Thứ Sáu, 18/07/2014, 16:03 (GMT+7)
.

Tâm tình cảnh sát điều tra

Cảnh sát nhân dân (CSND) là lực lượng chủ công trên mặt trận phòng, chống tội phạm thuộc lĩnh vực trật tự an toàn xã hội. Trong đó, Cảnh sát điều tra (CSĐT) là những người đấu tranh trực diện với các loại tội phạm. Nhân kỷ niệm 52 năm Ngày thành lập lực lượng CSND (20-7-1962 - 20-7-2014), cuộc gặp gỡ với 2 sĩ quan CSĐT sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về công việc của những người góp phần quan trọng giữ bình yên cuộc sống.

TRUNG TÁ NGUYỄN VĂN LUÔNG, ĐỘI TRƯỞNG ĐỘI CS ĐTTP VỀ TTXH, CÔNG AN HUYỆN CHỢ GẠO: Tâm huyết phải đi cùng với sự hiểu biết

* Phóng viên (PV): Được biết, Trung tá tham gia lực lượng CAND khi còn rất trẻ. Trung tá có thể cho biết “cái duyên” đến với ngành?

Trung tá Nguyễn Văn Luông vừa được Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua vì ANTQ, 3 năm liền là “Chiến sĩ thi đua cơ sở” (2011, 2012, 2013), được tặng thưởng nhiều Giấy khen của Giám đốc CA tỉnh và UBND huyện Chợ Gạo.
Trung tá Nguyễn Văn Luông vừa được Bộ Công an tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua vì ANTQ, 3 năm liền là “Chiến sĩ thi đua cơ sở” (2011, 2012, 2013), được tặng thưởng nhiều Giấy khen của Giám đốc CA tỉnh và UBND huyện Chợ Gạo.

* Trung tá Nguyễn Văn Luông (NVL): Tôi vào ngành năm 1978 khi mới 16 tuổi. Có thể bạn ngạc nhiên, nhưng với hoàn cảnh chung của đất nước khi ấy, tiêu chuẩn, điều kiện tuyển vào Công an nhân dân ngày đó khác hiện nay.

Nói thật, lúc đó tôi chưa hình dung được những khó khăn, thử thách mà lực lượng công an phải vượt qua trong công tác, chiến đấu. Chỉ thấy hình ảnh đẹp đến lung linh và tinh thần dũng cảm của người chiến sĩ công an.

Lúc đó, ở gần nhà tôi (xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo) có người anh làm công an. Tôi rất ngưỡng mộ anh trong sắc phục vàng, mũ cối, rất đơn giản nhưng chững chạc, đỉnh đạt, và trong đầu cậu thiếu niên là tôi lúc đó, anh rất oai. Thế là xin vào ngành.

Vào ngành, được tiếp tục đi học. Rồi được phân công công tác bảo vệ, sau đó chuyển sang Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra, Công an huyện Chợ Gạo. Tính đến nay, trên 30 năm tôi gắn bó với công tác này.

* PV: Từ làm công tác bảo vệ chuyển sang làm công tác điều tra, chắc chắn có những khó khăn? 

* Trung tá NVL: Cái khó lớn nhất, không phải là từ làm công tác  bảo vệ chuyển sang mà là vốn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ. Phương châm của tôi là thiếu ở đâu thì bù ngay chỗ đó.

Vừa công tác, tôi vừa nghiên cứu, học hỏi. Học ở trường lớp, học ở chỉ huy, đồng chí, đồng đội, lắng nghe nhân dân, học ở nhân dân và tự nghiên cứu tài liệu…

Với bất cứ công tác nào cũng vậy, không riêng gì Cảnh sát điều tra, tâm huyết phải đi cùng với sự hiểu biết, chứ có quyết tâm mà kiến thức pháp luật, nghiệp vụ chưa vững thì hỏng việc. Vì vậy, tôi luôn nghiêm khắc với mình trong phấn đấu học tập, rèn luyện. Đến bây giờ, đã có sự trải nghiệm sau mấy mươi năm công tác, tôi vẫn luôn xem trọng việc học tập, cập nhật, bổ sung kiến thức pháp luật, nghiệp vụ…

* PV: Nếu so sánh những khó khăn của Trung tá ngày trước với điều tra viên trẻ hiện nay, Trung tá thấy như thế nào?

