Ngành Thuế phấn đấu thu vượt mức kế hoạch tối thiểu 3%
Đánh giá về tình hình thu ngân sách Nhà nước (NSNN) những tháng qua, tình trạng nợ đọng thuế cũng như các giải pháp để đảm bảo kế hoạch thu ngân sách năm 2014, ông Phùng Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Thuế chia sẻ:
Nhiệm vụ năm 2014 của ngành Thuế đã được Bộ Tài chính giao theo Quyết định 2986 ngày 30-11-2013, trong đó thu thuế nội địa trên địa bàn là 2.718 tỷ đồng; chỉ tiêu mà HĐND và UBND tỉnh giao là 2.778 tỷ đồng.
Theo đó, việc triển khai dự toán thu NSNN trên địa bàn những tháng đầu năm 2014 trong bối cảnh kinh tế có nhiều tiến triển theo hướng tích cực, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhưng vẫn gặp khó khăn, thách thức, sản xuất - kinh doanh phục hồi chậm, chưa vững chắc và không đồng đều giữa các khu vực kinh tế. Tình trạng doanh nghiệp (DN) giải thể, phá sản và ngừng hoạt động vẫn tiếp tục diễn ra, nợ thuế tăng…
Bên cạnh đó, việc triển khai các chính sách thuế mới (Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, bổ sung; Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sửa đổi, bổ sung; Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi, bổ sung…); trong đó quy định một số trường hợp như DN, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ khi bán sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa qua chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường cho DN, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT (ước hụt thu đối với lĩnh vực này khoảng 300 tỷ đồng).
Các nguyên nhân trên đã tác động làm giảm nguồn thu ngân sách, tạo áp lực cho công tác thu ngân sách trong các tháng đầu năm và trong năm 2014.
Tuy nhiên, được sự quan tâm, lãnh đạo, thường xuyên và kịp thời của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp hỗ trợ của cấp ủy và chính quyền các cấp, các cơ quan, ban, ngành đối với công tác thuế và đặc biệt là sự phấn đấu quyết liệt của toàn thể cán bộ, công chức ngành Thuế, nên kết quả thu đạt khá (đạt 44,69% so kế hoạch năm 2014, đạt trên 72% so kế hoạch quý 2 và bằng 124,6 % so cùng kỳ năm 2013).
* PV: Một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến nguồn thu là tình trạng nợ thuế của các DN. Thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa ông?
* Ông Phùng Văn Minh: Tính đến thời điểm 31-5, tổng nợ thuế trên địa bàn tỉnh là 333 tỷ đồng; trong đó: Nợ khó thu (nợ của các đối tượng chết, mất tích, bỏ trốn khỏi địa bàn kinh doanh, giải thể, phá sản…) là 150 tỷ đồng; nợ có khả năng thu trên 181 tỷ đồng (trong đó có một số khó khăn về tài chính); nợ chờ xử lý là 651 triệu đồng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nợ thuế của các DN. Đó là, một số DN lâm vào tình trạng khó khăn về tài chính dẫn đến mất khả năng thanh toán, vỡ nợ, phá sản, ngừng hoạt động, tài sản thế chấp bị ngân hàng kiểm soát không có tiền nộp thuế. Số nợ thuế các năm trước chuyển sang của DN bỏ trốn khỏi địa bàn kinh doanh; DN lợi dụng tình hình khó khăn chung tự ý ngừng hoạt động không kê khai nộp thuế, không lập thủ tục giải thể, phá sản như quy định; số DN này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước và có thuế nợ khá lớn.
Một số DN chây ỳ chậm nộp tiền thuế, cơ quan thuế đã mời DN nhiều lần và cũng nhiều lần cam kết nộp, cơ quan Thuế cũng đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhưng chỉ nộp chiếu lệ, số nộp không đáng kể nên số nợ không giảm. Ngoài ra, việc thực hiện một số biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ thuế gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể, như trường hợp áp dụng biện pháp kê biên tài sản bán đấu giá tài sản kê biên để thu hồi nợ; vì đa số các loại tài sản, bất động sản của DN đều thế chấp tại các tổ chức tín dụng, nên trường hợp có phát mãi tài sản thì ngân hàng thu hồi số tiền cho vay trước nếu còn lại mới thực hiện nộp thuế (thực chất hiện nay số nợ của các DN tại các tổ chức tín dụng cao hơn số tài sản DN thế chấp nên khả năng thu hồi nợ thuế rất khó khăn).
