Phó Giám đốc Tigifood Lê Thanh Khiêm:Thị trường lúa gạo đang diễn biến khó lường
Chỉ trong thời gian ngắn giá lúa gạo đã tăng đột biến gây nên những chao đảo trên thị trường lúa gạo trong nước. Phân tích về hiện tượng này, chiều ngày 7-8, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood), cho rằng:
Từ đầu tháng 7, giá gạo trong nước bắt đầu tăng và kéo dài đến hết tháng. Đặc biệt là từ ngày 15-7 đến cuối tháng 7, giá gạo trong nước tăng ít nhất 10%, tức khoảng 600 đồng/kg gạo nguyên liệu.
Cụ thể, khoảng 1 tháng trước, gạo nguyên liệu chỉ ở mức 6.700 đồng/kg, nhưng đã leo lên mức cao nhất là 7.300 đồng/kg. Gạo thành phẩm 5% tấm từ 8.100 đồng/kg đã được đẩy lên 9.400 đồng/kg. Lúa tươi cũng nằm chung trong đà tăng giá, từ 4.400 đồng/kg lên 4.800 đồng/kg.
Nguyên nhân chính dẫn đến những biến động lớn trên thị trường lúa gạo là do thị trường Trung Quốc mở cửa suốt tháng 7, kể cả chính ngạch và tiểu ngạch.
Thứ hai, là do lượng gạo tồn kho theo báo cáo thì nhiều nhưng thực tế do trùng số liệu, nên thiếu khi cân đối cung - cầu. Bên cạnh đó còn do sức hút của các hợp đồng tập trung đã đến hạn giao hàng. Áp lực giao hàng tăng trong khi nguồn cung không nhiều, chẳng hạn như các hợp đồng cung ứng lớn cho Phillipines, Malaysia, Indonesia đến hạn giao hàng.
Trong khi đó, nguồn cung ứng lúa gạo trên thực tế không còn nhiều do đang vào giai đoạn giáp hạt, vụ đông xuân đã hết, vụ hè thu chưa thu hoạch.
Ngoài ra, còn có sức hút từ các hợp đồng thương mại giao cho châu Phi. Một phần cũng do tâm lý, do gần đây có thông tin chuẩn bị đấu thầu gạo với Philippines khoảng 500.000 tấn, dự kiến vào cuối tháng 8, nên có một số doanh nghiệp (DN) có tiềm lực tài chính hoặc người dân có điều kiện thì trữ gạo lại không bán.
Tất cả các yếu tố trên đã tạo ra sự khan hiếm cục bộ trên thị trường lúa gạo trong nước, đẩy giá gạo trong nước tăng đột biến như vừa qua. Tuy nhiên, trong vài ngày gần đây, giá lúa gạo đã có dấu hiệu chững lại.
Kiểm tra gạo trước khi chuyển đến nhà máy lau bóng. |
*Phóng viên (PV): Cũng có thông tin giá gạo tăng đột biến trong thời gian gần đây là do xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh?
* Ông Lê Thanh Khiêm: Điều này là đúng. Bởi theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2014, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là 2,3 triệu tấn, tăng hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2013; trong đó xuất khẩu chính ngạch chỉ trên 1,3 triệu tấn, còn lại theo đường tiểu ngạch. Trong khi đó, tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước đến nay cũng chỉ trên 4,2 triệu tấn. Do đó, sức hút từ thị trường Trung Quốc đã gây nên áp lực lớn đối với thị trường lúa gạo trong nước.
Sắp tới, Trung Quốc vẫn là thị trường lớn do biến động của thời tiết nhưng có điều hiện tại Trung Quốc “lúc đóng lúc mở” nhập khẩu gạo của Việt Nam, tạo ra thị trường ảo nên cũng rất khó dự đoán. Cụ thể là những ngày gần đây, Trung Quốc đã cắm biển ngưng nhập khẩu gạo tại các cửa khẩu ở Lào Cai, Cao Bằng gây ảnh hưởng tức khắc đến thị trường lúa gạo trong nước.
Xuất khẩu gạo sẽ khó khăn? Liên quan đến vấn đề này, chiều ngày 5-8, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát cho rằng, với giá lúa gạo tăng như hiện nay, trước mắt nông dân có lợi nhưng số này không nhiều. Trong khi đó, DN phải chào giá cao ra thế giới chứ không dám bán giá rẻ, mà như thế thì sẽ mất thị trường. Vì thế, tình hình xuất khẩu thời gian tới chưa chắc gặp thuận lợi. Thực tế, giá gạo Việt Nam trong giai đoạn này cao nhất khu vực, tính ra giá thành cũng phải đến 465 USD/tấn, trong khi gạo Thái Lan chỉ 435 USD/tấn. Nếu DN cứ “giẫm đạp” nhau, đẩy giá lúa gạo lên cao, chưa chắc xuất khẩu được với giá cao. Bởi lẽ, nếu giá gạo Việt Nam chênh lệch với các nước quá nhiều, chắc chắn xuất khẩu gạo của ta sẽ bị chững lại, khi đó sẽ ảnh hưởng đến sản lượng xuất khẩu. |
*PV: Như vậy, ai được hưởng lợi nhiều nhất khi thị trường lúa gạo có những diễn biến bất thường vừa qua, thưa ông?