* Trung tá NVL: Thật khó để so sánh cụ thể. Vì hoàn cảnh xã hội mỗi lúc mỗi khác. So với những người đi trước, thế hệ của tôi có nhiều thuận lợi hơn. So với chúng tôi, điều tra viên trẻ hiện nay lại thuận lợi hơn nữa. Các đồng chí được đào tạo cơ bản, lại năng động, nhạy bén, khả năng tiếp cận khoa học công nghệ tốt hơn…

Thuận lợi nhiều, nhưng thách thức cũng không nhỏ. Có lẽ trước đây, sự cám dỗ không nhiều như bây giờ. Hiện nay, kẻ xấu có quá nhiều thủ đoạn phá hoại tinh vi. Những cạm bẫy nấp dưới cái lốt tốt đẹp, vuốt ve, mơn trớn khó nhận biết hơn. Không chỉ có người trẻ, mà là tất cả, nếu lơ là việc rèn luyện là có thể sa ngã.

Chính vì thế, hiện nay nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động được phát động sâu rộng trong toàn lực lượng CAND nhằm thúc đẩy tinh thần rèn luyện, tu dưỡng trong cán bộ, chiến sĩ. Nhất là việc học và làm theo gương Bác, hay chỉ thị 03 của Bộ Công an về siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ…

* PV: Trung tá có thể chia sẻ những buồn vui của người làm công tác điều tra?

* Trung tá NVL: Sáng trinh sát, điều tra viên vào việc, chiều gặp chỉ huy mà hồ hởi chào từ xa là mình đoán được kết quả. Còn như, gặp chỉ huy mà anh em lại báo: Em sẽ báo cáo sau thì biết ngay là có khó khăn. Bản thân tôi cũng vậy.

Nói như thế này để bạn dễ hình dung. Bạn cứ nhìn 2 đội bóng trên sân cỏ, tinh thần, cảm xúc của đội thắng như thế nào thì niềm vui của người làm công tác điều tra phá án khi thành công cũng giống như thế, và ngược lại. Chỉ có điều, cách thể hiện cảm xúc của chiến sĩ công an không tưng bừng, hồ hởi như cầu thủ.

Trong thành công, chúng tôi vẫn còn có những băn khoăn, trăn trở, vẫn còn những điều phải nghĩ suy tiếp theo. Bởi dù thành công hay không, có án, là có tội phạm. Mà hiện nay, như bạn thấy đó, tội phạm trong thanh thiếu niên chiếm tỷ lệ không nhỏ và ngày càng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng nhìn chung, có phần  tác động của xã hội do mặt trái của cơ chế thị trường.

Một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay chưa được giáo dục tốt nên chưa đủ sức “đề kháng” trước cái xấu. Làm công tác điều tra, chúng tôi mong nhất là các biện pháp phòng ngừa phát huy tốt hiệu quả, làm sao để án không xảy ra chứ khi chúng tôi vào cuộc thì có làm rõ án hay không, đó vẫn là chuyện không vui.

* PV: Đội CS ĐTTP về TTXH, Công an huyện Chợ Gạo được Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đánh giá là một trong những tập thể thực hiện tốt công tác điều tra, khám phá các vụ án xảy ra trên địa bàn phụ trách. Trung tá đánh giá như thế nào về vai trò quần chúng trong phá án?

* Trung tá NVL: Không chỉ riêng Cảnh sát điều tra, với bất cứ lực lượng nào trong công an nhân dân, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân luôn giữ vai trò quan trọng. Trong công tác điều tra, nhân dân chính là là tai, mắt của lực lượng Công an. Đánh giá đúng vai trò của nhân dân, biết dựa vào nhân dân thì khả năng thành công trong mỗi vụ án rất lớn.

Còn nhớ cách đây hơn 10 năm, trên địa bàn huyện Chợ Gạo xảy ra vụ án giết người. Nạn nhân là 1 phụ nữ. Tội phạm gây án lẩn trốn đến 3 năm sau vẫn chưa lần ra manh mối. Trong 1 dịp tình cờ, tôi gặp 1 thanh niên, biết tôi là cảnh sát điều tra của Công an huyện Chợ Gạo, anh đã cung cấp cho tôi những chi tiết rất quan trọng để từ đó báo cáo Ban chuyên án điều tra, làm rõ, truy bắt hung thủ gây án phải chịu hình phạt trước pháp luật. Điều đó, thêm 1 lần khẳng định: Cảnh sát dù giỏi mấy cũng phải nhờ vào tai, mắt nhân dân mới có được thành công.

* PV: Xin cảm ơn Trung tá!

