Đạt kết quả khả quan sau 1 năm nỗ lực vì bình đẳng giới
Bình đẳng giới là mục tiêu hướng đến của Chiến lược Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ. Ông Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh cho rằng, để đạt được mục tiêu đó, thời gian qua công tác tổ chức thực hiện và phối hợp thực hiện của các ngành, các cấp rất tích cực và đã mang lại hiệu quả khả quan ở hầu hết các mục tiêu lớn của chương trình.
Trong năm 2014, tỉnh tập trung thực hiện tư vấn việc làm cho hơn 8.000 lao động nữ, qua đó giới thiệu việc làm cho 2.393 lao động nữ. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện tốt việc tạo điều kiện để phụ nữ nghèo tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Mặt khác, chị em còn được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học - kỹ thuật qua các phong trào của Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, tổ chức Khuyến nông - Khuyến ngư… nên đã cải thiện, nâng cao được đời sống nhân dân, nhiều hộ đã được thoát nghèo.
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ngành GD-ĐT tiếp tục tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em gái có cơ hội học tập nâng cao trình độ học vấn, trình độ chuyên môn nghiệp vụ như:
Chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỷ năng; chương trình đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm, học từ xa, du học... , qua đó tạo thêm nhiều cơ hội học tập đối với phụ nữ.
Hiện nay, tỷ lệ biết chữ của nữ độ tuổi dưới 40 trên phạm vi toàn tỉnh, kể cả 4 xã khó khăn nhất của huyện Tân Phú Đông nếu trừ diện miễn giảm đều đạt tỷ lệ 100% so với chỉ tiêu 99,9% vào năm 2015. Đặc biệt, số cán bộ, giáo viên nữ đã và đang học sau đại học của tỉnh là 166 người, chiếm tỷ lệ 52,86%, trong khi chỉ tiêu của UBND tỉnh đến năm 2015 là 40%.
Tỉnh cũng bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho chị em. Mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản đã phủ khắp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Ngành Y tế còn mở nhiều lớp đào tạo về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho bác sĩ sản, nữ hộ sinh từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, bổ sung nhiều thiết bị y tế hiện đại, kỹ thuật cao nhằm phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời nên đã giảm tỷ lệ phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa.
Công tác tư vấn tại các cơ sở y tế được chú trọng, tại các trạm y tế có phòng tư vấn giúp cho đối tượng tư vấn hiểu biết về giới tính, về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tiếp cận dễ dàng, thuận tiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản có chất lượng. Với những điều kiện trên đã góp phần thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu về thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Tỉnh cũng đã thực hiện khá tốt mục tiêu về bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới và góp phần rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc của nữ so với nam. Trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập các CLB phòng, chống bạo lực gia đình và hoạt động rất hiệu quả, góp phần hạn chế các vụ, việc liên quan đến bạo lực gia đình.
Bên cạnh đó, còn xây dựng các cơ sở tạm lánh, hỗ trợ tư vấn về pháp lý và sức khỏe cho các đối tượng liên quan đến bạo lực gia đình. Nhờ vậy mà số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn về pháp luật và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc.
Trong năm phát hiện 95 vụ bạo lực gia đình, 91 vụ được hòa giải thành tại cơ sở; các địa phương đã nghiêm khắc xử lý 4 đối tượng gây ra bạo lực về giới; không có nạn nhân (phụ nữ, trẻ em) bị buôn bán trở về.
* PV: Trong quá trình thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh, mục tiêu nào chưa đạt, thưa ông?
* Ông Trần Vĩnh Hưng: Trong tổng số 7 mục tiêu của chiến lược thì tỉnh thực hiện chưa đạt một số chỉ tiêu của mục tiêu 1 về tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý nhằm từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
Nhìn chung, trong thời gian qua, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới ở tỉnh nhà đã được các cấp, các ngành quan tâm, từng bước làm hạn chế và giảm dần tư tưởng trọng nam khinh nữ.
Nổi bật nhất là trong lĩnh vực chính trị tỷ lệ nữ đảng viên không ngừng tăng lên về số lượng; tỷ lệ nữ tham gia trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội ngày càng nhiều. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ tham gia công tác trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị xã hội trên phạm vi toàn tỉnh cũng còn khiêm tốn, chưa đạt tỷ lệ phấn đấu.
Nguyên nhân chính vẫn là do công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ trong thời gian qua còn nhiều nơi làm chưa tốt, có cơ quan, đơn vị bị hụt hẫng, không có nguồn cán bộ kế thừa để thay thế.
Mặt khác, nhận thức và đánh giá của cấp ủy, chính quyền và một số cơ quan, đơn vị cơ sở về vai trò, vị trí của đội ngũ cán bộ, công chức nữ chưa đầy đủ, vẫn còn biểu hiện xem nhẹ phụ nữ; hiện tượng thiếu tin tưởng lẫn nhau giữa chị em phụ nữ còn khá phổ biến; bản thân một số cán bộ nữ còn ràng buộc gia đình, thiếu ý chí phấn đấu vươn lên, nên đã hạn chế việc đưa cán bộ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp.
* PV: Như vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong việc thực hiện chiến lược này, thưa ông?
* Ông Trần Vĩnh Hưng: Nhìn chung, nhận thức về giới và bình đẳng giới trong thời gian qua đã có sự chuyển biến đáng kể, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức xem việc học tập, tìm hiểu về giới và bình đẳng giới là việc của phụ nữ và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới.
Việc triển khai chương trình và kế hoạch hành động ở các ngành, các cấp trong thời gian qua còn lúng túng, nhất là việc thực hiện lồng ghép giới vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên hoặc đưa yếu tố giới vào việc hoạch định và thực thi chính sách, vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, chưa tạo được tính pháp lý, xác định trách nhiệm trong thực hiện nên kết quả đạt được còn hạn chế.
Việc tổng hợp, phản ánh báo cáo chưa đạt yêu cầu, đặc biệt là các ngành liên quan trực tiếp các mục tiêu. Thành viên Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp, các ngành đều hoạt động kiêm nhiệm, việc sắp xếp công việc tham gia công tác chỉ đạo còn hạn chế, một số thành viên không hoạt động hoặc hoạt động chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm, từ đó đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chung.
Khoảng cách về giới vẫn còn tồn tại trong đời sống xã hội, vẫn còn những định kiến giới và tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Tư tưởng này có ở mọi tầng lớp xã hội, không phân biệt tôn giáo, dân tộc và địa vị xã hội, cá biệt có một bộ phận cán bộ các cấp, các ngành cũng chưa nhận thức đúng về giới, chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, điều hành công việc trên cơ sở bình đẳng giới, do vậy trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Nhiều nghị quyết, chính sách liên quan về phụ nữ và bình đẳng giới đã được ban hành nhưng trên thực tế một số nơi hiệu quả thực hiện chưa cao, thiếu kiểm tra, uốn nắn, chỉ đạo kịp thời.
Từ cơ sở xác định hạn chế và nguyên nhân hạn chế, tỉnh sẽ có điều chỉnh nhằm thực hiện tốt hơn nữa Chương trình mục tiêu Quốc gia về bình đẳng giới trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
* PV: Xin cảm ơn ông!
HẠNH NGA (thực hiện)