NGƯT Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT chia sẻ về đạo đức nhà giáo
Đạo đức nhà giáo là vấn đề đang được nhiều người quan tâm, nhất là trong thời gian gần đây tình trạng giáo viên (bảo mẫu) bạo hành trẻ mầm non, vi phạm các quy định về dạy thêm - học thêm, o ép hoặc thiên vị học sinh... được báo chí cả nước đề cập thường xuyên.
Vậy, thế nào là vi phạm “đạo đức nhà giáo” và ngành Giáo dục (GD) cần có những giải pháp gì để nâng cao đạo đức nhà giáo? Bàn về những vấn đề này, Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Hồng Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT chia sẻ:
Trong những năm qua, chúng ta đã chú trọng việc “bảo đảm đủ số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) ở tất cả các cấp học, bậc học”.
Tuy nhiên, bên cạnh những người thầy âm thầm cống hiến cho sự nghiệp “Trồng người”, hết lòng vì học sinh (HS), vẫn còn một bộ phận nhà giáo chưa thật sự gương mẫu. Những cá nhân ấy đang tự đánh mất mình, mất lòng tin của xã hội, làm hình ảnh của cá nhân họ xấu dần trong mắt học trò.
Các em còn nhỏ, tâm hồn như tờ giấy trắng. Mỗi thầy giáo, cô giáo chính là tấm gương để học sinh soi vào. Chính vì vậy, mỗi thầy giáo, cô giáo phải nâng cao phẩm chất đạo đức, không ngừng rèn luyện để hoàn thiện lối sống, nhân cách của mình; sống có tấm lòng nhân ái, làm việc có trách nhiệm với chính mình và xã hội để làm gương cho các em.
* PV: Ngành đã và sẽ có những giải pháp gì để nâng cao đạo đức nhà giáo?
* NGƯT Nguyễn Hồng Oanh: Để nâng cao đạo đức nhà giáo, trong những năm qua ngành GD đã tích cực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; quán triệt nghiêm túc và sâu sắc Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định về đạo đức nhà giáo… nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có lối sống và ứng xử chuẩn mực.
Trong các chuyên đề bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng hè cho nhà giáo, ngành luôn chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cho mỗi nhà giáo, để mỗi nhà giáo thấy rõ trách nhiệm của mình với xã hội, với việc đào tạo, bồi dưỡng con người cho đất nước; thấy rõ được trách nhiệm trong việc bảo vệ danh dự của nhà giáo cũng như của ngành GD.
Các hội nghị, hội thảo gần đây do Sở GD-ĐT tổ chức cũng đã khơi dậy lương tâm, trách nhiệm, nhiệt huyết, nhiệt tình trong mỗi nhà giáo. Các nhà trường và cơ sở GD cũng đã quan tâm chăm lo đời sống, tạo điều kiện thuận lợi để các thầy giáo, cô giáo làm việc và cống hiến.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh và xử lý kịp thời, nghiêm túc những biểu hiện vi phạm về đạo đức nhà giáo, góp phần làm trong sạch môi trường giáo dục; đồng thời tuyên dương những tấm gương nhà giáo tiêu biểu cho sự nghiệp GD, hết lòng vì HS.
Ảnh: Minh Châu |
* PV: Có người cho rằng, trong thời điểm hiện tại, vai trò, vị thế của thầy giáo, cô giáo đối với HS đã có nhiều khác biệt so với trước đây. Vì thế, quy định về đạo đức nhà giáo cũng cần phải thay đổi theo. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
* NGƯT Nguyễn Hồng Oanh: Ngày nay, với sự phát triển nhanh chóng của mọi mặt đời sống xã hội, nhiều mối quan hệ trong xã hội cũng thay đổi, trong đó có mối quan hệ thầy - trò. Mặt khác, sự phát triển của khoa học - kỹ thuật hiện nay cho phép HS không chỉ học ở trường, ở lớp, không chỉ học ở người thầy, mà còn có nhiều kênh thông tin khác để nghiên cứu, học tập. Tuy nhiên, với vai trò định hướng, giáo dục con người thì không có kênh học tập nào khác có thể hoàn toàn thay thế được người thầy.