TRUNG TÁ ĐINH CÔNG ĐỊNH, ĐỘI TRƯỞNG ĐỘI CẢNH SÁT ĐIỀU TRA TỘI PHẠM VỀ TRẬT TỰ XÃ HỘI (CS ĐTTP VỀ TTXH), CÔNG AN HUYỆN CÁI BÈ: Vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ

* Phóng viên (PV): Thời gian qua, Đội CS ĐTTP về TTXH, Công an huyện Cái Bè được Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đánh giá là một trong những tập thể thực hiện tốt công tác điều tra, khám phá các vụ án xảy ra trên địa bàn phụ trách. Trong đó, vai trò của chỉ huy đội rất quan trọng. Trung tá có thể cho biết những thuận lợi và khó khăn trong quá trình công tác?

Trung tá Đinh Công Định được Giám đốc Công an tỉnh tặng trên 30 Giấy khen và rất nhiều Giấy khen khác của các cấp, các ngành. Trong đó, có khoảng 10 giải thưởng cấp tỉnh, cấp huyện về sáng tác ca cổ và các cuộc thi giọng hát hay.
Trung tá Đinh Công Định được Giám đốc Công an tỉnh tặng trên 30 Giấy khen và rất nhiều Giấy khen khác của các cấp, các ngành. Trong đó, có khoảng 10 giải thưởng cấp tỉnh, cấp huyện về sáng tác ca cổ và các cuộc thi giọng hát hay.

* Trung tá Đinh Công Định (ĐCĐ): Tôi vào ngành được 32 năm, chỉ có 1 năm làm cảnh sát khu vực, thời gian còn lại công tác trên lĩnh vực điều tra. Thuận lợi nhiều mà khó khăn cũng không ít. Nhưng theo tôi, thuận lợi nhiều hơn khó khăn. Thuận lợi lớn nhất là sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy.

Trước đây và hiện nay cũng vậy, khi có vụ việc xảy ra, Ban Chỉ huy Công an huyện đều có mặt, trực tiếp cùng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra;

Thứ hai là có sự hướng dẫn, phối hợp kịp thời của các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và sự giúp đỡ của các Cấp ủy Đảng, của nhân dân địa phương;

Thứ ba là khâu đoàn kết, nhất quán trong phối hợp điều tra, không riêng gì trong đội, giữa điều tra viên với trinh sát mà còn có sự phối hợp chặt chẽ của các đội nghiệp vụ, CA cơ sở...

Một điều quan trọng khác là sự quyết tâm, yêu ngành, mến nghề và cái tâm của người làm công tác điều tra.

Khó khăn thì có thể kể cụ thể về hệ thống giao thông, phương tiện liên lạc ở giai đoạn trước thập niên 1990. Cái Bè sông rạch chằng chịt...

Qua sông trên những cây cầu khỉ chênh vênh, bản thân cán bộ đi còn khó khăn huống chi khi phải áp giải tội phạm. Lúc đó, nhiều con kinh còn không có được cầu khỉ, trong tình huống không có xuồng, các tổ trinh sát phải lội qua sông để có thể trao đổi thông tin cho nhau khi phá án.

Vào thời điểm, các vụ trộm xuồng, ghe máy liên tục xảy ra, lực lượng phá án di chuyển bằng xuồng. Có chuyên án, chúng tôi bắt đầu từ Cái Bè, len lỏi qua các con sông, rạch đến tận khu vực biên giới Vĩnh Hưng, Long An, lần lượt bắt đủ các đối tượng trong băng trộm, quay trở về đến Cái Bè là đúng 1 tuần. Nói như vậy, không có nghĩa là hiện nay đã hết khó khăn.

Sự phát triển của hệ thống giao thông, liên lạc tạo điều kiện thuận lợi cho điều tra, phá án thì tội phạm cũng có thể lợi dụng điều này để hoạt động và lẫn trốn. Thậm chí, lợi dụng sự phát triển của khoa học - công nghệ, tội phạm còn có những thủ đoạn hết sức tinh vi. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ điều tra phải liên tục phấn đấu, trao dồi, nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, bản lĩnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao.

* PV: Trung tá có thể cho biết về những kinh nghiệm trong công tác của Trung tá?

* Trung tá ĐCĐ: Không riêng gì bản thân tôi mà tất cả CBCS CAND đều có. Đó là tinh thần quyết tâm. Quyết tâm trước tiên là ý chí kiên định vượt qua mọi khó khăn, vững vàng trước mọi thử thách. Đó là ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, tuân thủ đúng pháp luật, là tinh thần đoàn kết, nhất quán, hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, ý thức tự giác rèn luyện tu dưỡng theo 6 điều Bác Hồ dạy, là tinh thần chiến đấu độc lập của mỗi cá nhân.

* PV: Một vụ án không thể quên của Trung tá trong phá án?