Kê khai thuế tại Cục Thuế. |
* PV: Ngành Thuế sẽ thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì trong thời gian tới để đảm bảo kế hoạch thu NSNN?
* Ông Phùng Văn Minh: Để đảm bảo kế hoạch thu NSNN năm 2014, ngành Thuế sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu; trong đó tập trung nguồn lực thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực có dấu hiệu rủi ro cao về thuế như: chống chuyển giá, thực hiện ưu đãi thuế, giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ, DN lỗ liên tục nhưng vẫn mở rộng đầu tư, DN hoàn thuế lớn…
Tập trung chỉ đạo công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, đảm bảo thực hiện đúng, đủ các biện pháp quản lý nợ theo quy định, không để phát sinh thêm nợ mới. Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng khác thu hồi kịp thời tiền thuế nợ vào NSNN.
Triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, chỉ đạo của UBND tỉnh về những giải pháp chủ yếu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; đồng thời tranh thủ thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2013.
Tập trung nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN và các chính sách liên quan có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.
Đẩy mạnh tiến trình cải cách hiện đại hóa theo đúng lộ trình đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế phê duyệt. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính về thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế. Thực hiện tuyên ngôn ngành Thuế “Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới”.
Tổ chức kiểm tra, rà soát nắm chắc số lượng người nộp thuế và các nguồn thu trên địa bàn. Phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực để có giải pháp thu thích hợp. Đôn đốc thu kịp thời các khoản thu phát sinh và các khoản thu hết thời gian gia hạn vào NSNN. Tập trung đẩy mạnh khai thác các nguồn thu.
Làm tốt công tác tham mưu cho ban chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp NSNN năm 2014, qua đó phân tích rõ các nguồn thu, những vướng mắc để tham mưu cho ban chỉ đạo nghiên cứu xử lý thu kịp thời vào NSNN.
Căn cứ tiến độ thu trên, nếu không có sự thay đổi lớn về chính sách thuế và Bộ Tài chính điều chỉnh dự toán thu năm 2014 (do thay đổi chính sách như nêu trên), ngành Thuế Tiền Giang sẽ hoàn thành kế hoạch được giao, phấn đấu vượt mức kế hoạch tối thiểu 3%.
* PV: Xin cảm ơn ông!
THẾ ANH (thực hiện)
Sẽ công khai người nộp thuế chây ỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng Ngay từ đầu năm Cục Thuế tỉnh đã chỉ đạo các Chi cục Thuế, các phòng chức năng thuộc Cục Thuế tăng cường kiểm tra, rà soát khai thác nguồn thu; áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu đạt tỷ lệ nợ đến ngày 31-12-2014 không vượt quá 5% tổng số thu ngân sách năm theo quy định. Để đảm bảo thu hồi nợ thuế trong thời gian tới, ngành Thuế tập trung thực hiện các biện pháp như sau: Triển khai thực hiện kế hoạch chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ đọng theo Quyết định 2313 ngày 27-9-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh; tập trung chỉ đạo công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế trên địa bàn đảm bảo thực hiện đúng, đủ các biện pháp quản lý nợ đối với người nộp thuế còn nợ theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và quy trình quản lý nợ thuế, không để phát sinh thêm số nợ thuế mới; thực hiện công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ không nộp tiền thuế đúng thời hạn trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, Đài Phát thanh - Truyền hình, trang thông tin điện tử của ngành Thuế theo Điều 74 Luật Quản lý thuế. Ngoài ra, ngành Thuế sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định, cụ thể như: Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định của pháp luật để thu tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuế vào NSNN; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký DN, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề. |