* Ông Lê Thanh Khiêm: Nói một cách chính xác là ai có gạo và bán được thì người đó hưởng lợi. Chẳng hạn, người dân có điều kiện đã trữ lúa gạo thời gian qua đến nay mới bán thì có lợi lớn.
Còn nếu DN không có gạo dự trữ thì cũng không hưởng lợi. Trong trường hợp DN đã ký hợp đồng xuất khẩu trước đó với giá thấp, trong khi giá gạo nguyên liệu trong nước tăng cao, lại có nguy cơ lỗ vốn.
Bên cạnh đó, áp lực giao hàng khi đến hạn buộc lòng DN phải mua gạo nguyên liệu vào, nên cũng sẽ gặp không ít khó khăn. Trong khi đó, hiện tại các DN xuất khẩu cũng rất khó có những hợp đồng mới do giá nguyên liệu cao buộc lòng phải chào giá bán cao.
Tuy nhiên, về lâu dài sẽ tạo ra những khó khăn khác do khách hàng có khả năng chuyển sang mua gạo của các nước khác có giá thấp hơn. Diễn biến bất thường, không theo quy luật nào của giá gạo thời gian gần đây đã tạo ra khó khăn nhất định, DN cũng dễ “chết” do tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
* PV: Theo ông, sắp tới thị trường lúa gạo sẽ như thế nào?
* Ông Lê Thanh Khiêm: Sắp tới tình hình hơi phức tạp, rất khó dự đoán, do chịu sự chi phối của nhiều yếu tố. Chẳng hạn, Thái Lan có tung hàng ra hay không. Thời gian gần đây, Thái Lan ngưng cung ứng gạo do đang kiểm kê lượng gạo tồn kho và sắp tới có tung hàng ra hay không vẫn còn là một ẩn số.
Thứ hai, dựa vào kết quả đấu thầu sắp tới đối với gói thầu khoảng 500.000 tấn gạo của Philippines. Trong giai đoạn giao thời này, nếu Việt Nam trúng thầu thì giá gạo mới có khả năng nhích lên. Thứ ba, ẩn số từ thị trường Trung Quốc.
Theo như dự báo nhu cầu nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc còn tương đối lớn nhưng do thời gian gần đây giá gạo trong nước tăng cao, nên Trung Quốc đang tung thông tin tạm ngưng nhập khẩu gạo Việt Nam. Nhưng điều chắc chắn rằng, nhu cầu tiêu thụ gạo ở thị trường Trung Quốc còn rất lớn.
* PV: Xin cảm ơn ông!
THẾ ANH (thực hiện)
Tigifood sẽ bao tiêu 1.200 ha lúa trong vụ đông xuân 2014 - 2015 Ông Lê Thanh Khiêm cho rằng, đầu tư cánh đồng lớn trở thành chiến lược kinh doanh xuyên suốt của công ty. Tuy nhiên, điểm mới trong thời gian sắp tới là công ty không đầu tư cắt khúc mà đầu tư toàn bộ theo chuỗi sản xuất lúa, từ cung ứng giống đến phân thuốc, hướng dẫn quy trình canh tác và bao tiêu thu mua. Để làm được điều này, công ty sẽ liên kết ngang với các đơn vị khác. Cụ thể là Tổng Công ty Lương thực miền Nam cũng vừa ký hợp tác chiến lược với Công ty cổ phần Thực vật An Giang để đảm bảo việc sản xuất theo chuỗi. Tigifood là một trong những đơn vị được chọn làm thí điểm mô hình sản xuất lúa theo chuỗi giá trị. Theo đó, công ty sẽ xây dựng đề án cánh đồng lớn theo lộ trình từ năm 2015 - 2020, với mục tiêu đến năm 2020 phải bao tiêu được 20% diện tích sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Trước mắt, trong vụ đông xuân 2014 - 2015 công ty sẽ tiến hành thực hiện khoảng 1.200 ha. Công ty cũng vừa thỏa thuận xong với Công ty cổ phần Thực vật An Giang và Công ty Hợp trí để thực hiện chủ trương này. Nếu như theo đúng kế hoạch, đây là diện tích sản xuất lúa lớn nhất được bao tiêu theo chủ trương đầu tư trọn gói của công ty. Chi phí đầu tư cho mỗi ha sản xuất lúa khoảng 11 triệu đồng và không tính lãi trong 4 tháng. Nếu thực hiện tốt chương trình này sẽ cho ra được lượng lớn gạo có chất lượng và tỷ lệ thu hồi gạo cũng cao hơn trước đây. Điều này cũng phù hợp với chủ trương chung là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và phù hợp với chiến lược kinh doanh của công ty. |