* Trung tá ĐCĐ: Đó là vụ án giết người xảy ra trên địa bàn xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè. Đối tượng Tuấn Em, quê quán huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang đến làm việc tại xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè và có quan hệ tình cảm với 1 phụ nữ đã từng có gia đình. Chị này có 2 con riêng. Do bất đồng trong tình cảm, Tuấn Em dùng xăng tưới vào mùng 3 mẹ con đang ngủ rồi đốt.

Vụ việc xảy ra trong đêm khuya. Khi chúng tôi đến hiện trường thì cháu nhỏ chết cháy ngay trên giường. Sau đó người phụ nữ và Tuấn Em cũng chết. Cháu lớn 10 tuổi, may mắn được cứu chữa sau thời gian dài điều trị. Nhưng di chứng thương tật và những tổn hại về tinh thần thì không thể nào diễn tả được. 

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở một vùng nông thôn yên bình. Điều này cảnh báo rằng tội phạm có thể xảy ra bất cứ nơi nào. Hậu quả ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng đều để lại cho cá nhân, gia đình, xã hội những tổn thất và lo lắng.

Từ đó, trong tôi luôn xác định ý thức, tư tưởng tiến công, cùng đồng đội đấu tranh kiên quyết với cái ác, cái xấu, đưa đối tượng phạm tội ra ánh sáng để xử lý nghiêm, góp phần giữ yên bình cho xã hội.

* PV: Và những trăn trở hiện nay của Trung tá?

* Trung tá ĐCĐ: Tội phạm ngày càng trẻ hóa, thủ đoạn tinh vi, hành động liều lĩnh, manh động. Không riêng gì tôi hay những người làm công tác điều tra mà cả xã hội đều quan tâm, trăn trở. Tôi nghĩ, không chỉ có tấn công, trấn áp mà phải xem trọng, đặc biệt xem trọng công tác phòng ngừa. Phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội.

Phòng ngừa ngay trong ý thức của chính mỗi cá nhân bằng các biện pháp giáo dục đạo đức, lối sống, ý thức rèn luyện, trang bị kỹ năng sống, yêu thương; xây dựng tình làng nghĩa xóm; xây dựng nền tảng gia đình vững chắc... Việc phòng ngừa, cơ bản phải thực hiện từ gốc, chứ đến khi phải gọi cảnh sát điều tra thì chỉ là khắc phục, cải tạo cho việc đã rồi.

* PV: Cảnh sát điều tra, một công việc dường như không có sự liên quan đến nghệ thuật. Nhưng chúng tôi được biết Trung tá là tác giả của một số bài ca cổ hết sức ngọt ngào, Trung tá có thể nói một chút về điều này?

* Trung tá ĐCĐ: Tôi viết là để giải tỏa cảm xúc. Có thể nói quá một chút cho vui là khi cha mẹ vừa sinh tôi ra, tôi đã nghĩ mình sẽ là công an. Lớn lên, đi học, tôi mơ ước trở thành chiến sĩ công an. Lúc đó, tôi nghĩ đơn giản là để bắt tội phạm, bắt kẻ ác, kẻ xấu phải “trả giá”; không nghĩ đến lý tưởng, hoài bão gì lớn lao lắm đâu... Vào cấp III, giai đoạn đó, lương cán bộ, công chức cực kỳ khó khăn, tôi vẫn nghĩ mình phải làm công an mà phải là công an điều tra.

Có lẽ từ tình yêu đó, tôi thường sáng tác những ca khúc, ca cổ ca ngợi đồng chí, đồng đội của mình. Nếu công tác điều tra cho tôi sự dày dạn, bản lĩnh thì những năm tháng tham gia công tác Đoàn cho tôi sự năng động, xung kích, sôi nổi.

Sau mỗi vụ án, mỗi hoạt động phong trào, tôi thường có một khoảng lắng nhất định. Lắng để nghe chính mình, nhìn lại mình, để rút kinh nghiệm. Lúc ấy tôi viết, với suy nghĩ có thể góp phần làm phong phú những sáng tác về người chiến sĩ công an, đưa hình ảnh người chiến sĩ công an gần gũi với nhân dân hơn, làm cho nhân dân hiểu, tin tưởng và ủng hộ lực lượng CAND nhiều hơn.

May mắn là khi ngân nga lại được đồng đội hưởng ứng và những người có trách nhiệm về văn hóa, nghệ thuật ghi nhận. Đây là niềm hạnh phúc thứ hai, sau niềm hạnh phúc thứ nhất là được làm Cảnh sát điều tra.

* PV: Xin cảm ơn Trung tá!

THANH DUY (thực hiện)

.
.
.