Tân Phước: Tập trung thực hiện các khâu đột phá để phát triển nhanh,bền vững
Công cuộc khai thác, phát triển vùng Đồng Tháp Mười trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã trải qua gần 40 năm và tròn 20 năm thành lập đơn vị hành chính huyện Tân Phước. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và công cuộc khai hoang, phục hóa vùng đất “rốn lũ, rốn phèn”, Tân Phước hôm nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, song vẫn còn không ít thách thức, khó khăn trong tương lai.
Nhân Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập huyện gắn với quá trình khai thác, phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng Tháp Mười trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước chia sẻ:
Qua 20 năm xây dựng và phát triển, công cuộc cải tạo, khai thác đất đai; di dân mở đất khai hoang phát triển sản xuất, xây dựng hệ thống công trình đê bao bảo vệ cây trồng, cụm, tuyến dân cư vượt lũ, ổn định chỗ ở cho nhân dân, xây dựng hệ thống giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế… đã từng bước làm thay đổi diện mạo của vùng đất từng mệnh danh là “rốn phèn, rốn lũ”.
Sau 20 năm, kinh tế - xã hội của huyện phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân được cải thiện nhiều mặt, thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, khẳng định nơi đây không phải là “vùng đất chết”.
Kết quả đạt được như ngày hôm nay là cả một quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ tích cực của các sở, ngành tỉnh; sự giúp đỡ của các đơn vị trong, ngoài tỉnh; cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng bộ, chính quyền từ huyện đến cơ sở qua các thời kỳ. Đặc biệt là sự nỗ lực, khắc phục những điều kiện khắc nghiệt của tự nhiên để vươn lên của nhân dân huyện nhà.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước (bên trái) cùng lãnh đạo tỉnh tham quan vườn thanh long. |
* Phóng viên (PV): Trong chặng đường sắp tới, Tân Phước đề ra mục tiêu phát triển như thế nào, thưa ông?
* Ông Nguyễn Văn Mẫn: Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, song khó khăn nội tại của huyện Tân Phước vẫn còn nhiều, nguồn lực cho phát triển bền vững còn yếu kém, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ… Đó là những thách thức rất lớn cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Do vậy, trước mắt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Phước sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển theo Quyết định 3379/QĐ-UBND ngày 28-10-2008 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Tân Phước đến năm 2020 và sẽ cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu phát triển chung của tỉnh và đặc thù của huyện.
Theo kế hoạch phát triển chung, đến năm 2020 sẽ tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng Tân Phước từ địa bàn đặc biệt khó khăn lên thành huyện phát triển mạnh về công nghiệp, nhất là các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ mới, hiện đại... trên cơ sở khai thác thế mạnh về vị trí địa lý, tiềm năng về đất đai.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn; cải tạo, nâng cấp và phát triển hệ thống thị trấn, các thị tứ trở thành các trung tâm kinh tế, thúc đẩy sự phát triển các vùng nông thôn trong huyện. Cố gắng thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người so với các địa phương khác và mức bình quân chung của tỉnh.
Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện cao bằng mức thu nhập bình quân chung của tỉnh và đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện ở mức cao. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm trên 12% (thời kỳ 2015-2020); nâng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 khoảng 4.050 USD/người/năm...
* PV: Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh những thách thức đan xen, Tân Phước sẽ chọn phương hướng phát triển đột phá như thế nào, thưa ông?
* Ông Nguyễn Văn Mẫn: Đứng trước thời cơ và thách thức trong chặng đường đi tới, Đảng bộ và Chính quyền Tân Phước sẽ lựa chọn một số phương hướng phát triển mang tính đột phá, phù hợp với đặc thù của huyện. Chẳng hạn, huyện sẽ tập trung phát triển công nghiệp - dịch vụ, đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn mà huyện có lợi thế (công nghiệp vật liệu, công nghiệp chế biến), dựa trên phát triển mạnh các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thương mại - dịch vụ…
Tổ chức lại không gian phát triển kinh tế và hạ tầng, xây dựng kết cấu hạ tầng để gắn huyện với tỉnh và với các vùng phụ cận, thông qua các hành lang kinh tế Quốc lộ 1A và đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ. Trên cơ sở đó, hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ, đặc biệt là các chợ đầu mối, các cụm, điểm du lịch, dịch vụ gắn với du lịch và các dịch vụ phục vụ khu công nghiệp…
Đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trên cơ sở hình thành và phát triển hệ thống các đô thị trung tâm và đô thị ở khu vực nông thôn để tạo ra các hạt nhân thúc đẩy sự phát triển các tiểu vùng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, dịch vụ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của huyện.
Huyện sẽ cố gắng tạo thêm việc làm phi nông nghiệp ở các khu vực nông thôn, thông qua khuyến khích và hỗ trợ đầu tư phát triển các ngành nghề phi nông nghiệp vào nông thôn để đẩy nhanh quá trình đô thị hóa tại khu vực nông thôn và hiện đại hóa cư dân nông thôn.
Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh và gắn với điều kiện sinh thái. Hoàn thiện các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước; nâng cấp, xây dựng mới các trạm, trại giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất sạch và an toàn.
Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng tiềm năng khoa học - công nghệ của huyện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế…
* PV: Muốn thực hiện tốt phương hướng phát triển mang tính đột phá, Tân Phước sẽ chọn giải pháp gì, thưa ông?
* Ông Nguyễn Văn Mẫn: Việc lựa chọn giải pháp thực hiện phù hợp nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất đối với các mục tiêu mà huyện đề ra cũng hết sức quan trọng và có ý nghĩa. Do vậy, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục khơi dậy và huy động tối đa nội lực; đồng thời tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài cho đầu tư phát triển. Bố trí hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tập trung đúng mức cho xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng.
Phát triển toàn diện các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và du lịch, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Tận dụng cơ hội, phát triển nhanh các ngành, lĩnh vực có tiềm năng và lợi thế, tạo ra bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao năng suất lao động, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong tổng sản phẩm của huyện.
Hình thành cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp đến năm 2020. Coi trọng chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ từng ngành, không ngừng nâng cao chất lượng chuyển dịch trên cơ sở nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Gắn nền sản xuất hàng hóa của huyện với thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung phát huy tối đa nguồn nhân lực, tập trung đúng mức cho đầu tư phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại chỗ; đồng thời thực hiện chính sách thu hút đội ngũ cán bộ trí thức trẻ về cơ sở phục vụ công tác.
Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan cấp trên, tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước cấp huyện và cơ sở, xem đó là một trong những yếu tố quyết định để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
*PV: Xin cảm ơn ông!
THẾ ANH (thực hiện)