Thứ Hai, 13/10/2014, 14:14 (GMT+7)
.

Ông Huỳnh Công Dũng: Giá nước tăng chủ yếu do chi phí đầu vào tăng

Thời gian qua, nhiều cử tri trong những lần tiếp xúc với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh, đã phản ánh tình trạng giá nước tăng cao. Xung quanh lý do điều chỉnh giá nước lần này, phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với người có trách nhiệm. Theo đó, ông Huỳnh Công Dũng, Giám đốc Công TNHH Một thành viên (MTV) Cấp nước Tiền Giang cho biết:

Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang. Ảnh: Hữu Nghị
Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang. Ảnh: Hữu Nghị

Giá nước được điều chỉnh lần gần nhất vào tháng 12-2009 ban hành theo Quyết định 29/2009/QĐ-UBND ngày 10-12-2009 của UBND tỉnh. Trong gần 5 năm, tính từ năm 2009 đến năm 2014, các chi phí đầu vào để sản xuất nước sạch đều tăng.

Vì thế, việc điều chỉnh giá nước lần này là do 2 nguyên nhân: Thứ nhất, do chi phí đầu vào tăng; thứ hai, là áp dụng chính sách của Nhà nước: Thực hiện đầy đủ nội dung Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch là lắp đặt đồng hồ nước miễn phí cho khách hàng.

* Phóng viên (PV): Ông có thể cho biết những cơ sở để tính tăng giá nước theo tinh thần của Quyết định 28/2014/QĐ-UBND ngày 27-8-2014 và cả lộ trình tăng giá nước trong những năm kế tiếp?

* Ông Huỳnh Công Dũng: Giá thành nước sạch được Công ty TNHH MTV Cấp nước Tiền Giang xây dựng, sau đó Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ngành: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch & Đầu tư, Lao động, Cục Thuế… lấy ý kiến của các huyện, thành, thị (thường trực HĐND, các ngành,…) gửi Sở Tư pháp thẩm định trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt giá nước theo Quyết định 2087/QĐ-UBND ngày 27-8-2014 và Quyết định 28/2014/QĐ-UBND ngày 27-8-2014.

Cơ sở để xây dựng giá nước bao gồm: Các văn bản pháp lý hướng dẫn xây dựng giá nước với nguyên tắc chung là giá tiêu thụ nước sạch phải được tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ nước sạch.

 

Ông Ngô Hồng Khanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước nông thôn Tiền Giang cũng nhận xét, do giá nước cũ theo Quyết định 29 của UBND tỉnh có từ năm 2009, đến nay đã không còn phù hợp, công ty đã đề nghị điều chỉnh từ 2 năm nay, nhưng chưa được. Lần này, do 5 năm mới điều chỉnh, nên giá có chênh lệch nhiều so với giá cũ, nên gây phản ứng trong nhân dân.

Giá nước được điều chỉnh tăng do chi phí đầu vào tăng, nhưng bù lại người sử dụng nước được lắp đồng hồ miễn phí. Về chất lượng nước, công ty cũng đã cho kiểm tra rất kỹ, vừa qua đã cho tạm ngưng một số trạm cấp nước chưa đạt chuẩn như ở:

Xã Long Hưng (huyện Châu Thành), xã Mỹ Phước Tây (huyện Cai Lậy), xã Hòa Khánh (huyện Cái Bè), xã Trung Hòa (huyện Chợ Gạo). Về lộ trình tăng giá nước trong những năm tiếp theo sẽ tính theo trượt giá mỗi năm khoảng 7%.

Về lộ trình tăng giá nước trong thời gian tới, do thời gian điều chỉnh giá nước kéo dài (từ năm 2009 - 2014), không phản ánh đầy đủ các chi phí đầu vào, gây khó khăn cho đơn vị cấp nước.

Mặt khác, do trong thời gian dài mới điều chỉnh giá nước nên giá nước tăng cao hơn nhiều so với giá cũ (mặc dù vẫn bằng hoặc thấp hơn các tỉnh lân cận), từ đó gây phản ứng cho người tiêu dùng. Vì vậy, cần phải có lộ trình điều chỉnh giá nước từ 3 - 5 năm.

Nhiều công ty cấp nước đang thực hiện theo lộ trình này như: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu… giúp cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng như người dân dự trù được chi phí hàng năm. 

Từ năm 2014 - 2016, công ty sẽ thực hiện Dự án “Xây dựng mạng lưới đường ống tiếp nhận nước sạch từ hệ thống cấp nước Đồng Tâm phân phối cho thị xã Gò Công và huyện Gò Công Đông” với tổng mức đầu tư 160 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Tiền Giang với lãi suất 8,4%/ năm. Thời gian vay là 20 năm. Thời gian thực hiện dự án là 2 năm. Chi phí khấu hao và lãi vay khi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng  năm 2015, 2016 nhưng chưa đưa vào giá nước năm 2014 (dự kiến là 10 tỷ đồng/năm, tương đương 3% giá thành sản xuất năm 2014). Như vậy, dự kiến giá tăng do đầu tư dự án là 3% .

Ngoài ra, còn cơ sở nữa để tính giá nước là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm; tổng hợp 2 cơ sở này, giá nước năm 2015, 2016 tăng 10%/năm. Tỷ lệ này thấp hơn tỷ lệ tăng bình quân giữa giá nước năm 2014 và 2009 (là 12,4%).

* PV: Liệu giá nước tăng có kèm theo tăng chất lượng không, thưa ông?

* Ông Huỳnh Công Dũng: Giá nước tăng chủ yếu do chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, khi giá tăng chất lượng dịch vụ cũng được nâng lên, cụ thể: Bảo đảm nâng cao chất lượng và sản lượng nước trong mùa khô, mặn, đặc biệt là các huyện phía Đông của tỉnh. Khách hàng được đấu nối đồng hồ miễn phí, thay đồng hồ định kỳ miễn phí, thời gian cấp nước liên tục theo tiêu chí phân loại đô thị. Áp lực nước ổn định, các dịch vụ sửa chữa ống bể, cụm thủy lượng kế được đáp ứng kịp thời.

* PV:  Xin cảm ơn ông!

DUY SƠN (thực hiện)

UBND tỉnh Tiền Giang vừa ban hành Quyết định 28/2014/QĐ-UBND ngày 27-8-2014 về việc ban hành đơn giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang áp dụng từ ngày 7-.9-2014. Theo quyết định này, giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt cụ thể như sau:

  Đơn giá nước sạch sinh hoạt đô thị:

- Mức tiêu thụ từ 1 - 10 m3/hộ/tháng: 6.200 đồng/m3
- Mức tiêu thụ từ 11 - 20 m3/hộ/tháng: 8.200 đồng/m3
- Mức tiêu thụ từ 21 - 30 m3/hộ/tháng: 9.600 đồng/m3
- Mức tiêu thụ trên 30 m3/hộ/tháng: 10.800 đồng/m3

Đơn giá nước sạch sinh hoạt nông thôn khai thác từ nguồn nước ngầm tầng sâu không qua xử lý: 6.700 đồng/m3

- Đơn giá nước sạch sinh hoạt nông thôn khai thác từ nguồn nước ngầm tầng sâu có qua xử lý, khai thác từ nguồn nước mặt và các trạm mua nước nguồn BOO: 8.600 đồng/m3

 

.
.
.