KH và CN là động lực thúc đẩy phát triển theo hướng CNH, HĐH
KHCN có vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong giai đoạn đất nước thực hiện công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bởi vì KHCN vừa là động lực vừa là lực lượng trực tiếp sản xuất vật chất. Như Đảng ta đã khẳng định: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phải bằng và dựa trên KHCN.
* Phóng viên: Cụ thể trên địa bàn Tiền Giang, KHCN đã đóng góp thế nào vào việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa ông?
* Ông Dương Văn Bon: Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ khoa học và công nghệ cùng với sự nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, hoạt động KHCN không ngừng phát triển, đóng góp thiết thực, hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong lĩnh vực nông nghiệp: Đã nghiên cứu tuyển chọn, ứng dụng giống cây trồng và vật nuôi mới, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong nuôi trồng nhằm tăng năng suất, chất lượng và hạn chế dịch bệnh, triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện một số trái cây đặc sản của tỉnh, xây dựng mô hình sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm như lúa, vú sữa, xoài cát Hòa Lộc, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo, sơ-ri Gò Công… theo tiêu chuẩn GlobalGAP, rau theo tiêu chuẩn VietGAP, cá tra theo tiêu chuẩn SQF 1000CM, xây dựng vùng nuôi an toàn dịch bệnh... đã được chứng nhận và đang mở rộng ra các lĩnh vực khác.
Trong sản xuất công nghiệp: Đã làm tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như Doanh nghiệp Tư Sang cải tiến máy gặt đập liên hợp; Công ty Thuận Phong đầu tư đổi mới công nghệ dây chuyền sản xuất sấy bánh tráng, hủ tiếu; Công ty Giang Mây Việt cải tiến hệ thống sơn tĩnh điện tự động…;
Áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý chất lượng quốc tế và tham gia Giải thưởng chất lượng quốc gia; bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, nhất là đã hình thành chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện sản phẩm chủ lực, tập trung đưa KHCN thúc đẩy các sản phẩm, các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, triển khai các dự án ứng dụng công nghệ mới...
Hỗ trợ triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm - hiệu quả, sản xuất sạch hơn.
Theo dõi quá trình nghiên cứu cây giống theo hướng phát triển xanh - bền vững. |
Trong lĩnh vực văn hóa - xã hội: Các đề tài nghiên cứu đã góp phần đáng kể vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc, của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, đẩy mạnh áp dụng Bộ Tiêu chuẩn ISO trong các cơ quan hành chính, giải pháp thu hút đầu tư, phát huy dân chủ cơ sở... đáp ứng phần nào yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Ngày 18-5-1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp các nhà khoa học tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Nhất của Hội Phổ biến khoa học - kỹ thuật Việt Nam. Tại đại hội này, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài phát biểu quan trọng, định hướng cho hoạt động KHCN của nước nhà. Người nói: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động, không ngừng cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. Bài phát biểu của Bác rất cô đọng, súc tích nhưng lại rất dễ hiểu, dễ tiếp thu. Người đã chỉ rõ nguyên lý, phương châm và sứ mệnh cao cả của KHCN. Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử nêu trên, nhằm luật hóa Ngày KHCN Việt Nam, ngày 18-6-2013, tại kỳ họp thứ 5, Quối hội khóa XIII đã thông qua Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi). Đây là văn bản rất quan trọng đối với ngành KHCN, được kỳ vọng là sẽ đem đến một luồng gió mới cho nền KHCN nước nhà. Điều 7, Luật KHCN năm 2013 ghi rõ: “Ngày 18-5 hàng năm là Ngày KHCN Việt Nam”. Năm 2014 là năm đầu tiên Bộ KHCN tổ chức Ngày KHCN Việt Nam, với chủ đề : “Khoa học và công nghệ - động lực phát triển nhanh và bền vững”, nhằm làm thay đổi nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của KHCN, nâng cao vị thế của KHCN trong xu thế phát triển và hội nhập chung của nền kinh tế. |
Nhìn chung, hoạt động KHCN trong những năm gần đây đã chuyển dần đưa các sản phẩm đặc sản có thế mạnh của tỉnh phát triển theo hướng mở rộng về quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ và phát triển tài sản sở hữu trí tuệ, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và hội nhập.
