Tăng cường công tác bảo đảm ATGT đường thủy trong mùa mưa bão
Hiện nay, đang vào thời điểm mùa mưa bão với dự báo tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, điều này đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) thủy, trong đó có hoạt động tại các bến phà, bến đò, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh. Ông Huỳnh Văn Nguyện, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), Chánh Thanh tra giao thông (TTGT) vận tải tỉnh, trao đổi:
Ngày 5-6, Sở GTVT đã ban hành Kế hoạch 1168/KH-SGTVT về công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 của ngành GTVT.
Trong đó, đối với các bến khách ngang sông, Sở GTVT giao lực lượng TTGT vận tải phối hợp với Cảnh sát Đường thủy, Chi cục Đăng kiểm và chính quyền địa phương để kiểm tra, thống kê lại các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông, bến phà trên địa bàn tỉnh (trong đó có phân loại bến có phép và không phép) để chấn chỉnh kịp thời;
Đồng thời tăng cường kiểm tra các bến, phương tiện, người lái phương tiện tại các bến đò ngang, đò dọc, đò du lịch; kiên quyết xử lý đình chỉ lưu hành các loại phương tiện, các bến bãi không đủ điều kiện về ATGT.
Trên cơ sở Kế hoạch của Sở GTVT, các Phòng Kinh tế & Hạ tầng huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố, thị xã đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2014 phù hợp với tình hình tại địa phương.
Sở GTVT đã xây dựng các kế hoạch phối hợp liên ngành như: Kế hoạch phối hợp liên ngành Chi cục Đăng kiểm Tiền Giang - Cảnh sát Đường thủy - Đoạn Quản lý đường thủy nội địa số 11 xây dựng, triển khai thực hiện lịch phối hợp 106/LPH-LN ngày 20-5 về việc phối hợp kiểm tra liên ngành, bảo đảm trật tự ATGT thủy nội địa năm 2014;
Kế hoạch phối hợp liên ngành Chi cục Đăng kiểm tỉnh - Cảnh sát đường thủy - TTGT vận tải - Phòng Vận tải ATGT xây dựng, triển khai thực hiện lịch phối hợp số 200/KHLN-PC68-TTGT-ĐK-VTATGT ngày 15-7 về việc phối hợp tăng cường kiểm tra hoạt động tàu khách du lịch, tàu cao tốc, phương tiện vui chơi giải trí và nhà hàng nổi trên đường thủy nội địa (ĐTNĐ).
* Phóng viên (PV): Qua công tác kiểm tra đường thủy của TTGT vận tải, vẫn còn tình trạng các bến khách ngang sông, bến thủy nội địa vi phạm các quy định về bảo đảm ATGT đường thủy. Ngành Giao thông - Vận tải sẽ có những biện pháp gì để chấn chỉnh?
* Ông Huỳnh Văn Nguyện: Luật Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) được Quốc hội thông qua ngày 15-6-2004 và được Chủ tịch nước ký công bố ngày 24-6-2004, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2005. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho các địa phương, các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, triển khai tuyên truyền các quy định được đồng bộ hơn, làm cho các chủ bến, người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông có liên quan đến giao thông ĐTNĐ chấp hành tốt.
Qua công tác triển khai thực hiện trong thời gian qua, tình hình trật tự ATGT đường thủy trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực (trong đó, có hoạt động của các bến phà, đò ngang sông trên địa bàn tỉnh), góp phần nâng dần ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về ATGT và từng bước giúp kéo giảm số vụ TNGT khi tham gia giao thông ĐTNĐ; công tác giữ gìn trật tự, hành lang ATGT từng bước được thiết lập lại.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 132 bến khách ngang sông, 279 bến thủy nội địa. Ngành GTVT đã và đang tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp để hạn chế tình trạng bến hoạt động không phép, phương tiện vi phạm về an toàn giao thông:
Phát áo phao cho hành khách tại bến phà Bình Ninh - Tân Thới (huyện Tân Phú Đông). |
Tăng cường công tác tuyên truyền Luật Giao thông ĐTNĐ; Nghị định 93/2013/NĐ-CP ngày 20-8-2013 của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, ĐTNĐ; các Thông tư hướng dẫn của Bộ GTVT và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh đến các tổ chức, cá nhân hành nghề khai thác bến khách ngang sông, bến thủy nội địa và người điều khiển phương tiện thủy nội địa biết để chấp hành.
