Chiến dịch Điện Biên Phủ - Đỉnh cao nghệ thuật quân sự Việt Nam
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo. Ảnh: Phương Liên |
Phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, PGS. TS Vũ Quang Đạo, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam về sự phát triển vượt bậc của quân sự Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện qua nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.
Phát huy cao nhất sức mạnh tác chiến hợp đồng binh chủng
Theo Thiếu tướng Vũ Quang Đạo, chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Lực lượng ta tham gia chiến dịch, bên cạnh các đại đoàn bộ binh (9 trung đoàn), có một Đại đoàn Công - Pháo (351) và một trung đoàn pháo cao xạ (367).
So sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch ở chiến trường Điện Biên Phủ, ta có ưu thế về bộ binh, lực lượng pháo binh ta và địch tương đương nhau; về phương tiện chiến đấu, địch chiếm ưu thế tuyệt đối về xe tăng và máy bay. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng trong chiến đấu chính là việc sử dụng lực lượng, vận dụng cách đánh chiến dịch phù hợp.
Thực hiện phương châm chiến dịch "đánh chắc, tiến chắc", quân ta đã phát huy được sức mạnh tác chiến hiệp đồng binh chủng, mà chủ yếu là giữa bộ binh, pháo binh và phòng không bắn phá chi viện, bảo vệ đội hình cho bộ binh.
Trong đợt 1 của chiến dịch (13 đến 17-3-1954), ta đã tập trung được ưu thế binh hỏa lực, tiêu diệt được 3 cụm cứ điểm ngoại vi phía Bắc. Tỷ lệ binh lực trong các trận cụ thể là: trận Him Lam: địch 1/ta 3; trận đồi Độc Lập: địch 1/ta 4,5; trận Bản Kéo: địch 1/ta 3.
Riêng trận then chốt mở đầu chiến dịch (Him Lam), so sánh pháo cối trực tiếp chi viện đánh vào mục tiêu ta hơn địch 10 lần. Nếu tính cả nhiệm vụ chế áp các mục tiêu khác, ta hơn địch 2,6 lần. Do ta tập trung tiêu diệt từng cụm cứ điểm, cho nên pháo binh có điều kiện thuận lợi chi viện cho bộ binh trong từng trận đánh.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo phân tích: Thắng lợi của ta trong đợt 1 chiến dịch đã thể hiện rõ sự hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, tạo ưu thế binh hỏa lực hơn hẳn địch, dứt điểm từng cụm cứ điểm, vừa chiến đấu vừa rút kinh nghiệm trận trước cho trận sau, củng cố lực lượng sau từng trận, từng đợt chiến dịch và có điều kiện chuẩn bị cho bước tiếp theo.
Cách đánh đó chính là bước phát triển của nghệ thuật chiến dịch trong một chiến dịch tiến công trận địa quy mô lớn nhất của quân đội ta trong kháng chiến chống Pháp; được đánh dấu bằng việc xác định đúng phương châm tác chiến chiến dịch "đánh chắc, tiến chắc".
Tuy nhiên, trong đợt 2 chiến dịch (30-3 đến 30-4-1954), nguyên tắc và kinh nghiệm tập trung binh hỏa lực đã không được quán triệt và thực hiện đầy đủ khi tiến công cụm điểm cao phía đông, do đó, quân ta gặp nhiều khó khăn và chịu tổn thất nặng.
Chỉ riêng trận đánh đồi A1, ta sử dụng một trung đoàn (174) tiến công vào cụm cứ điểm có boongke, hầm ngầm kiên cố, pháo binh bắn phá không tập trung, nhất là ngăn chặn lực lượng địch phản kích, nên trong ba đêm liên tiếp (hai đêm sau tăng cường Trung đoàn 102) ta không thể đánh chiếm được cụm cứ điểm này.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm chiến trường Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu |
Như thế, vấn đề vận dụng cách đánh chiến dịch phù hợp, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, chu đáo, tập trung được binh hỏa lực chính là nghệ thuật giành thắng lợi trong chiến dịch đánh công kiên dài ngày, tiêu diệt sinh lực lớn của đối phương.
Vận dụng sáng tạo nhiều cách đánh
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo cho biết, chọn cách đánh hiểm, phát huy uy lực của mọi thứ hỏa khí, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của đối phương là bước phát triển trong chỉ đạo cách đánh chiến dịch giai đoạn sau của đợt 2 chiến dịch Điện Biên Phủ. Ta chủ trương dùng lực lượng nhỏ, hoạt động rộng rãi dưới các hình thức đánh lấn, phá hủy từng ụ đề kháng, kết hợp với tổ chức lực lượng bắn tỉa tiêu hao lực lượng địch, làm cho sinh lực của chúng hao mòn, tinh thần luôn căng thẳng.
Cùng với đó, ta đánh chiếm sân bay, thắt chặt vòng vây, thu hẹp không phận, triệt tiếp tế đường không (con đường tiếp tế duy nhất) để đánh vào "dạ dày" của đối phương. Điều kiện để vận dụng cách đánh này là không ngừng đưa trận địa tiến công và bao vây ngày càng áp sát địch, hạn chế uy lực không quân và pháo binh của chúng.
Thực hiện chủ trương tác chiến mới, từ giữa tháng 4-1954, quân ta đã từng bước làm thay đổi cục diện chiến trường. Với cách đánh hiểm, thêm cả hệ thống giao thông hào, chiến hào và các mũi tiến công thọc sâu của ta chia cắt, cô lập phía Đông và Tây sân bay, phía Nam và Bắc tập đoàn cứ điểm, khiến cho quân Pháp rơi vào thế khốn đốn, tinh thần ngày càng sa sút, tiếp tế ngày càng khó khăn. Đến cuối tháng 4, ta đã hình thành thế trận uy hiếp mạnh phân khu trung tâm Mường Thanh và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện chắc thắng để chuyển sang đợt tiến công cuối cùng.
Bước vào đợt 3 của chiến dịch (1-5 đến 7-5-1954), trên cơ sở kết quả chiến đấu của 2 đợt trước, quân ta tiếp tục đánh chiếm cụm cứ điểm cuối cùng của quân Pháp ở phía Đông, chuyển sang tổng công kích đánh chiếm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào chiều 7-5.
Điểm phát triển đặc sắc của nghệ thuật chiến dịch trong đợt 3 là xác định đúng thời cơ đánh đòn quyết định cuối cùng. Thời cơ đúng là khi phát hiện địch có triệu chứng tháo chạy, lập tức hình thành lực lượng thọc sâu, tiến thẳng vào Sở chỉ huy của đối phương, bắt tướng chỉ huy và Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Thiếu tướng Vũ Quang Đạo khẳng định, thắng lợi oanh liệt của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu đỉnh cao phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Và đối với thực dân Pháp, thất bại ở Điện Biên Phủ là hệ quả tất yếu của những toan tính chiến lược sai lầm, mà trên hết, Pháp đã không thấy hết sức mạnh của một dân tộc đã kiên quyết đứng lên cầm súng chiến đấu bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc; không đánh giá đúng sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đảng tiên phong và lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh.
(Theo chinhphu.vn)