Quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề, bảo vệ TN-MT trên biển, đảo
Mục tiêu của nước ta là đến năm 2020 trở thành Quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền Quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc. Xung quanh mục tiêu này, nhân Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014, phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Hồng Thủy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Bà Nguyễn Hồng Thủy cho biết :
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam được Chính phủ quy định trong Nghị định 25/2009/NĐ-CP ngày 6-3-2009 và được tổ chức từ ngày 1 đến ngày 8 - 6 hàng năm để hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) và Ngày Đại dương thế giới (8-6).
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam hàng năm là dịp để Việt Nam khẳng định tiềm lực lớn về kinh tế biển; thể hiện ý chí, quyết tâm phát triển toàn diện ngành nghề biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường vùng biển, đảo bền vững và bảo vệ vững chắc chủ quyền Quốc gia trên biển.
Hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là dịp để tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị của tài nguyên và môi trường biển, đảo, lòng tự hào, ý thức dân tộc đối với chủ quyền vùng biển của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.
Chủ đề của Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014 “Chung tay bảo vệ đại dương xanh” là theo tinh thần của Ngày Đại dương thế giới năm 2013-2014 “Cùng chung sức - Chúng ta có sức mạnh bảo vệ đại dương”.
Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014 là sự kiện quan trọng không chỉ có ý nghĩa sâu sắc và mang tầm Quốc gia mà còn có ý nghĩa cả về phương diện quốc tế. Hy vọng thông qua nhiều hoạt động như thông tin, tuyên truyền, tổ chức các phong trào văn hóa - xã hội… sẽ góp phần thay đổi nhận thức của người dân, từ đó kêu gọi mọi người dân Việt Nam cùng chung sức bảo vệ đại dương bằng những việc làm thiết thực:
Làm sạch bãi biển và các khu sinh thái biển, thay đổi nhận thức, thói quen, lối sống trong cộng đồng theo hướng thân thiện với môi trường; xây dựng ý thức bảo tồn đa dạng sinh học biển; thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đang sinh sống tại các bãi ngang và hải đảo có nhiều khó khăn…
Tất cả những việc làm đó sẽ góp phần quan trọng trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo của Tổ quốc và phát huy sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam.
* Phóng viên: Để hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo, đặc biệt là khai thác bền vững và bảo vệ tài nguyên - môi trường biển, các ngành, các cấp và người dân cần phải làm gì, thưa bà?
* Bà Nguyễn Hồng Thủy: Vấn đề khai thác tài nguyên và bảo vệ môi trường biển của chúng ta còn nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết như: Thông tin về tài nguyên biển còn chung chung, chưa sâu rộng nên hiểu biết của mọi người về tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển còn hạn chế.
Cần nghiên cứu phổ biến rộng rãi về đặc điểm địa chất, địa hình, khí tượng thủy văn, chất lượng môi trường nước biển, đa dạng sinh học biển cũng như những tác động bất lợi từ biển, kể cả từ góc độ biến đổi khí hậu và đưa ra giải pháp quản lý, khai thác một cách bền vững và bảo vệ môi trường biển.
Đánh giá về môi trường biển hiện nay và các tác động gây suy thoái, ô nhiễm để có giải pháp cải thiện các hệ sinh thái biển đang bị suy giảm mạnh, cũng như vai trò của rừng ngập mặn ven biển, các hệ sinh thái khác rất quan trọng trong phát triển kinh tế biển.
Vì thế, tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2014 là dịp để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền theo Kế hoạch 119/KH-UBND ngày 5-10-2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững Biển và Hải đảo Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2010 - 2015.
Tổ chức chiến dịch truyền thông rộng rãi nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như tôn vinh những giá trị của đại dương đối với sự sống của nhân loại và tính cấp thiết của việc bảo vệ đại dương.
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí chiến lược biển, đảo của nước ta; phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta trở thành Quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền Quốc gia trên biển, đảo của Tổ quốc.
