Thứ Sáu, 26/09/2014, 14:17 (GMT+7)
.
ÔNG HỒ THANH SƠN, PHÓ GIÁM ĐỐC SỞ LĐ-TB&XH:

Phấn đấu 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được trợ giúp

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch 180/KH-UBND về việc thực hiện Đề án “Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2020”. Theo ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, đây là cơ sở để hoạt động chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt hơn, vì hiện tại Tiền Giang đang xếp hạng 44/63 tỉnh, thành cả nước trong việc thực hiện công tác giáo dục, bảo vệ và chăm sóc trẻ em.

Mục tiêu của Kế hoạch 180/KH-UBND là trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hòa nhập vào cộng đồng, ổn định cuộc sống và có cơ hội thực hiện các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật. Từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa trẻ em có hoàn cảnh đặt biệt khó khăn với trẻ em bình thường tại nơi cư trú. Huy động các nguồn lực xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trong việc chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để ổn định cuộc sống…

Kế hoạch này đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhận được sự trợ giúp và được cung cấp dịch vụ xã hội phù hợp. Khuyến khích các hình thức nhận nuôi có thời hạn đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phát triển hình thức chăm sóc bán trú cho trẻ em khuyết tật nặng, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Nâng cao chất lượng chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa tại cơ sở bảo trợ xã hội. 100% trẻ em khuyết tật về vận động có nhu cầu được cấp xe lăn và 80% số trẻ khuyết tật được chỉnh hình, phục hồi chức năng.

* PV: Tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch này như thế nào, thưa ông?

* Ông Hồ Thanh Sơn: Sở LĐ-TB&XH được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức triển khai Đề án “Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 - 2020” trên phạm vi toàn tỉnh; xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch hoạt động hàng năm; tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình;

Đồng thời đề xuất các chính sách hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt phù hợp với tình hình thực tế. Sở LĐ-TB&XH còn có nhiệm vụ tập huấn nâng cao năng lực thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện công tác chăm sóc trẻ em của các ngành, các cấp trong tỉnh.

UBND tỉnh còn phân công nhiệm vụ cụ thể cho UBND cấp huyện, thành, thị và từng sở, ngành.

* PV: Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh đề ra những giải pháp gì, thưa ông?

* Ông Hồ Thanh Sơn: Tỉnh đã đề ra 6 nhóm giải pháp cơ bản.

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Hai là, rà soát, phân loại đối tượng, xây dựng kế hoạch với những giải pháp phù hợp nhằm chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở cộng đồng.

Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho học sinh vượt khó.
Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho học sinh vượt khó.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng theo hướng lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; vận động các tổ chức, gia đình, cá nhân nhận chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Tăng cường công tác truyền thông, vận động xã hội tham gia các hoạt động chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng với nội dung và hình thức phù hợp của từng địa phương, từng nhóm đối tượng, đặc biệt đối với vùng nông thôn sâu khó khăn.

Bốn là, tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật về chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng tại các địa phương.

Năm là, tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn lực để chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.
Sáu là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trên các lĩnh vực phòng ngừa, phát hiện, can thiệp sớm và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng.

* PV: Xin cảm ơn ông!

THỦY HÀ (thực hiện)

.
.
.