (hạn bà chằng) vào tháng 7 và tháng 8.
* PV: Vậy còn lũ năm nay sẽ diễn biến thế nào, thưa ông?
* Ông Võ Văn Thông: Năm 2014, sông Cửu Long không có khả năng lũ vào đầu mùa (mực nước tại Tân Châu đạt 3 m). Dự báo, mực nước cao nhất của năm 2014 trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc đạt từ báo động 2 đến báo động 3, tức là từ 4 - 4,5 m, xấp xỉ năm 2013 và xuất hiện vào cuối tháng 9 đến đầu tháng 10.
Mực nước lũ vùng nội đồng Tây Bắc của Tiền Giang tại Trạm Hậu Mỹ Bắc đạt từ 1,8 - 2 m, xuất hiện vào tuần cuối tháng 10. Mực nước triều tại Mỹ Tho đạt từ 1,65 - 1,75 m, xấp xỉ và thấp hơn năm 2013 (cao hơn báo động 3 từ 5 - 15 cm), xuất hiện vào tuần cuối tháng 10 (kỳ triều cường đầu tháng 9 âm lịch).
* PV: Ông có thể cho biết về dự báo bão, áp thấp nhiệt đới năm 2014?
* Ông Võ Văn Thông: Trong năm 2014, dự báo có từ 9 - 10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1 - 2 cơn. Trong đó, có từ 4 - 5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, thấp hơn trung bình nhiều năm một ít. Cần đề phòng thời gian cuối mùa có những cơn bão ảnh hưởng đến khu vực từ Nam Trung bộ đến Nam bộ.
* PV: Trước những dự báo về diễn biến bất thường, phức tạp của thời tiết, thủy văn năm 2014, ông có những khuyến cáo gì để người dân chủ động phòng tránh, giảm thiệt hại thấp nhất khi thiên tai có thể xảy ra?
* Ông Võ Văn Thông: Trong tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp và bất thường, cường độ của bão ngày càng mạnh lên, đường đi của bão có nhiều dị thường hơn, không theo quy luật của khí hậu hoặc bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng dồn dập trong thời gian ngắn, người dân cần đề phòng và chủ động ứng phó để giảm thiệt hại thấp nhất khi xảy ra; đồng thời, người dân cần đề phòng lốc xoáy và gió giật mạnh xảy ra trong thời gian đầu mùa mưa, rất nguy hiểm đến tính mạng con người.
* PV: Xin cảm ơn ông!
N.VĂN (thực hiện)