Tiếp tục triển khai thực hiện các kế hoạch liên ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các bến, phương tiện, người lái phương tiện để hạn chế tình trạng bến hoạt động không phép, phương tiện không đủ điều kiện về ATGT; kiên quyết xử lý đình chỉ hoạt động các bến không phép, người điều khiển và phương tiện không đủ điều kiện về ATGT.
* PV: Được biết, việc mặc áo phao của hành khách ở các bến đò, phà được triển khai nhưng tỷ lệ người thực hiện và hưởng ứng không cao. Ông có thể cho biết nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng này?
* Ông Huỳnh Văn Nguyện: Ngày 10-5-2012, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 15/2012/TT-BGTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Sở GTVT đã triển khai đến các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, tổ chức khai thác bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh và lồng ghép vào nội dung tuyên truyền về ATGT hàng năm.
Nhìn chung, đa số các bến khách đều chấp hành tốt các quy định về trang bị đầy đủ các áo phao và dụng cụ nổi cá nhân cho hành khách. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa chấp hành tốt việc mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi để bảo vệ tính mạng và tài sản của bản thân.
Theo phân tích từ kết quả điều tra của lực lượng TTGT vận tải tỉnh, một số nguyên nhân của vấn đề này là: Tỷ lệ TNGT đường thủy, nhất là tai nạn nghiêm trọng liên quan đến bến khách ngang sông ở Tiền Giang nói chung và ĐBSCL nói riêng là thấp nên ảnh hưởng lớn đến tâm lý chủ quan của người dân. Khoảng cách các sông, kinh và thời gian qua sông ngắn và vì lý do vệ sinh cá nhân hoặc do biết bơi nên nhiều hành khách thấy không cần phải mặc áo phao.
Do mang tính ý thức cộng đồng, vì hành khách này thấy hành khách khác không mặc nên cũng không mặc theo. Việc triển khai xử phạt hành vi này (theo Điều 55 Nghị định 93/2013/NĐ-CP ngày 20-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa) là rất khó vì không quy định biện pháp cưỡng chế khi hành khách không chấp hành xử phạt, vì vậy hiện nay các lực lượng chức năng chỉ tập trung vào nhắc nhở, xử lý đối với chủ bến nếu phương tiện không đăng ký, đăng kiểm; người điều khiển không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp loại phương tiện điều khiển; phương tiện không bố trí đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi cho hành khách.
Việc xử phạt hành chính đối với hành khách không mặc áo phao quy định cụ thể tại Điều 55, Nghị định 93/2013/NĐ-CP ngày 20-8-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa: “Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông”. |
Các giải pháp để khắc phục tình trạng này là:
- Các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra các bến khách để nhắc nhở, xử lý các bến khách vi phạm về trang bị áo phao, dụng cụ nổi cho hành khách. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy phép hoạt động đối với những bến khách thường xuyên vi phạm các quy định về điều kiện hoạt động.
- Tuyên truyền đến các chủ bến khách để nâng cao ý thức, đặt lợi ích cộng đồng lên lợi ích kinh tế, cần mạnh dạn từ chối những hành khách không chấp hành việc mặc áo phao (quy định tại Điều 7, Thông tư 15/2012/TT-BGTVT). Chủ bến sẽ liên đới chịu trách nhiệm liên quan đến sự cố hoặc tai nạn giao thông xảy ra trong quá trình vận tải hành khách ngang sông đối với trường hợp cho phương tiện rời bến khi thuyền viên, người lái phương tiện, hành khách không mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách (Khoản 3 Điều 6 Thông tư 15/2012/TT-BGTVT).
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 8, Thông tư 15/2012/TT-BGTVT, hành khách sẽ chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra do việc không tuân thủ các quy định, hướng dẫn về mặc áo phao hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân theo đúng quy cách khi tham gia giao thông bằng phương tiện vận tải hành khách ngang sông.
* PV: Ông có khuyến cáo gì đối với hành khách nhằm bảo đảm ATGT để bảo vệ tính mạng và tài sản người khi qua phà, đò trong mùa mưa bão?
* Ông Huỳnh Văn Nguyện: Trước các vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trên cả nước trong thời gian qua, yêu cầu người dân khi qua phà, đò trong mùa mưa bão cần nâng cao cảnh giác, ý thức chấp hành Luật Giao thông ĐTNT (trong đó thực hiện nghiêm Thông tư 15/2012/TT-BGTVT quy định về trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông) khi qua phà, đò phải sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện để hạn chế xảy ra những tai nạn đáng tiếc, nhất là trong mùa mưa bão đang diễn ra nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân và con em đi cùng.
* PV: Xin cảm ơn ông!
PHÙNG LONG (thực hiện)