TS. Thái Quốc Hiếu: Cảnh giác bệnh lở mồm long móng trên gia súc
Thời điểm giao mùa, dịch lở mồm long móng thường xảy ra trên gia súc, nhất là trâu, bò, heo và dê. Hàng năm, thời điểm này, các nhà chuyên môn luôn khuyến cáo người chăn nuôi hết sức cảnh giác với dịch bệnh nguy hiểm này.
Tiến sĩ (TS) Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, dịch lở mồm long móng (LMLM) gia súc trong cả nước có diễn biến phức tạp và đa dạng trên nhiều loại vật nuôi.
Tính đến nay, cả nước đã phát sinh 48 ổ dịch/48 xã/21 huyện/10 tỉnh, thành phố. Đối tượng mắc bệnh đa dạng, bao gồm trâu, bò, heo và dê. Gần đây, các tỉnh giáp ranh với tỉnh Tiền Giang cũng có phát sinh các điểm dịch LMLM nhỏ lẻ trên heo.
Vừa qua, Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang đã xác minh và điều tra dịch tễ 3 ổ dịch/3 xã/3 huyện. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm từ các ổ dịch vẫn là vi rút LMLM týp O.
Do vậy, năm 2014, Ban chỉ đạo tỉnh về phòng, chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vật nuôi vẫn chỉ đạo sử dụng vắc xin LMLM týp O để tiêm phòng cho đàn gia súc.
* Phóng viên (PV): TS có thể cho biết, trước tình hình dịch LMLM diễn biến phức tạp, ngành chức năng có biện pháp gì để phòng ngừa, cũng như hạn chế dịch bệnh phát sinh?
* TS Thái Quốc Hiếu: Thời gian qua, các ổ dịch LMLM ở Tiền Giang đã được thú y cơ sở phát hiện kịp thời, báo cáo sớm cùng với chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt của Ban chỉ đạo địa phương trong công tác chống dịch nên các ổ dịch nêu trên được dập tắt, kiểm soát nhanh trong thời gian ngắn, không để lây lan trên diện rộng.
Hiện nay, thời tiết chuyển từ mùa nắng sang mùa mưa sẽ làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi và cũng là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh nguy hiểm (kể cả vi rút LMLM) phát tán, gây bệnh. Do vậy, nếu người chăn nuôi không chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc thì nguy cơ phát sinh dịch LMLM là rất cao.
* PV: Để bảo vệ đàn gia súc trước bệnh LMLM, người chăn nuôi cần phải làm gì để hạn chế dịch bệnh?
* TS Thái Quốc Hiếu: Trước tiên, chúng ta cần phân tích nguyên nhân xảy ra các ổ dịch LMLM trên gia súc ở Tiền Giang trong thời gian qua. 3 ổ dịch LMLM trên heo và bò ở 3 địa bàn khác nhau mà tôi vừa nói đều có chung 1 nguyên nhân, đó là do chủ nuôi mua con giống nhưng không biết rõ nguồn gốc của con giống, không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển, chủ yếu là mua qua trung gian từ thương lái.
Một điều đáng quan tâm là ngay sau khi mua con giống thì chủ nuôi thả thẳng con giống này vào chuồng đã có sẵn gia súc (gia súc đang nuôi chưa được tiêm phòng vắc xin LMLM). Do vậy, khi phát hiện con giống mới có dấu hiệu bệnh LMLM thì đa số gia súc đã nuôi trước đó cũng đều mắc bệnh LMLM.
Dịch lở mồm long móng từng gây thiệt hại nặng cho người nuôi bò. |
Để bảo vệ đàn gia súc không mắc bệnh LMLM thì người nuôi phải mua con giống khỏe mạnh, đã được tiêm phòng vắc xin LMLM (hoặc từ gia súc mẹ đã được tiêm phòng vắc xin LMLM), có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vận chuyển của cơ quan thú y (Giấy chứng nhận này nhằm mục đích xác nhận con giống mới xuất phát từ vùng an toàn dịch LMLM).
Con giống phải được nuôi ở chuồng cách ly trong 2 tuần trước khi đưa vào nuôi chung với chuồng trại có sẵn gia súc. Mục đích nuôi cách ly để theo dõi, loại thải con giống mới kịp thời nếu có phát sinh bệnh. Định kỳ tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi 2 lần/tuần. Mục đích làm giảm mật độ của nhiều loại mầm bệnh để tạo ra môi trường chăn nuôi an toàn dịch.
Người nuôi phải tổ chức tiêm phòng vắc xin LMLM cho đàn gia súc. Đối với gia súc từ mẹ chưa tiêm phòng: mũi đầu tiên tiêm vào lúc 2 tuần tuổi. Tiêm mũi 2 cách mũi đầu tiên 4 tuần. Đối với gia súc từ mẹ đã được tiêm phòng: mũi đầu tiên tiêm vào lúc 8 tuần tuổi. Tiêm mũi 2 cách mũi đầu tiên 4 tuần. Cả 2 trường hợp trên, cứ định kỳ 6 tháng tiêm nhắc lại một lần.
Ngoài ra, các hộ chăn nuôi thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi. Nếu phát hiện đàn vật nuôi có dấu hiệu bất thường thì phải khai báo ngay cho cơ quan thú y theo số điện thoại đường dây nóng: 0733888111.
* PV: Theo TS, đối với gia súc mang thai có tiêm được vắc xin LMLM không?
* TS Thái Quốc Hiếu: Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, vắc xin LMLM không chống chỉ định trên gia súc mang thai, có nghĩa là vắc xin LMLM tiêm phòng được trên gia súc mang thai. Ở Tiền Giang, thực tế trong công tác tiêm phòng thú y cơ sở chưa ghi nhận trường hợp nào gia súc mang thai bị ảnh hưởng sau khi tiêm phòng vắc xin LMLM, kể cả trên bò sữa đang mang thai.
Tuy nhiên, khi tiêm phòng cho gia súc mang thai, bà con chăn nuôi cần hợp tác chặt chẽ với thú y cơ sở trong việc cầm cột, bắt giữ gia súc cẩn thận để tránh trường hợp sẩy thai do cơ học. Đặc biệt trên bò mang thai, người chăn nuôi cần giữ chặt dây vàm, vuốt ve và che mắt bò để thú y cơ sở thuận tiện trong thao tác tiêm phòng…
* PV: Xin cảm ơn TS!
SĨ NGUYÊN (thực hiện)