Thừa phát lại hỗ trợ cho hoạt động thi hành án, tòa án
Thực hiện Đề án 126/ĐA-UBND của UBND tỉnh được Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định 2280/QĐ-BTP ngày 12-9-2013, đến nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã có 3 Văn phòng Thừa phát lại (TPL) đi vào hoạt động (ở TP. Mỹ Tho, TX. Cai Lậy và Cái Bè). Xung quanh vấn đề này, ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án thực hiện thí điểm chế định TPL tỉnh trao đổi:
TPL có các nhiệm vụ, quyền hạn như sau: Trung thực, khách quan khi thực hiện công việc; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, quy chế tổ chức, hoạt động và đạo đức nghề nghiệp TPL; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện công việc của mình.
Khi thực hiện công việc về Thi hành án dân sự (THADS), TPL có quyền như Chấp hành viên, được quy định tại Điều 20 của Luật THADS, cụ thể như sau:
+ Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án theo thẩm quyền;
+ Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục thi hành án, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp Chấp hành viên;
+ Triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc thi hành án;
+ Xác minh tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải thi hành án hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến thi hành án;
+ Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án; lập kế hoạch cưỡng chế thi hành án; thu giữ tài sản thi hành án;
+ Yêu cầu cơ quan Công an tạm giữ người chống đối việc thi hành án theo quy định của pháp luật;
+ Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về thi hành án; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm;
+ Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí thi hành án và các khoản phải nộp khác…
* PV: Với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước về hoạt động TPL, trong thời gian tới Sở Tư pháp sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ cho hoạt động TPL trên địa bàn tỉnh?
* Ông Phạm Văn Trọng: Theo quy định, công tác quản lý Nhà nước về TPL bao gồm nhiều nhiệm vụ như: Xây dựng thể chế, quy hoạch phát triển, bồi dưỡng, đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm TPL; cho phép thành lập, đăng ký hoạt động Văn phòng TPL; kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ...
Trên cơ sở đó, Sở Tư pháp tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về TPL trên địa bàn tỉnh. Với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án “Thực hiện thí điểm chế định TPL tại tỉnh Tiền Giang” nên việc hỗ trợ cho hoạt động của TPL luôn được Sở Tư pháp quan tâm thực hiện.
Trong thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp và hỗ trợ cho hoạt động của TPL, qua đó làm cơ sở để tiếp tục mở rộng việc tuyên truyền, phổ biến về hoạt động TPL trên các phương tiện thông tin đại chúng; biên soạn, in ấn, hỗ trợ tờ rơi, tờ gấp và chỉ đạo các Văn phòng TPL chủ động thực hiện thông tin, quảng bá về TPL thông qua hoạt động thực tiễn của Văn phòng.
Thông qua các hoạt động này, chắc chắn các cơ quan Nhà nước, các tổ chức và người dân sẽ hiểu rõ hơn về vai trò, công việc của TPL và sẽ có sự hợp tác tốt hơn với các Văn phòng TPL; đồng thời Sở Tư pháp chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan họp liên ngành để trao đổi thông tin và thường xuyên nắm bắt thông tin về hoạt động của TPL thông qua báo cáo tình hình hoạt động của Văn phòng TPL, công tác kiểm tra và các kênh thông tin khác để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh những thiếu sót hoặc có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của TPL.
* PV: TPL được Nhà nước giao quyền lực khá lớn. Vậy có cơ chế nào để kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực này nhằm tránh việc lạm quyền, thưa ông?
* Ông Phạm Văn Trọng: Trong các chức năng mà TPL được giao, thì việc lập vi bằng và trực tiếp tổ chức thi hành án là có phạm vi tương đối rộng. Tuy nhiên, tất cả đều có cơ chế kiểm soát, kiểm tra khá chặt chẽ. Cụ thể, về việc lập vi bằng, có cơ chế kiểm soát: Các vi bằng do TPL lập phải được lập đúng các mẫu, các quy định theo Nghị định của Chính phủ và phải được đăng ký tại Sở Tư pháp.
Trong tổ chức việc thi hành án có quy định Viện Kiểm sát nhân dân của các huyện, thành phố, thị xã trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án của các Văn phòng TPL. Đặc biệt, khi cần cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng thì phải được sự phê chuẩn của Cục trưởng Cục THADS.
Ngoài ra, các TPL là những người đã được tập huấn, chọn lọc kỹ và có phẩm chất đạo đức. Đặc biệt có sự kiểm tra, giám sát trực tiếp, thường xuyên của Sở Tư pháp đối với hoạt động của các Văn phòng TPL nên việc quản lý hiện nay được đảm bảo.
Văn phòng TPL nếu có vi phạm thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, TPL có thể còn bị xử lý bằng các hình thức như miễn nhiệm, thu hồi thẻ TPL và bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với Văn phòng TPL, tùy tính chất và mức độ vi phạm có thể bị xử lý bằng 1 trong các hình thức như: Tạm đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 3 - 12 tháng, đình chỉ hoạt động và thu hồi quyết định cho phép thành lập Văn phòng TPL.
PV: Xin ông cho biết giữa TPL và Cơ quan Thi hành án hiện nay có gì giống và khác nhau (về thẩm quyền, chức năng...)?
* Ông Phạm Văn Trọng: Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa công tác thi hành án dân sự, việc ra đời của 3 Văn phòng TPL sẽ giúp cho người dân cũng như các tổ chức được quyền lựa chọn về việc yêu cầu thi hành án tại Cơ quan THADS hoặc tại Văn phòng TPL.
Theo quy định của Nhà nước thì Cơ quan THADS và TPL có một số đặc điểm giống nhau về thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ như trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự; xác minh điều kiện thi hành án; thực hiện việc tống đạt các văn bản giấy tờ cho các đương sự...
Tuy nhiên, giữa cơ quan thi hành án và TPL cũng có một số đặc điểm khác nhau như: TPL được lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; TPL không được tổ chức thi hành các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan THADS chủ động ra quyết định thi hành án; TPL không có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính...
* PV: Xin cảm ơn ông!
PHÙNG LONG (thực hiện)