Nguồn nhân lực KHCN không ngừng phát triển cả về số lượng, chất lượng và trình độ, thực hiện tốt chức năng tham mưu trong việc cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước kịp thời và phù hợp với điều kiện của địa phương.
* Phóng viên: Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là ngành KHCN của tỉnh trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
* Ông Dương Văn Bon: Bên cạnh những thành tựu đạt được, hoạt động KHCN trong thời gian qua cũng còn có những mặt hạn chế cần sớm khắc phục như:
Công tác tham mưu, đề xuất các chính sách đẩy mạnh các hoạt động KHCN tại địa phương trong thời kỳ hội nhập còn chậm và chưa đồng bộ;
Một số ngành, địa phương chưa xem KHCN là nội dung quan trọng, là yếu tố quyết định thành công trong việc xây dựng, triển khai các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án... của ngành, địa phương mình;
Sự chuyển hướng hoạt động KHCN theo hướng ứng dụng công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu, hoạt động quản lý nhà nước về khoa học công nghệ chuyển biến còn chậm theo cơ chế thị trường; đặc biệt trong hoạt động nghiên cứu triển khai còn nặng về quản lý theo kiểu hành chính;
Hoạt động thông tin - truyền thông, phổ biến các thành tựu KHCN đến người sản xuất chưa kịp thời, một số đề tài hiệu quả ứng dụng chưa cao...
* Phóng viên: Ông có thể cho biết, để khắc phục hạn chế này, cần có những giải pháp gì và định hướng phát triển của ngành trong thời gian tới ra sao, đặc biệt là vai trò làm động lực cho việc phát triển kinh tế của tỉnh nhanh và bền vững?
* Ông Dương Văn Bon: Nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế trong thời gian tới, ngành KHCN phấn đấu thực hiện tốt vai trò là nền tảng và là động lực để đưa tỉnh nhà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Ngành KHCN chủ trì và phối hợp các ngành, các cấp chính quyền xây dựng Chương trình phát triển KHCN của tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, trong đó tập trung một số định hướng lớn sau đây:
Tham mưu cho Tỉnh ủy và UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển KHCN như: Cụ thể hóa Nghị quyết 20 của Trung ương, Nghị quyết 46 của Chính phủ về phát triển KHCN phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; chính sách phát triển tiềm lực KHCN đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn tới (bao gồm nguồn nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ, cơ sở thí nghiệm, các tổ chức KHCN, đa dạng nguồn tài chính...);
Đề xuất chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế nghiên cứu áp dụng thành tựu KHCN, đổi mới công nghệ phục vụ cho sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới; chính sách áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa; chính sách bảo hộ và quảng bá thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp; chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp KHCN...
Quy hoạch và hỗ trợ đầu tư nâng cao năng lực các tổ chức hoạt động KHCN chung của tỉnh và các tổ chức chuyển giao KHCN chuyên ngành, đưa các tổ chức này phát triển theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm và hướng đến hình thành doanh nghiệp KHCN, thực hiện tốt hoạt động chuyển giao tiến bộ KHCN phục vụ sản xuất.
Thành lập Khu thực nghiệm công nghiệp. Tăng cường các dự án hợp tác quốc tế về KHCN, tiếp thu chọn lọc những thành tựu KHCN phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, qua đó đào tạo cán bộ, nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý và nghiên cứu KHCN...
Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trên, không chỉ ngành KHCN mà tất cả các ngành, các cấp chính quyền phải tăng cường phối hợp chỉ đạo đối với hoạt động KHCN, coi việc phát triển KHCN là nhiệm vụ quan trọng của từng ngành, từng cấp và phải gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
* Phóng viên: Xin cảm ơn ông!
DUY SƠN (thực hiện)