Thường xuyên cung cấp thông tin cho báo chí để bảo vệ quyền lợi NTD
Cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, vấn nạn hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại càng diễn biến phức tạp, khó lường. Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng (NTD) trước thực trạng này đang là vấn đề khá bức xúc đặt ra trong thời gian qua. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Ấp Bắc có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lưỡng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng (Hội BVQLNTD) Tiền Giang.
* Phóng viên (PV): Qua 6 năm hoạt động của Hội, ông đánh giá thế nào về nhận thức của NTD hiện nay?
* Ông Nguyễn Văn Lưỡng: Vừa qua, Hội BVQLNTD Tiền Giang có làm một cuộc khảo sát với 1.500 NTD trên địa bàn; kết quả cho thấy: Còn 30% NTD chưa được phổ biến kiến thức về tiêu dùng và 40% chưa nhận biết được quyền và trách nhiệm của mình khi mua sắm hàng hóa; còn 24% NTD chưa biết có tổ chức hội bảo vệ quyền lợi cho mình nên còn lúng túng chưa biết ai giải quyết những vấn đề vi phạm ảnh hưởng đến quyền lợi của mình và còn 18% không muốn đi khiếu nại khi quyền lợi bị xâm phạm.
Tâm lý chung là sản phẩm không có giá trị lớn mà đi khiếu nại thì mất thời gian, công sức. Ngoài ra, có đến 70% NTD không quan tâm đến hóa đơn, chứng từ khi mua sắm, nên thiệt thòi khi có khiếu nại về sau.
* PV: Từ thực trạng này, để bảo vệ quyền lợi của NTD, Hội sẽ có những giải pháp gì, thưa ông?
* Ông Nguyễn Văn Lưỡng: Trong thời gian tới, Hội sẽ nâng cao năng lực hoạt động của mình. Hiện Hội đã thành lập được mạng lưới các tổ hòa giải ở cơ sở đặt tại các chợ trên địa bàn tỉnh để kịp thời giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền lợi của NTD. Tuy nhiên, cơ sở vật chất cũng như chế độ cho các tổ hòa giải này không có, nên hiệu quả hoạt động chưa cao.
Sắp tới, Hội sẽ thường xuyên tổ chức họp báo, cung cấp thông tin cho báo chí, tổ chức các cuộc tọa đàm, đối thoại với NTD, doanh nghiệp để trao đổi ý kiến về các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi cho NTD.
Kế đến là tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD bằng việc thực hiện tốt Quyết định 3616 ngày 20-11-2008 của UBND tỉnh, trong đó có sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành trong tỉnh, các cơ quan thực thi pháp luật; có như thế thì việc bảo vệ quyền lợi của NTD mới có hiệu quả.
Hiện có đến 90% NTD không an tâm khi mua sắm do vấn nạn hàng gian, hàng giả, với hình thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi nên các vụ vi phạm cần phải xử lý nhanh, kịp thời. Vì thế, cần thiết lập đường dây nóng liên lạc giữa các ban, ngành từ tỉnh đến cơ sở, nhất là hệ thống liên lạc liên ngành giữa Hội BVQLNTD của tỉnh hội, huyện hội và các ngành như:
Quản lý thị trường, tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, bảo vệ thực vật, quản lý chất lượng nông sản… Ở mỗi lĩnh vực nêu trên cần phân công cụ thể và công khai số điện thoại để liên lạc với nhau mọi lúc, để kịp thời xử lý những hành vi gian lận thương mại, xâm hại quyền lợi của NTD.
Người tiêu dùng khiếu nại tại Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh. Ảnh: Hữu Nghị |
* PV: Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ quyền lợi của mình cũng là điều quan trọng?
* Ông Nguyễn Văn Lưỡng: Đúng, vì thế trong thời gian tới, Hội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ quyền lợi NTD, bởi qua khảo sát còn hơn 30% NTD chưa được phổ biến kiến thức pháp luật về tiêu dùng. Hội sẽ chú trọng các vấn đề sau:
Phổ biến rộng rãi về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản pháp luật khác có liên quan, nhất là tuyên truyền về 8 quyền và 2 trách nhiệm của NTD để họ có thể chủ động bảo vệ mình không bị xâm phạm.
Tăng cường thông tin cho NTD nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng một cách thường xuyên, rộng rãi; trưng bày hàng thật - hàng giả ở trung tâm chợ, siêu thị… để NTD biết, tránh những thiệt hại khi mua sắm.
Tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức đấu tranh, chống gian lận thương mại, góp phần triệt tiêu hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng… trên thị trường. Tuyên truyền cho người dân biết khi mua hàng phải biết xuất xứ hàng hóa, có hóa đơn, chứng từ…
* PV: Xin cảm ơn ông!
DUY SƠN (thực hiện)