Thứ Hai, 03/11/2014, 17:03 (GMT+7)
.
ÔNG NGUYỄN VĂN TÚ, PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN CÁI BÈ:

Chủ động phòng, chống ảnh hưởng của triều cường

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 3 đợt nước lên do ảnh hưởng của triều cường vào những ngày cuối tháng 10 đầu tháng 11, cuối tháng 11 và cuối tháng 12, trong đó đặc biệt chú ý đợt triều cao vào cuối tháng 11 và cuối tháng 12. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do ảnh hưởng của triều cường gây ra, ông Nguyễn Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết:

Năm 2013, trên địa bàn huyện Cái Bè không có lũ nhưng đỉnh triều cường lại lớn hơn đỉnh triều cường năm 2011 đến 11 cm làm tràn 68 đoạn đê, dài 40 km; vỡ 9 đoạn đê, dài 126 m; 89 cửa đập bị gãy, dài 259,8 m; sụp dal 84 điểm, dài 1.355 m; xoáy đáy sụp mố 45 đập, dài 450,5 m; diện tích bị ảnh hưởng và ngập trên 1.000 ha.

Vì vậy, ngay từ đầu năm 2014, UBND huyện đã củng cố Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão (PCLB) của huyện, tổ chức hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm PCLB, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2013 và triển khai kế hoạch PCLB-TKCN; phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB;

Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xây dựng phương án và kế hoạch phòng, chống thiên tai, lũ và triều cường, sạt lở đất với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả).

* Phóng viên (PV): Ông hãy cho biết cụ thể về công tác bảo vệ diện tích lúa hè thu, vườn cây ăn trái trong mùa lũ và phòng, chống triều cường năm nay?

* Ông Nguyễn Văn Tú: Trên cơ sở lấy đỉnh lũ và triều cường năm 2011 làm chuẩn, UBND huyện đã chỉ đạo rà soát lại tất cả các công trình ô bao, cống đập, những điểm sạt lở có nguy cơ vỡ đê, tràn đê.

Sau khi đã tổng hợp hết các danh mục công trình của các xã, thị trấn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND huyện phân cấp từng danh mục công trình, cái nào lớn sử dụng kinh phí của huyện, cái nào nhỏ giao kinh phí của xã và nhân dân đóng góp cùng khắc phục, có văn bản giao trách nhiệm rõ ràng.

Từ khi triển khai đến nay, bằng nguồn kinh phí của huyện đã và đang triển khai thi công các công trình: Khắc phục 23 điểm sạt lở lớn với kinh phí 4,9 tỷ đồng; nâng cấp 8 điểm sân trường, bảo đảm không bị ngập với kinh phí 5 tỷ đồng; bằng nguồn vốn hỗ trợ đất lúa xây dựng hạ tầng 23 cống và nạo vét 1 tuyến kinh với kinh phí 9,6 tỷ đồng; đã thi công xong 19/20 công trình thủy lợi nội đồng với kinh phí 1,5 tỷ đồng; bằng nguồn vốn thủy lợi cấp bù, thi công xong 13 cống, nạo vét 18 tuyến kinh, kinh phí
16,9 tỷ đồng.

Chính quyền và nhân dân các xã đã khắc phục sửa chữa, nâng cấp các danh mục công trình để bảo vệ vườn cây ăn trái gồm: Nâng cấp 43 tuyến đê thấp, dài 34,4 km; sửa chữa cửa cống và xoáy đáy 156 cái, dài 466,4 m; xây dựng 12 đập tạm, dài 166 m; xử lý 27 điểm sạt lở nhỏ, dài 1.341 m.

Đối với công trình do xã vận động nhân dân khắc phục bảo vệ vụ lúa hè thu chính vụ: Nâng cấp 12 tuyến đê dài 13,6 km; sửa chữa 40 cửa cống dài 181 m; xây dựng 90 đập tạm dài 1.377 m; xử lý 96 điểm sạt lở nhỏ, dài 16.161 m; sửa chữa nâng cấp 1 cống.

* PV: Ông có thể cho biết thêm về tiến độ xây dựng cụm, tuyến dân cư và công trình ô bao, cống đập trên địa bàn huyện?

* Ông Nguyễn Văn Tú: Toàn huyện Cái Bè hiện có 5 cụm dân cư ở 5 xã (Mỹ Trung, Hậu Mỹ Bắc A, Hậu Mỹ Bắc B, Mỹ Lợi B và Mỹ Tân), có 1.402 nền nhà, trong đó nền tái định cư là 972 nền (đã xây dựng 875 nền), nền kinh doanh 430 nền (bán được 405 nền), xây dựng xong đưa vào sử dụng tổng diện tích 29,5 ha.

Tuyến dân cư (bờ bao dân cư có sẵn) được xây dựng từ nguồn vốn chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2 của Trung ương, vốn địa phương và nhân dân đóng góp (thể hiện bằng góp đất + cây trái, hoa màu), huyện đã tổ chức thi công được 25/26 tuyến với tổng mức đầu tư 159,192 tỷ đồng. Tổng khối lượng thực hiện là 902.972 m3, tổng chiều dài 108 km, tổng diện tích được bảo vệ 4.599 ha, tổng số hộ dân sinh sống an toàn trong mùa lũ là 6.525 hộ.

Đến nay đã nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả của chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư; huyện đang tập trung lập thủ tục quyết toán dứt điểm trong năm 2014; còn lại 1 tuyến Cây Dừng - Hồng Xina do thiếu nguồn vốn nên chưa triển khai thi công được. Qua các lần làm việc với đoàn kiểm tra của Trung ương và tỉnh, huyện đề xuất Trung ương cho triển khai giai đoạn 3.

Về ô đê bao, do địa hình huyện Cái Bè có hệ thống kinh rạch chằng chịt, với tổng số 558 kinh, dài 1.095 km, có 205 ô. Trong đó, có 42 ô ở Nam Quốc lộ 1, diện tích 7.651 ha, chủ yếu là vườn cây ăn trái, chiều dài đê 260,9 km; Bắc Quốc lộ 1 có 163 ô, diện tích 14.025 ha, vườn cây ăn trái xen đất lúa, chiều dài đê 665 km.

Đối với ô bao vườn được xây dựng sau năm 2000 đến nay có diện tích từng ô nhỏ, hệ thống đê có cao trình từ 1,5 - 2 m không bảo đảm ngăn triều cường, do đó hàng năm đều có kế hoạch nâng cấp.

Về cống đập, qua các năm đã xây dựng 651 cống đập tạm có sử dụng bê tông cốt thép, 446 cống hở, 442 cống tròn, trong năm nay đã xây dựng mới 36 cống kiên cố phục vụ cánh đồng lớn, đã đưa vào sử dụng.

Để đối phó với khả năng mực nước lên nhanh do ảnh hưởng lũ kết hợp triều cường, Ban chỉ huy PCLB-GNTT huyện đã ban hành Công văn 145/PCLB, ngày 17-10, về việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình chống lũ và triều cường năm 2014. Trên cơ sở các danh mục công trình, đã phân cấp trách nhiệm cho các xã và thị trấn để vận động nhân dân cùng với ngân sách xã khắc phục.

Thường trực Ban chỉ huy PCLB-GNTT huyện có kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các xã thực hiện xong các danh mục đã phân cấp cho xã; đồng thời chỉ đạo trực 24/24 giờ vào những thời điểm triều cường cao trong những tháng cuối năm để đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, không để thiệt hại tài sản của nhân dân. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đối phó với đỉnh triều cường đã hoàn tất.

* PV:  Xin cảm ơn ông!

HỮU CHÍ (thực hiện)

.
.
.