Tiếp tục nâng chất phong trào TDĐKXDĐSVH
Năm 2014, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh được Bộ VH-TT&DL tặng Cờ thi đua xuất sắc khu vực ĐBSCL, trong đó phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) của tỉnh tiếp tục được Văn phòng Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH Trung ương đánh giá cao. Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc Sở VH-TT&DL, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh cho biết:
Tính đến cuối năm 2014, nhiều chỉ tiêu của phong trào TDĐKXDĐSVH đã được các địa phương trong toàn tỉnh tích cực triển khai thực hiện và đạt kết quả khả quan. Cụ thể, năm 2014 có 99% hộ đăng ký xây dựng “Gia đình văn hóa” (GĐVH) và đã có hơn 95% hộ đạt chuẩn; có 958/1.018 ấp (khu phố) đạt danh hiệu văn hóa, chiếm tỷ lệ 94,10%.
Bên cạnh đó, trong năm 2014, các huyện, thành, thị trong tỉnh đã xây dựng mới 7 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới và phường văn minh đô thị; đồng thời chuyển đổi 20 xã, phường, thị trấn văn hóa sang danh hiệu Xã Văn hóa nông thôn mới và Phường (Thị trấn) Văn minh đô thị; nâng đến nay có 72/173 xã (phường, thị trấn) văn hóa, chiếm tỷ lệ 41,61% (trong đó có 39 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới), 15 phường (thị trấn) đạt chuẩn văn minh đô thị và 18 xã, phường văn hóa.
Nhiều hội thi, hội diễn góp phần nâng chất phong trào TDĐKXDĐSVH. |
* PV: So với năm 2013 thì phong trào trong năm 2014 có gì mới?
* Ông Nguyễn Ngọc Minh: So với năm 2013 thì năm 2014 kết quả thực hiện các mô hình trong phong trào TDĐKXDĐSVH tiếp tục được nhân rộng, chất lượng các danh hiệu cũng ngày càng được quan tâm hơn.
Nhiều địa phương trong tỉnh đã tập trung củng cố nâng chất cuộc vận động xây dựng GĐVH, ấp (khu phố), xã (phường, thị trấn) văn hóa và nếp sống văn hóa nơi công cộng như: Cơ sở thờ tự, chợ, công viên, con đường văn hóa…, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ kinh tế, văn hóa - xã hội địa phương. Đặc biệt, phong trào TDĐKXDĐSVH đã gắn kết chặt chẽ với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Ngành Văn hóa trong tỉnh đã tích cực tham mưu Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các địa phương thực hiện 2 tiêu chí số 6 và số 16 về văn hóa, góp phần giúp các xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới; nổi bật là xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), xã Tân Thanh (huyện Cái Bè), xã Bình Nghị (huyện Gò Công Đông) và xã Tam Bình (huyện Cai Lậy).
* PV: Năm 2014, số lượng đăng ký và đạt danh hiệu GĐVH của tỉnh ta rất cao; thế nhưng tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội vẫn còn phức tạp. Ông lý giải điều này thế nào?
* Ông Nguyễn Ngọc Minh: Việc số lượng GĐVH đăng ký cao là do cuộc vận động xây dựng GĐVH đã được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 1985, đến nay gần 30 năm nên đã đi vào nền nếp và các địa phương trong tỉnh đã tập trung công tác tuyên truyền vận động nhân dân tự nguyện đăng ký vào đầu năm.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu của ngành Công an và việc họp dân của các tổ nhân dân tự quản cũng rất tốt. Mặt khác, thời gian qua, việc biểu dương, khen thưởng kịp thời các GĐVH cũng là một nguyên nhân động viên hộ dân đăng ký và thực hiện GĐVH ngày càng cao.
Chẳng hạn, hàng năm hầu hết xã, phường, thị trấn đều tổ chức Liên hoan GĐVH, kịp thời biểu dương các GĐVH tiêu biểu xuất sắc nhân Ngày hội đoàn kết toàn dân tộc (ngày 18-11) và tuyển chọn GĐVH tiêu biểu dự liên hoan cấp trên là động lực để nhân dân tự giác đăng ký và thực hiện các tiêu chuẩn GĐVH.
Ngoài ra, những năm qua, Ban Chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn về việc đăng ký và bình xét GĐVH, trong đó lưu ý việc bình xét GĐVH phải đúng quy trình công khai, dân chủ, nên việc bình xét GĐVH ngày càng đúng thực chất hơn. Việc tỷ lệ hộ dân đăng ký xây dựng GĐVH đạt 99,17% là phản ảnh đúng với thực tế hiện nay.
Tuy nhiên, những năm qua và hiện nay việc vận động, bình xét, công nhận GĐVH thuộc về trách nhiệm Ban Chỉ đạo và Ủy ban nhân dân cấp xã; Ban Chỉ đạo cấp huyện, tỉnh chỉ hướng dẫn và giám sát, kiểm tra việc thực hiện của cơ sở.
Do đó, bên cạnh những địa phương làm tốt cuộc vận động, thì cũng còn một số địa phương chạy theo thành tích hoặc làm qua loa, chiếu lệ, không đúng quy trình, chạy theo thành tích…, dẫn đến thực tế tình hình tội phạm hoặc tệ nạn xã hội còn diễn ra hàng ngày, gây bức xúc trong một bộ phận nhân dân. Vì vậy, ngoài việc vận động, giáo dục thông qua phong trào TDĐKXDĐSVH thì còn phải có sự phối hợp ngăn chặn, xử lý của các ngành, các cấp có thẩm quyền.
* PV: Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh sẽ thực hiện những giải pháp gì để nâng chất lượng phong trào TDĐKXDĐSVH trong thời gian tới, thưa ông?
* Ông Nguyễn Ngọc Minh: Để nâng chất lượng cuộc vận động xây dựng GĐVH nói riêng và phong trào TDĐKXDĐSVH nói chung, những năm qua Sở VH-TT&DL, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành; đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, sắp tới tiếp tục thực hiện nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện, trong đó tập trung chú ý đến việc đăng ký, bình xét và công nhận GĐVH đúng quy trình, bảo đảm dân chủ, công khai, không chạy theo số lượng; tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân tự giác đăng ký và thực hiện các tiêu chuẩn GĐVH; tổ chức tốt việc tuyên dương, khen thưởng GĐVH hàng năm.
Bên cạnh đó, tổ chức nhiều đợt kiểm tra, giám sát việc xây dựng GĐVH, xây dựng xã (phường, thị trấn) văn hóa; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ Văn hóa - Thông tin cấp huyện và cơ sở; tổ chức Hội thi Ban Chủ nhiệm ấp (khu phố) văn hóa cấp xã, huyện, tỉnh để nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho Ban Chủ nhiệm các ấp (khu phố) văn hóa trong tỉnh; tổ chức Hội thi Hàng rào cây xanh, trụ sở ấp, khu phố văn hóa Xanh - Sạch - Đẹp để nâng cao tiêu chí môi trường cảnh quan tại các gia đình, cơ quan, ấp (khu phố)…
* PV: Xin cảm ơn ông!
PV