Vì vậy, theo tôi, hiện nay vai trò, vị thế của người thầy đối với HS không có nhiều khác biệt so với trước đây. Chỉ có điều là nội dung dạy học, phương pháp dạy học của người thầy phải thay đổi nhiều mới đáp ứng nhu cầu học tập trong điều kiện mới của HS.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đặt ra những yêu cầu bức thiết đối với nền đạo đức xã hội nói chung và việc lưu giữ, phát huy những giá trị cao đẹp của đạo đức truyền thống nhà giáo nói riêng. Mỗi nhà giáo phải không ngừng trau dồi, hoàn thiện bản thân cả đức lẫn tài để đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng của xã hội.
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định rõ về đạo đức nhà giáo như: Nhà giáo trong giai đoạn hiện nay là phải tận tụy với công việc, công bằng trong giảng dạy, chống bệnh thành tích, thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục...
* PV: Ngày nay, không ít trường hợp HS thiếu tôn trọng thầy cô, thậm chí sử dụng bạo lực với thầy cô của mình. Nguyên nhân có phải do vai trò, vị thế của người thầy không còn được như trước?
* NGƯT Nguyễn Hồng Oanh: Như đã trao đổi, trong giai đoạn hiện nay, vai trò, vị thế của người thầy vẫn giữ nguyên giá trị. Thế nhưng sự tác động 2 mặt của kinh tế thị trường đang làm cho đạo đức xã hội ít nhiều biến đổi, trong đó có cả GV và HS.
Ngoài ra, nền GD của chúng ta hiện nay còn nặng về thi cử, các trường học phải “chạy” theo chương trình, GV lên lớp thì phần lớn thời gian chỉ lo cung cấp kiến thức, còn HS thì hết học chính khóa lại lo đi học thêm nên thời gian tham gia các hoạt động GD về phẩm chất đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống trong nhà trường là rất ít.
Vì thế, dẫn đến một bộ phận HS đạo đức chưa tốt, thiếu lễ phép, thiếu tôn trọng thầy cô giáo. Đa số HS có đạo đức tốt, chăm ngoan và lễ phép. Điều đó được chứng minh qua những câu chuyện cảm động về tình nghĩa thầy - trò trên các phương tiện truyền thông hằng ngày.
* PV: Đối với những “HS cá biệt”, ngành có giải pháp gì để “uốn nắn” các em?
* NGƯT Nguyễn Hồng Oanh: Để tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho HS nói chung, HS cá biệt nói riêng thì cần phải có sự phối hợp tốt giữa 3 môi trường giáo dục là gia đình, nhà trường và xã hội.
Ở góc độ ngành GD, trong thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều giải pháp như: Thực hiện giảm tải nội dung, chương trình ở tất cả cấp học, bậc học; từng bước đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá, thi cử; tăng cường các hoạt động giáo dục phẩm chất đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho HS…
* PV: Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, với cương vị người đứng đầu ngành GD-ĐT tỉnh nhà, ông muốn nhắn gửi đến thầy giáo, cô giáo điều gì?
* NGƯT Nguyễn Hồng Oanh: Trong những năm qua, nhiều thế hệ nhà giáo đã tận tụy với công việc, sáng tạo với nghề, nỗ lực hết mình để vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp tích cực vào sự nghiệp GD của tỉnh nhà.
Dù hiện tại ngành GD vẫn còn một số khó khăn nhất định, nhưng với lòng yêu nghề, mến trẻ, tôi mong mỏi và tin rằng mỗi thầy giáo, cô giáo sẽ khắc phục khó khăn, phát huy vị thế và trách nhiệm của mình, luôn giữ gìn phẩm chất đạo đức; sống có kỷ luật, kỷ cương; luôn sáng tạo trong công việc, say mê trong nghiên cứu khoa học, tiếp thu những kinh nghiệm, phương pháp dạy học tiên tiến; luôn giữ cái tâm trong sáng với nghề, với HS, đoàn kết với đồng nghiệp, gắn bó với mọi người, là tấm gương sáng để HS noi theo.
* PV: Xin cảm ơn ông!
MINH CHÂU (thực hiện)