Nâng cao ý thức của việc khai thác bền vững, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển, ý thức dân tộc của mỗi người dân Việt Nam đối với việc bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển trong xu thế hội nhập hiện nay; quảng bá thành tựu, thành quả cùng những kinh nghiệm từ phát triển kinh tế biển của các địa phương trong tỉnh.
Bộ đội Biên phòng Đồn 582 trồng cây bảo vệ đê biển Tân Thành. |
* Phóng viên: Phát triển kinh tế biển gắn liền với bảo vệ chủ quyền Quốc gia. Để làm tốt nhiệm vụ này, chúng ta cần có những giải pháp gì? Cụ thể thời gian qua trên địa bàn tỉnh, bảo vệ môi trường biển nhằm phát triển kinh tế biển đã có những kết quả như thế nào?
* Bà Nguyễn Hồng Thủy: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, tuyên truyền về chủ quyền Quốc gia trên biển nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, nhất là các cấp, ngành ở những địa phương ven biển nhận thức rõ tính chất quan trọng và phức tạp của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh mở cửa, hội nhập quốc tế; khẳng định, củng cố niềm tin cho nhân dân cả nước về chủ quyền của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…
Qua đó phát huy sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và của cả hệ thống chính trị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, làm cho mỗi công dân Việt Nam thấy được trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với chủ quyền biển, đảo Quốc gia.
Ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế biển, đảo và thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng ven biển, hải đảo; ưu tiên xây dựng các trung tâm dịch vụ, thành lập các tập đoàn kinh tế mạnh có đủ khả năng vươn xa, kết hợp phát triển kinh tế với làm chủ biển, đảo; ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh trên khu vực quần đảo Trường Sa và các đảo lớn xa bờ, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tốc độ sản xuất của nhân dân đang sinh sống trên các đảo và quần đảo…
Kết hợp chặt chẽ giữa thúc đẩy nhanh quá trình dân sự hóa trên biển với xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh trên biển vững mạnh, đủ khả năng bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên biển, đảo; có chính sách đặc biệt để khuyến khích mạnh mẽ nhân dân ra định cư ổn định và làm ăn dài ngày trên biển, đảo; thí điểm xây dựng các khu quốc phòng - kinh tế tại các đảo, quần đảo Trường Sa, vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Với Tiền Giang, nhằm bảo vệ vùng biển ven bờ của tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường thời gian qua thường xuyên phối hợp huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông giám sát chặt chẽ sự cố tràn đê, để từ đó thông báo cho người dân trong vùng nuôi trồng thủy sản; đồng thời tổ chức phối hợp khắc phục kịp thời sự cố không để ảnh hưởng môi trường cũng như thiệt hại lớn về kinh tế, như vụ tàu Hồng Anh có số hiệu BD 0277H chở 630 m3 dầu FO chìm tại vịnh Gành Rái; sự cố tràn dầu đầu năm 2007 tại tuyến ven biển từ miền Trung đến khu vực Nam bộ; vụ 1 container trôi dạt vào khu vực ven biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông vào ngày 29-11-2013 và vụ các vết dầu trôi dạt vào bãi biển Gò Công Đông khu vực các xã: Tân Thành, Tân Điền, Kiểng Phước, Vàm Láng vào ngày 11-3-2014.
Nhận thức được mối nguy hiểm của sự cố tràn dầu và theo hướng dẫn của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng như thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, kết hợp với đơn vị tư vấn là Trung tâm Quy hoạch và Quản Lý tổng hợp vùng duyên hải, thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam tiến hành xây dựng và triển khai nhiệm vụ “Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Tiền Giang”;
Đồng thời dự kiến trong năm 2015 sẽ xây dựng Bản đồ nhạy cảm đường bờ khu vực biển Gò Công. Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tỉnh Tiền Giang và Bản đồ nhạy cảm đường bờ nhằm mục đích nâng cao hiệu quả ứng phó sự cố tràn dầu, đáp ứng yêu cầu khắc phục, xử lý một cách phù hợp với thực tế, hạn chế thiệt hại về môi trường và thiệt hại về kinh tế khu nuôi trồng thủy sản ven bờ khi xảy ra sự cố.
* Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
DUY SƠN (thực hiện)